"Trong tháng này, lễ ký kết biên bản bàn giao kỹ thuật chiếc tàu ngầm Kilo xuất khẩu thứ hai cho khách hàng sẽ diễn ra tại St Petersburg. Tiếp đến, con tàu sẽ được vận chuyển bằng tàu vận tải và thực hiện hành trình trên biển từ Baltic đến cảng Cam Ranh của Việt Nam", RIA Novosti dẫn nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng cho biết.
Tàu ngầm Hà Nội tại cảng Cam Ranh. |
Nguồn tin này cũng nhắc lại rằng, hồi tháng 11/2013, nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi đã ký kết biên bản bao giao kỹ thuật chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên - HQ-182 Hà Nội cho Việt Nam.
Tàu ngầm Hà Nội được vận chuyển bằng tàu vận tải Rolldock Sea của Hà Lan, bắt đầu rời cảng St Persburg từ ngày 15/11/2013 và thực hiện chuyến hành trình dài hơn một tháng trên biển. Con tàu về đến Cam Ranh vào ngày 31/12/2013 và được hạ thủy, lai dắt về vị trí neo đậu ở quân cảng Cam Ranh trong ngày 3/1/2014.
Ngày 8/1, tàu ngầm Hà Nội đã rời quân cảng Cam Ranh thực hiện chuyến đi biển đầu tiên để thử nghiệm kỹ thuật.
Tàu ngầm Hà Nội đã hoạt động liên tục trong 4 giờ. Chuyến đi kết thúc ngay trong ngày và tàu ngầm Hà Nội đã trở về quân cảng Cam Ranh an toàn.
Đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ động cơ của tàu ngầm Kilo Hà Nội chính thức hoạt động kể từ khi xuất xưởng. Trước đó, chuyến hành trình từ tàu mẹ Rolldock Sea về đến quân cảng Cam Ranh của tàu ngầm Kilo Hà Nội đều do hai tàu lai hệ Azimuth kéo.
Dự kiến, việc nghiệm thu và chuyển giao chính thức tàu ngầm Hà Nội sẽ được thực hiện vào ngày 10/1. Sau đó, con tàu tiếp tục neo đậu tại Cam Ranh chờ đợi tàu Kilo thứ 2 - tàu ngầm TP.Hồ Chí Minh. Chiếc tàu này sẽ được bàn giao cho Việt Nam trong vòng 3 tháng tiếp theo.
Khi Việt Nam đã có đủ hai chiếc tàu ngầm, lễ thượng cờ quốc gia sẽ được tổ chức trọng thể.
Tàu ngầm diesel - điện Dự án 636.1 thuộc thế hệ thứ 3, lượng choán nước 3.100 tấn, đạt tốc độ di chuyển 20 hải lý/giờ. Nó có thể lặn sâu 300 m với thủy thủ đoàn 52 người. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi đường kính 533 mm, thủy lôi và tổ hợp tên lửa tấn công Klub. Tàu ngầm loại này có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa gấp từ 3-4 lần khoảng cách tàu bị đối phương phát hiện. Khả năng tàng hình của tàu khiến các chuyên gia NATO gọi nó là “hố đen” dưới đại dương.