Ở tuổi 70, Sven-Goran Eriksson lẫy lừng vẫn tiếp tục hành trình chinh phục với đích đến là chức vô địch AFF Cup cùng Philippines. Việt Nam của HLV Park Hang-seo sẽ là trở ngại.
Eriksson đối đầu Việt Nam. Ấy là một viễn cảnh mà khoảng hai thập kỷ trước không có khả năng nào có thể xảy ra. Ông Eriksson khi đó đang dẫn dắt Lazio là một trong những CLB mạnh nhất Serie A, giải đấu vốn được coi là World Cup thu nhỏ khi ấy và thậm chí đả bại cả Mancheter United hùng mạnh của Sir Alex Ferguson trong trận tranh Siêu cúp châu Âu 1999.
Alessandro Nesta, Juan Sebastian Veron, Pavel Nedved, Marcelo Salas, Hernan Crespo…, tất cả đều là học trò của nhà cầm quân Thụy Điển. Việt Nam dù đang ở trong “thế hệ vàng” với những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Văn Sỹ, Đỗ Khải, Công Minh… thì vẫn chỉ là một đội tuyển ở vùng trũng Đông Nam Á.
Sau cùng, hai thập kỷ sau là quãng thời gian có thể rút ngắn khoảng cách có lúc tưởng chừng như không tưởng ấy.
“Một trong những nhà cầm quân huyền thoại của lịch sử bóng đá thế giới, HLV Sven-Goran Eriksson đã đồng ý dẫn dắt ‘Những chiến binh Alzaks’”, lãnh đội của Philippines Dan Palami hào hứng nói với báo giới hôm 28/10.
“Nhà cầm quân huyền thoại của lịch sử bóng đá thế giới” không hề là danh xưng quá lời về Sven-Goran Eriksson. 6 năm ông dẫn dắt tuyển Anh (2000-2006) không giành được bất kỳ danh hiệu đáng kể nào, và thậm chí còn sưu tập không biết bao nhiêu scandal tình ái lẫn tiền bạc có thể khiến nhiều người có cái nhìn đậm thành kiến về nhà cầm quân người Thụy Điển.
Thực tế nói rằng Eriksson là một trong những HLV xuất sắc trong thế hệ của mình. Ông có thể chưa đạt tới mức đỉnh cao nhất khi không vô địch World Cup hay Champions League như Marcello Lippi, Vicente Del Bosque hay Fabio Capello, song bộ sưu tập danh hiệu của Eriksson vẫn có thể được mô tả bằng hai chữ đồ sộ.
“Rào cản lớn nhất tới thành công là sự sợ hãi thất bại”, Eriksson chưa từng đi trái với câu nói đó của chính mình. Ông luôn chấp nhận những thử thách mới, và đó là lý do Eriksson có một sự nghiệp lẫy lừng.
Trước khi dẫn dắt tuyển Anh năm 2000, HLV Eriksson đã có xấp xỉ 2 thập kỷ hành nghề huấn luyện ở đẳng cấp cao nhất. Năm 1982, ở tuổi 34, Eriksson đã đưa IFK Goteborg vô địch cúp UEFA sau khi đả bại Hamburg trong trận chung kết với tổng tỷ số 4-0. Hamburg khi đó… mạnh hay không? Trả lời: một năm sau đó, Hamburg vô địch cúp C1 châu Âu.
Năm 1984, đội á quân cúp C1 châu Âu AS Roma đưa Eriksson về làm HLV trưởng dẫn dắt những hảo thủ như Carlo Ancelotti, Toninho Cerezo… Eriksson gắn bó với giải đấu số một thế giới Serie A trong 5 năm trước khi nhận lời mời của Benfica.
Ngay mùa đầu tiên, ông giúp Benfica lọt vào trận chung kết cúp C1 châu Âu, chỉ chịu thua AC Milan hùng mạnh của Arrigo Sacchi và Marco Van Basten hay Ruud Gullit.
Nhưng đỉnh cao của sự nghiệp Eriksson là lần thứ hai bén duyên với Italy và Serie A. Ông được đội á quân cúp C1 châu Âu năm 1992 Sampdoria đưa về sân Luigi Ferraris vào cùng năm. Trong nửa thập kỷ gắn bó với đội bóng thành phố cảng Genova, Eriksson trở thành một thần tượng thực sự với thứ bóng đá tấn công đầy phóng khoáng.
Ông cũng trực tiếp mang những Clarence Seedorf, Juan Sebastian Veron tới Italy và biến tất cả thành những biểu tượng. Năm 1997, bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Eriksson tới khi ông gật đầu với lời đề nghị tham vọng của Lazio.
Với tiền của ông trùm Sergio Cragnotti và tài năng của Eriksson, Lazio đã giành Coppa Italy, cúp C2 châu Âu, Siêu cúp châu Âu và đặc biệt là chức vô địch Serie A mùa giải 1999/2000 vói hợp đồng bom tấn mang tên Hernan Crespo từ Parma.
Ngay sau khi giành Scudetto cùng Lazio, Eriksson nhận lời ngồi lên chiếc ghế HLV trưởng tuyển Anh. Ông trở thành HLV ngoại đầu tiên dẫn dắt Anh trong lịch sử. Trách nhiệm của Eriksson là nặng nề khi Tam Sư lúc đó đang dưới đáy thất vọng sau khi bị loại ngay từ vòng bảng Euro 2000 bất chấp việc sở hữu thế hệ cầu thủ toàn sao như David Beckham, Paul Scholes hay Michael Owen…
Nếu nhìn lại 6 năm Eriksson dẫn dắt ĐT Anh, không mất quá nhiều thời gian để gán vào đó 2 chữ thất bại. Song nếu đối chiếu vào thành tích sau đó của các đời HLV tuyển Anh, sự thật lại chỉ ra rằng Eriksson chẳng đến nỗi tệ như nhiều người nghĩ. Tuyển Anh của Eriksson lọt vào tứ kết của ba giải đấu là World Cup 2002, Euro 2004 và World Cup 2006.
Sau khi sa thải Eriksson, Anh được gì? Câu trả lời: không được tham dự Euro 2008, bị loại từ vòng 1/8 World Cup 2010, loại ở tứ kết Euro 2012, loại ngay từ vòng bảng World Cup 2014, loại từ vòng 1/8 Euro 2016. Vậy thì lỗi là ở Eriksson hay FA?
Câu trả lời có lẽ là cả hai. 6 năm Eriksson dẫn dắt tuyển Anh là 6 năm cuộc sống đời tư tình ái phức tạp của nhà cầm quân người Thụy Điển bị phơi lên mặt báo. Eriksson chưa bao giờ giấu diếm việc ông là một người trăng hoa (suy cho cùng thì ai có thể cấm được ông?).
Năm 1997, khi còn dẫn dắt Sampdoria, Eriksson vướng phải lưới tình với nữ luật sư Nancy Dell’Olio. Tình cảm của cả hai mặn nồng tới mức ông Eriksson làm thủ tục ly dị với người vợ đã kết hôn từ năm 1977, còn cô luật sư cũng dắt tay chồng ra tòa.
Câu chuyện này không tạo ra quá nhiều lùm xùm tại Italy vào thời điểm đó, nhưng là miếng mồi ngon với truyền thông Anh quốc vào thời điểm ông Eriksson nhậm chức HLV trưởng Tam Sư.
Sự xâm phạm đời tư của báo chí Anh với Eriksson lên đến đỉnh điểm khi scandal ông dan díu với nữ thư ký của FA Faria Alam bị đổ bể. Cả nước Anh thấy tất tần tật những hành vi của Eriksson dù là tế nhị nhất như chuyện ông đã làm gì với cô thư ký khi cả hai ở phòng riêng. Cô bồ Nancy Dell’Olio không ngần ngại chia tay luôn ông thầy người Thụy Điển.
Scandal tình ái này khiến dư luận Anh kêu gào FA sa thải Eriksson. Nhưng bằng rất nhiều cách, điều này không diễn ra cho tới năm 2006 khi Eriksson “sập bẫy” của phóng viên tờ News of the World. Phóng viên này đã giả làm một hoàng thân người Arab, mời Eriksson lên một du thuyền hạng sang trước khi đề nghị ông rời chức vụ HLV trưởng tuyển Anh để trở thành HLV của một CLB tại Premier League mà mình chuẩn bị mua với mức lương ngất ngưởng.
Eriksson gật đầu và… sự nghiệp tại tuyển Anh kết thúc. Màn kịch công phu đó của tờ News of the World đã đánh lừa hoàn toàn được nhà cầm quân người Thụy Điển. Và FA không có lý gì để giữ ông ở lại nữa.
“Để làm HLV trưởng tuyển Anh, bạn phải thắng mọi trận đấu, đừng làm gì riêng tư cả, và cầu trời rằng đừng có kiếm được quá nhiều tiền”, Eriksson nhận xét về vị trí mà ông đã gắn bó 6 năm trời trước khi bị sa thải.
Eriksson nói trong một cuộc phỏng vấn với báo chí Italy rằng ông luôn thích dẫn dắt một CLB hơn là đội tuyển quốc gia. Đơn giản là vì ông có duyên với những liên đoàn. Sau khi bị Anh sa thải, Eriksson bị Mexico làm điều tương tự.
Ông dẫn dắt Bờ Biển Ngà tại World Cup 2010 nhưng số phận run rủi thế nào lại đưa đại diện châu Phi vào bảng đấu có sự xuất hiện của Brazil và Bồ Đào Nha và bị loại ngay từ vòng bảng.
Sau năm 2010 đó, sự nghiệp của Eriksson đi xuống một cách rõ rệt. Ông tỏ ra lạc lõng, thậm chí có thể gọi là hết thời khi bóng đá thế giới xoay chuyển rõ rệt với những biểu tượng mới trên ghế huấn luyện như Jose Mourinho hay Pep Guardiola…
Eriksson trôi dạt tới tận Trung Quốc trước khi tên tuổi một lần nữa được rình rang lên các mặt báo theo cách không mấy tích cực khi nhận lời làm HLV trưởng ĐT Philippines.
“Già cỗi”, “thiếu ý tưởng” là những tính từ mà báo chí Trung Quốc ném vào Eriksson sau hành trình 4 năm của ông tại đất nước đông dân nhất thế giới. Nhưng ngay cả khi bị chỉ trích như thế, thì việc Eriksson gật đầu với Philippines vẫn là lời tuyên ngôn của “Những chiến binh Azkals” với phần còn lại của Đông Nam Á.
Mức lương xấp xỉ nửa triệu USD trong vòng 6 tháng không phải để cho vui. Eriksson ngay lập tức được đăt lệnh sẽ phải đưa Philippines vô địch AFF Cup bất chấp việc ông chỉ có 2 tuần để chuẩn bị mọi thứ, từ làm quen với các cầu thủ, thích nghi với khí hậu, truyền đạt tư tưởng…
Đứng trên góc nhìn của các quan chức LĐBĐ Philippines, việc bổ nhiệm Eriksson lên ghế HLV trưởng là một lời tuyên ngôn đanh thép cho phần còn lại của Đông Nam Á rằng tuyển Philippines không muốn mãi chỉ làm những kẻ ngoài cuộc tại AFF Cup nữa.
“Những chiến binh Azkals” có thực lực và điều họ cần chỉ là một người có thể xé nát vỏ bọc tự ti của các cầu thủ, cho tất cả thấy ho có sức mạnh như thế nào và thống lĩnh đoàn quân chinh phục thử thách.
Eriksson có đầy đủ những tố chất đó. Ông là một ngôi sao thực sự trên ghế huấn luyện ở tầm cỡ này. Đẳng cấp của Eriksson vượt xa tất cả những đồng nghiệp trong khu vực.
Milovan Rajevac của Thái Lan đúng là đã đưa Ghana lọt vào tới tứ kết World Cup 2010 nhưng so về vai vế, nhà cầm quân người Nam Tư cũ chỉ quen dẫn dắt những CLB và đội tuyển hạng ba này không có cửa đọ với bảng thành tích đồ sộ của Eriksson.
Sự xuất hiện của Eriksson đã khiến tinh thần của những cầu thủ Philippines thay đổi, khác hẳn quá khứ yếm thế luôn nghĩ rằng mình chỉ là đội lót đường hoặc cùng lắm là sắm vai ngựa ô.
Một tháng đã trôi qua từ ngày Eriksson nhậm chức HLV trưởng Philippines, và thành tích vượt qua vòng bảng AFF Cup là hình ảnh phản chiếu cho sự tự tin mà ông Eriksson mang tới đội bóng này.
Sự tổ chức, kỷ luật, cùng tâm thế có phần nào đó trịch thượng kiểu cửa trên là điều mà Philippines đang thể hiện tại AFF Cup 2018. Họ luôn kiểm soát được trận đấu, biết mình phải làm gì, biết phải tấn công ra sao, biết phải phòng ngự, phạm lỗi, chơi tiểu xảo như thế nào, mặc kệ đối thủ có là Timor Leste, Singapore, Indonesia hay cả Thái Lan.
Tâm thế mà Philippines đang trình diễn là của một đội bóng châu Âu chứ không phải một đại diện Đông Nam Á. Tất cả điều đó dĩ nhiên đều tới với Eriksson, người đã kinh qua những giải đấu đỉnh cao nhất mà so sánh một cách công bằng và tế nhị nhất thì AFF Cup chỉ là một trò cười.
Đúng là Philippines đang chơi thứ bóng đá ở đẳng cấp đáng nể dưới sự dẫn dắt của Eriksson, nhưng ở bán kết AFF Cup, ông và các học trò sẽ phải đối đầu với đội tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo, đội đã đứng đầu bảng A với thành tích bất bại và chưa để lọt lưới dù chỉ 1 lần.
Ông Eriksson đã chọn cách không bắt đầu một cuộc khẩu chiến với người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến ngay khi xác định được đối thủ ở bán kết. Ông trả lời một cách điềm đạm trong phòng họp báo sau trận hòa Indonesia 0-0 rằng ông “yêu các học trò rất nhiều”, và chỉ hướng tới trận bán kết một cách ung dung khi nói rằng việc được nghỉ một tuần “sẽ có lợi cho các cầu thủ”.
Nếu đặt lên bàn cân so sánh, ông Eriksson và Park Hang-seo là hai thái cực hoàn toàn khác biệt. Nếu như ông Eriksson đại diện của lối sống châu Âu có phần phóng túng và quản lý theo kiểu sao trị sao, thì ông Park mang trọn vẹn màu sắc Á Đông vào ghế huấn luyện với việc quản trị theo kiểu gia đình.
Thời còn dẫn dắt Lazio, Eriksson không xen vào từng mâu thuẫn của các học trò. Ông hiểu rất rõ rằng việc những ngôi sao với cái tôi lớn có thể hòa thuận với nhau và có thể tạo ra một tập thể mạnh hay không không nằm ở những mệnh lệnh của huấn luyện viên. Tạo ra một môi trường đủ thoải mái để những cầu thủ tự phát huy được khả năng là điều cần làm thay vì tự mình chen vào giữa quá trình.
Lazio khi đó của Eriksson từng chứng kiến Roberto Mancini lao vào đấm Juan Veron vì tranh nhau… đá phạt góc, nhưng sau cùng thì trong cả 3 mùa giải dẫn dắt Lazio, Eriksson chưa bao giờ trắng tay. Ấy là cái tài của nhà cầm quân người Thụy Điển. Ông biết cách quản trị những ngôi sao sừng sỏ nhất bằng cách… không làm gì.
Trái với Eriksson, ông Park Hang-seo là một người Á Đông điển hình và quản trị những cầu thủ theo phong cách gia đình. Ông Park chụp ảnh selfie với Văn Thanh, đắp mặt nạ cho Quang Hải, Đức Chinh thậm chí còn massage chân cho Đức Huy. Đội trưởng Văn Quyết trầm tình ít nói là vậy, nhưng ông Park biết cách giao tiếp và đặt niềm tin cho cậu học trò.
Trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả tại tòa soạn Zing.vn sau khi ASIAD 2018 kết thúc, ông Park và Văn Quyết thậm chí đã chơi một trò chơi tráo đổi thân phận. Ông Park hóa thân thành phóng viên phỏng vấn Văn Quyết. Tiền đạo sinh năm 1991 cũng làm điều ngược lại sau đó.
Ngoài những câu chuyện về chuyên môn, Văn Quyết trong một giây phút hiếm hoi vui vẻ đã hỏi ông thầy rằng ông có định tập đi xe máy để đi uống cafe ở gần sân Mỹ Đình hay không.
Đáp lại câu hỏi của cậu học trò, ông Park vui vẻ nói có lẽ ông sẽ tìm cách, nhưng là đi xe đạp. Sự thân mật, bình dị ấy của ông Park với các học trò sẽ không tồn tại trong văn hóa huấn luyện của ông Eriksson.
Một chi tiết khác để nói về sự đối lập giữa HLV Eriksson và Park Hang-seo, ấy là gia đình. Ông Eriksson đã quá nổi tiếng với những scandal tình ái.
Trả lời Il Secolo XIX của Italy, ông nói: “Tôi đã li dị vợ trong thời gian làm HLV cho Sampdoria trong những năm 1990. Kể từ đó đến giờ, tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ đẹp, nhưng tôi không kết hôn nữa. Tôi yêu họ, và chỉ thế thôi. Bây giờ, bạn gái của tôi là Yaniseth, một cựu người mẫu Panama”.
Ông Park thì hiện ở cùng vợ tại một căn hộ trong khuôn viên VFF tại Hà Nội. Thời gian đầu ông Park mới dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, bà Choe Sang Ah ở Hàn Quốc, nhưng sau gần một năm, bà quyết định tới hẳn Việt Nam ở cùng chồng.
Sau thành công của người đàn ông luôn có bóng hình người phụ nữ. Với ông Park đó là vợ, còn với Eriksson đó là (rất nhiều) nhân tình.
Những khác biệt ấy sẽ càng biến cuộc đấu giữa cả hai tại Panaad, Bacolod vào ngày 2/12 và Mỹ Đình ngày 6/12 trở nên nóng bỏng. Đẳng cấp của Eriksson hay đắc nhân tâm của ông Park? Sự bùng nổ trong 2 tuần của Philippines hay sự ổn định trong cả năm của Việt Nam? Thời gian sẽ trả lời cho tất cả.