Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam nỗ lực, quyết liệt thực hiện thành công ngoại giao vaccine

Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai một cách quyết liệt nhất ngoại giao vaccine nhằm bảo đảm có đủ nguồn cung để thực hiện thành công chiến lược tiêm chủng chính phủ đã đề ra.

Chiều 7/7, tại Hà Nội, phóng viên Vũ Khuyên, Đài Tiếng nói Việt Nam có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ về nỗ lực thực hiện ngoại giao vaccine, qua đó đóng góp vào thực hiện thành công chiến lược vaccine của chính phủ.

PV: Xin thứ trưởng đánh giá về tính hình dịch trên toàn cầu hiện nay và tình trạng khan hiếm vaccine toàn cầu hiện nay?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: Đã hơn 1 năm rưỡi, kể từ khi tổ chức y tế thế giới xác nhận Covid-19 là đại dịch toàn cầu, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có khả năng kiểm soát trong năm 2021 với 183 triệu ca mắc, 4 triệu ca tử vong, xuất hiện biến chủng nguy hiểm, biến thể Delta lây lan qua không khí, nhanh hơn, mạnh hơn, nguy cơ bùng phát là hiện hữu, hiện bùng phát mạnh trở lại ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở khu vực Đông nam Á và kể cả ở các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao.

Trong bức tranh dịch bệnh phức tạp trên toàn cầu và ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ, mặc dù đến nay cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam vẫn kiểm soát dịch tốt.

Việt Nam là nước đông dân thứ 15 trên thế giới nhưng là 1 trong số 10 nước có số ca mắc, tử vong thấp nhất trên thế giới trên 1 triệu dân. Nhưng chúng ta cũng cần xác định đây là câu chuyện lâu dài, còn diễn biến phức tạp. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 lần này có quy mô lớn hơn, đa nguồn, đa chủng, nhất là biến chủng Delta lây rất nhanh, nguy hiểm hơn 3 lần trước, lại xảy ra ở các trung tâm kinh tế và công nghiệp lớn của cả nước như TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng.

Thời gian qua, có thể nói điển hình là một số nước phát triển, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp với các biến chủng mới có tốc độ lây lan cao hơn khoảng 50-70% so với chủng virus ban đầu, nguồn vaccine trên thế giới tiếp tục khan hiếm nghiêm trọng, nhất là trong năm 2021 và sẽ tiếp tục là vấn đề cấp bách ở tầm toàn cầu, không chỉ đối với Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2021 thế giới mới sản xuất được 4,5 tỷ liều trong số 10 tỷ liều cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng. Tiến trình thực hiện các cam kết và bàn giao vaccine cũng được triển khai khá chậm.

ngoai giao vaccine anh 1

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: VOV.

COVAX đã cam kết viện trợ 3,86 tỷ liều cho các nước có thu nhập trung bình thấp và thấp, nhưng đến ngày 28/6, cơ chế này mới chuyển được 89,8 triệu liều cho 133 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn vaccine cũng làm gia tăng sự khan hiếm vaccine đối với nhiều quốc gia đang và kém phát triển.

Đến thời điểm hiện tại, khoảng 24% dân số toàn cầu được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó, ở châu Phi và một số nước đang phát triển khác, con số này mới chỉ đạt dưới 2%, trong khi nhiều nước phát triển đã đạt trên 50%. WHO nhận định tốc độ tiêm chủng hiện thấp hơn so với tốc độ lây lan của virus.

Tình trạng khan hiếm vaccine nghiêm trọng như vậy là do 3 nguyên nhân. Thứ nhất là sản xuất, cung ứng chỉ tập trung vào một số nước phát triển không theo kịp nhu cầu gia tăng đột biến trên toàn cầu; Thứ hai là nhiều nước phát triển thực thi chính sách tích trữ quá mức so với nhu cầu; Cuối cùng là do ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng trên diện rộng nguyên nhiên liệu, sản xuất vaccine, cùng với quá trình chuyển giao công nghệ mất nhiều thời gian.

PV: Thiếu hụt vaccine thực sự là vấn đề cấp bách toàn cầu, không phải chỉ là vấn đề đặt ra với Việt Nam. Xin thứ trưởng cho biết chúng ta đã nỗ lực thế nào để tìm kiếm các nguồn vaccine?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: Ngay từ khi dịch bùng phát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống Covid-19 đã sớm dự báo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng chống dịch, trong đó có triển khai chiến lược vaccine, trong đó xác định ngoại giao vaccine là một mũi nhọn.

Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạp Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, các bộ ngành liên quan và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp cận nguồn vaccine bên ngoài, hợp tác với các chuyên gia công nghệ sản xuất vaccine, sáng kiến hợp tác y tế…

Bộ Y tế đã chủ động tìm kiếm, đàm phán với các nguồn vaccine từ khi vaccine đang trong quá trình thử nghiệm. Đến nay, ta đã đạt được cam kết 130 triệu liều để tiêm phòng cho 70% dân số. Tuy vậy, với tình trạng khan hiếm nghiêm trọng trên toàn cầu hiện nay, chúng ta chưa thể bảo đảm sẽ nhận đủ số lượng và đúng thời hạn như đã được cam kết. Tình trạng này không phải chỉ với Việt Nam mà xảy ra với hầu hết nước trên thế giới.

Theo đó, triển khai ngoại giao vaccine là quyết sách cần thiết trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và bất bình đẳng tiếp cận nghiêm trọng vaccine trên toàn cầu. Ngoại giao vaccine thực chất là việc tranh thủ các mối quan hệ song phương và đa phương thông qua các tổ chức quốc tế để tăng cường tiếp cận vaccine cho người dân.

Có thể nói, đến nay chiến lược vaccine, và ngoại giao vaccine được triển khai rất quyết liệt, bài bản, ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao.

Chúng ta thấy thời gian qua sự chỉ đạo, quan tâm, tham gia trực tiếp của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các đồng chí Phó thủ tướng chính phủ, bộ trưởng Y tế, bộ trưởng Ngoại giao, không câu nệ hình thức, ngoại giao song phương hay đa phương, miễn là tiếp cận vaccine sớm nhất, nhanh nhất cho nhân dân, từ việc gửi thư hay điện đàm với các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của các nước có nguồn vaccine từ Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức đến những người đứng đầu tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới...

Kết quả là:

- Với COVAX, tiếp theo 2,6 triệu liều đã chuyển cho ta, COVAX đã cam kết dành ưu tiên hơn cho Việt Nam trong các đợt phân bổ tiếp theo, đồng thời chuyển ngay cho ta 2 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ cung cấp thông qua cơ chế COVAX ngay trong ngày 10/7 tới.

- Trung Quốc đã viện trợ 500.000 liều vaccine và sẽ xem xét viện trợ thêm cho ta trong thời gian tới.

- Nga đã tặng ta 1.000 liều và đồng ý cung cấp cho ta tối đa 20 triệu liều vaccine Spunik trong năm 2021, đồng thời hợp tác với công ty VABIOTECH của ta để đóng gói, chuyển giao công nghệ vaccine từ tháng 7/2021.

- Nhật Bản đã viện trợ ngay cho ta 2 triệu liều vaccine, trong đó 1 triệu liều đã chuyển đến Hà Nội ngày 16/6, 400.000 liều đã đến TP.HCM ngày 2/7. Bạn cũng sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam về thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao và bán công nghệ sản xuất vaccine.

- Mỹ cũng đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên nhận viện trợ vaccine trong tổng số 80 triệu liều Mỹ cam kết viện trợ các nước. Pfizer đã quyết định chuyển sớm cho ta 97.000 liều ngày 7/7, mặc dù theo thỏa thuận, Pfizer đáng lẽ sẽ chuyển đợt đầu tiên sớm nhất trong tháng 9/2021.

- Với Ấn Độ, qua các cuộc điện đàm, làm việc của Chủ tịch Quốc hội ta với Chủ tịch Hạ viện bạn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với Đại sứ bạn, và Đại sứ ta tại Ấn Độ với các cơ quan của bạn, đến nay, Ấn Độ cơ bản đồng ý bán cho ta khoảng 15 triệu liều COVAXIN.

- Lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, các đại sứ ta tại các nước cũng đã tiến hành hàng trăm cuộc làm việc, trao đổi, tranh thủ tiếp cận các nguồn vaccine từ các quốc gia như Australia, Hàn Quốc, Anh, Singapore, Đức, Cuba, Israel, Thụy Sĩ…

- Anh cam kết đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên trong phân bổ 100 triệu liều vaccine Anh hỗ trợ các nước thông qua COVAX và song phương.

- Australia cam kết viện trợ 13,5 triệu AUD để mua vaccine thông qua UNICEF.

- Đức đang xem xét hợp tác chuyển giao công nghệ giữa các tập đoàn của Đức với các doanh nghiệp Việt Nam.

- Cuba ủng hộ hợp tác chuyển giao kỹ thuật vaccine cho Việt Nam.

Ngoài ra, UNICEF hỗ trợ ta 1.910 tủ lạnh bảo quản vaccine công suất lớn. Nhật Bản hỗ trợ 2 triệu USD trang thiết bị bảo quản lạnh; Australia hỗ trợ 8 triệu USD thiết bị bảo quản lạnh để thực hiện chiến lược tiêm chủng mở rộng; Hàn Quốc hỗ trợ 30 triệu xi lanh tiêm tương đương khoảng 2,5 triệu USD; Chính quyền và nhân dân một số bang của Đức gửi tặng 1 triệu bộ kít xét nghiệm nhanh Covid-19…

Tại các Hội nghị đa phương quan trọng như Tương lai châu Á, Thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 P4G.., Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu mạnh và kêu goi các nước chia sẻ vaccine, bảo đảm tiếp cận bình đẳng, công bằng các nguồn vắc-xin và thúc đẩy hợp tác, chuyển giao công nghệ.

Với vai trò đại diện nhà nước Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện ta ở các nước đã chủ động tìm kiếm các cơ hội hợp tác, làm việc, vận động sở tại; chắp nối, thu xếp điện đàm của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao với các đối tác và các tổ chức quốc tế.

Nhìn chung, với mục tiêu thực hiện thành công chiến lược vaccine trong thời gian sớm nhất, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng chính phủ, vừa qua chúng ta đã triển khai một chiến dịch vận động ngoại giao vaccine rất khẩn trương, toàn diện và quyết liệt. Ta đã đẩy mạnh vận động ở cấp cao nhất, với tần suất liên tục nhất và hình thức đa dạng nhất. Không có một cuộc làm việc, điện đàm nào với các đối tác mà lãnh đạo Đảng và nhà nước và bộ trưởng Ngoại giao ta không nêu vấn đề hợp tác vaccine.

Có thể nói ngoại giao vaccine cấp cao đến nay mang lại những kết quả bước đầu tích cực. Mục tiêu tiếp nhận 10 triệu liều vaccine trong tháng 7, tháng 8/2021 là có thể đạt được. Kết quả này là rất có ý nghĩa trong bối cảnh nguồn vắc-xin toàn cầu vốn đã khan hiếm, nay với tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn do các biến chủng mới lại càng khan hiếm hơn.

PV: Thời gian tới, công tác vận động sẽ được tiếp tục triển khai theo hướng nào để có thêm các nguồn vaccine từ nay đến cuối năm nhằm bảo đảm thực hiện thành công chiến lược vaccine mà chính phủ đã đề ra, thưa thứ trưởng?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: Trong bối cảnh vaccine rất khan hiếm trên toàn thế giới, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng chính phủ, chúng ta sẽ tiếp tục triển khai một cách quyết liệt nhất ngoại giao vaccine nhằm bảo đảm có đủ nguồn vaccine để thực hiện thành công chiến lược vaccine chính phủ đã đề ra. Tiếp tục tập trung vào 3 hướng chúng ta đã triển khai hiệu quả thời gian qua.

Trước hết, ưu tiên hàng đầu vẫn là đôn đốc, đeo bám, thúc đẩy, vận động các đối tác đã có cam kết tăng cường số lượng phân bổ vaccine cho Việt Nam, thúc đẩy các đối tác thực hiện giao vaccine đúng tiến độ và càng sớm càng tốt.

Tập trung vận động sớm các tổ chức có vai trò quyết định trong cơ chế COVAX gồm GAVI, WHO, UNICEF, CEPI, các nước cung cấp số lượng lớn viện trợ qua cơ chế COVAX như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Đức, Bỉ, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Thụy Điển… để COVAX phân bổ số lượng vaccine lớn hơn cho Việt Nam trong đợt phân bổ thứ hai và các đợt tiếp theo, đồng thời giao vaccine càng sớm càng tốt.

Thứ hai, tập trung vận động các đối tác có khả năng chia sẻ hoặc viện trợ vaccine cho ta. Cần tập trung đẩy mạnh hướng này vì vaccine có thời gian sử dụng nhất định, một số nước sau khi cơ bản hoàn thành tiêm chủng sẽ dôi dư nguồn vaccine.

Thứ ba, đa dạng hóa nguồn cung, không chỉ đa dạng về vaccine, hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ vaccine mà cả trang thiết bị phục vụ bảo quản, tiêm, thuốc điều trị Covid-19.

PV: Xin trân trọng cảm ơn thứ trưởng.

Hội nghị đặc biệt bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nga

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hôm 6/7 đã tham dự Hội nghị đặc biệt bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nga theo hình thức trực tuyến.

Đề nghị Hàn Quốc tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam

Trong cuộc gặp người đồng cấp Hàn Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Hàn Quốc tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường, nhất là nông sản.

Việt Nam đề nghị Anh hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Anh hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung vaccine phòng Covid-19, và xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.

https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-no-luc-quyet-liet-thuc-hien-thanh-cong-ngoai-giao-vaccine-872110.vov

Theo VOV

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm