Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Việt Nam nên tiến tới bỏ cách gọi F0, F1

Theo TS Lê Minh, khi virus lây lan rộng trong cộng đồng, phương án truy vết, cách ly không còn hiệu quả, việc xác định đúng F0, F1 trở nên phức tạp, gây căng thẳng cho người dân.

Số ca mắc mới hàng ngày của Việt Nam vẫn ở mức cao. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua ở nước ta là hơn 16.000 ca/ngày. Điều này khiến nhiều người dân lo lắng, đặc biệt khi Việt Nam đã xuất hiện 30 ca nhiễm biến chủng Omicron.


Số ca nhiễm mới sẽ tăng

TS Bùi Lê Minh, trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, cho rằng số ca nhiễm mới sẽ vẫn tăng trong thời gian các địa phương đang tiếp tục tiêm phủ mũi 2 và mũi 3 cho người có nguy cơ cao.

"Các vaccine hiện nay không đảm bảo được hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm cao, đặc biệt là với biến thể lây nhiễm nhanh như Delta. Vì vậy, ngay cả khi đạt tỷ lệ trên 70% dân số tiêm mũi 2 thì virus cũng vẫn sẽ lây lan. Tuy nhiên, theo tôi xu hướng diễn biến sẽ không có thay đổi phức tạp nữa và tỷ lệ tử vong sẽ ngày càng giảm. Chúng ta sẽ không xảy ra tình huống dẫn tới tỷ lệ tử vong tăng vọt như giai đoạn 8/2021", TS Lê Minh nói.

Theo chuyên gia này, các địa phương đang trong giai đoạn chuyển đổi sang giai đoạn thích ứng linh hoạt với dịch. Bên cạnh đó, hai yếu tố quan trọng nhất vẫn là vaccine và khả năng điều trị. Tuy nhiên, điểm khác biệt trong giai đoạn này là thay vì các biện pháp được áp dụng trên diện rộng, đồng loạt, chúng ta nên chuyển dần theo xu hướng cá thể hóa để đạt hiệu quả cao.

Đối với vaccine, Việt Nam còn có khá nhiều người không thể tiêm chủng do các yếu tố như nguy cơ dị ứng với thành phần vaccine, có tiền sử sốc phản vệ, dị ứng với nhiều loại dị nguyên… Vì vậy, Việt Nam cần có các cơ sở y tế có thể thực hiện tiêm theo phương pháp giải mẫn cảm tức là chia liều thông thường thành nhiều liều nhỏ, tiêm lần lượt và theo dõi, xử lý ngay khi cơ thể có phản ứng.

Thay doi dinh nghia F1 anh 1

Nhân viên y tế và lực lượng công an ở TP.HCM được tiêm mũi 3 vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

"Chủng loại vaccine đa dạng hơn cũng giúp người dân có nhiều lựa chọn và sẵn sàng tham gia tiêm chủng. Việc cấp phép thêm cho các loại vaccine khác để tiêm phòng cho trẻ em cũng cần được cân nhắc. Sự cố xảy ra với vaccine tiêm cho trẻ em cũng khiến phụ huynh không tự tin khi cho con mình tiêm chủng", TS Minh phân tích.

Về điều trị, TS Bùi Lê Minh cho rằng cần có nhiều loại thuốc được cấp phép ở Việt Nam và thông tin về sử dụng chúng cũng phải công bố rõ ràng, với đầy đủ cả các yếu tố nguy cơ, cách dùng như thế nào là phù hợp để từng đối tượng có thể cân nhắc. Điều này cũng giúp kiểm soát thị trường thuốc tốt hơn.

Ông nhấn mạnh điều rất quan trọng là phải xác định được nguy cơ chuyển nặng của người biểu hiện bệnh. Bộ Y tế nên sớm cập nhật và sử dụng một số chỉ thị cho tình trạng bệnh nặng giúp phân luồng bệnh nhân sớm.

"Ngay cả phương pháp xét nghiệm cũng cần phải đa dạng để phù hợp với các đối tượng. Ví dụ, chúng ta cần dùng các kit lấy dịch mũi thay vì que ngoáy tỵ hầu đối với trẻ em hoặc áp dụng quy trình xét nghiệm rRT-PCR lấy mẫu nước bọt, tăng cường các dịch vụ lấy mẫu tại nhà. Một số quy trình phòng dịch vẫn cần phải kết hợp với xét nghiệm thì phải làm sao cho quy trình xét nghiệm thân thiện, giá thành phải chăng với người dân.

Khi đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, các địa phương cần phải điều chỉnh giải pháp kiểm soát dịch từ phòng toàn diện sang chữa tập trung, huy động nguồn lực để chữa cho người có biểu hiện nặng. Việc duy trì các phương án phòng dịch triệt để như cách ly tập trung, truy vết F1, F2 sẽ không còn có hiệu quả cao trong giai đoạn dịch đã lây lan trong cộng đồng và tỷ lệ tiêm phủ vaccine đã cao. Nó còn có thể gây ra những phiền toái và bất an với người dân, khó trở lại cuộc sống bình thường", TS Minh nói thêm.

Cần sớm thay đổi cách gọi F0, F1

Chia sẻ với Zing, trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành, cho rằng vốn cách gọi F0, F1 không phải là thông lệ quốc tế mà là sáng tạo để người dân dễ hiểu, theo dõi tình hình truy vết cũng như đánh giá nguy cơ của mình. Đây là cách gọi lấy từ phả hệ di truyền và chúng thể hiện quan hệ người lây - người bị lây. Điều này cũng thể hiện việc nhấn mạnh vào virus, không phải vào người mang virus.

"Vào giai đoạn này, khi virus lây lan rộng trong cộng đồng, các phương án truy vết, cách ly không còn hiệu quả. Nhiều trường hợp người là F0 chưa chắc đã lây cho người khác, F1 có thể là F0, một người có nhiều nguồn tiếp xúc thì việc xác định đúng ai lây cho ai đã trở nên rất phức tạp.

Ngoài ra, việc truy vết, đánh số này cũng gây ra cho người dân trạng thái căng thẳng không đáng có. Bộ Y tế đã định nghĩa lại F1 với các tiêu chí chặt chẽ hơn, đây là một động thái tích cực và phù hợp. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta tiến tới bỏ cách gọi F0, F1 vì những lý do như trên".

Vị chuyên gia này cho hay hiện nay tại Anh, người test nhanh tìm kháng nguyên dương tính không có biểu hiện bệnh, họ không phải khẳng định lại bằng rRT-PCR. Phương pháp này chỉ thực hiện với người có biểu hiện bệnh. Vì vậy, TS Minh cho rằng lâu dài việc phân loại sẽ chỉ cần tập trung vào người có biểu hiện bệnh và bị nặng hoặc có nguy cơ bệnh nặng.

Thay doi dinh nghia F1 anh 2

Nhân viên y tế khám sàng lọc cho người dân TP Thuận An (Bình Dương). Ảnh: Phạm Ngôn.

Theo ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), mục tiêu hàng đầu của ngành y tế hiện nay là bảo vệ nhóm nguy cơ cao. Với mục tiêu này, việc định nghĩa cụ thể về trường hợp F1, F0 giúp người dân và ngành y tế dễ dàng tiếp cận phương tiện chẩn đoán.

Trước đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ chấp nhận kết quả rRT-PCR mới có giá trị chẩn đoán. Với định nghĩa hiện tại, Việt Nam có thể xác định F0 dễ dàng hơn, điều này đồng nghĩa số ca mắc mới có thể cao hơn.

"Điểm lợi là người dân dễ dàng tiếp cận phương tiện chẩn đoán, bình thường hóa cuộc sống, thay vì chỉ 2-3 công nhân dương tính mà cách ly cả công ty như trước đây. Định nghĩa mới giúp nguồn lực lao động không bị giảm sút bởi đa số đã được tiêm vaccine", bác sĩ Vân Anh nói.

Tuy nhiên, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng nhấn mạnh về góc độ y tế, định nghĩa này có một số điểm cần lưu ý.

"Thời điểm cận Tết, các đường bay được nối lại nên cần định nghĩa lại chặt chẽ hơn về điều kiện cách ly. Ví dụ F0 từ chuyến bay thì cần quản lý chặt chẽ hơn, có phương tiện quản lý như thống nhất như một phần mềm trên toàn quốc", bác sĩ Vân Anh nói.

Theo ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh, tuy không xác định định nghĩa trường hợp F1 như trước, nhưng người tiếp xúc với F0 vẫn là nhóm nghi ngờ. Họ cần tuân thủ nguyên tắc 5K và test nhanh nếu có dấu hiệu nghi ngờ trong thời gian giám sát.

Bác sĩ Vân Anh cho rằng điều này đảm bảo an toàn, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là trước sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron.

Những con số cần quan tâm

Theo TS Bùi Lê Minh, các địa phương đã “quen” với Covid-19, đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như TP.HCM, người dân không còn quan tâm tới số ca nhiễm mỗi ngày. Tuy nhiên, những con số này có thể gây tâm lý bất an với người dân ở nơi khác, nhất là khu vực có số ca nhiễm trong cộng đồng đang tăng nhanh hoặc tỷ lệ tiêm mũi 2 chưa cao.

"Bao nhiêu bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện và con số về ca tử vong là số liệu quan trọng nhất cần quan tâm. Bên cạnh đó, những thông tin về yếu tố nguy cơ gắn liền với các trường hợp tử vong cũng cần thể hiện rõ.

Vẫn còn một số nhỏ người dân còn nghi ngại với vaccine, nhưng tôi chắc chắn tình trạng này sẽ đỡ hơn nếu số liệu cho thấy các ca tử vong vẫn đang chủ yếu là người chưa tiêm vaccine và trong nhóm nguy cơ cao. Những người nghi ngại sẽ có động lực đi tiêm chủng và các gia đình sẽ động viên trường hợp có yếu tố bệnh nặng đi tiêm hay tiêm mũi 3 khi có thể", TS Minh nói.

Thay doi dinh nghia F1 anh 3

Nhân viên y tế ở TP.HCM đến nhà F0 để kiểm tra sức khỏe. Ảnh: Chí Hùng.

Trước ý kiến nhiều người cho rằng khi tỷ lệ tiêm chủng cao thì con số dương tính không còn ý nghĩa, TS Lê Minh nhận định con số này sẽ vẫn có giá trị nhưng không quan trọng như trong giai đoạn trước. Thứ nhất là số ca nhiễm đã đạt tới mức cao trong cộng đồng, cũng là thời điểm phù hợp để nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng dịch.

Mặc dù vẫn có một tỷ lệ tái nhiễm nhất định nhưng chúng không thể đạt tốc độ tăng cao như khi bệnh mới xâm nhập cộng đồng. Vì vậy, khi có cả miễn dịch nhân tạo nhờ vaccine và miễn dịch tự nhiên, chúng ta có thể tự tin để duy trì cuộc sống như trước đây.

Thứ hai, nó liên quan tới quản lý vĩ mô của nhà nước để có chính sách an sinh xã hội phù hợp. Việc hoạch định các chính sách rất cần đánh giá và dự đoán, dù không phải ánh hoàn toàn về tình trạng bệnh dịch nhưng con số này vẫn cần thiết để đánh giá cùng các yếu tố khác.

Cuối cùng, TS Minh cho hay đó số bệnh nhân nhiễm nCoV cần thiết để phát hiện ra các bất thường, ví dụ như tỷ lệ tử vong đột ngột tăng cao ở một nhóm tuổi, nhóm đối tượng nào đó. Tuy nhiên, để đánh giá sát thực tế nhất vẫn cần phải công nhận cả những kết quả người dân tự xét nghiệm ở nhà và khuyến khích để họ báo cáo kết quả thay vì âm thầm tự điều trị mà không liên hệ với cơ sở y tế.


Vì sao mẫu giấy xác nhận tiêm vaccine Covid-19 có 7 mũi?

Mẫu giấy xác nhận tiêm vaccine phòng Covid-19 theo quyết định mới nhất của Bộ Y tế có 7 mũi tiêm chia thành 3 mục.

Dịch Covid-19

Co giat mi mat canh bao benh gi? hinh anh

Co giật mí mắt cảnh báo bệnh gì?

0

Co giật mí mắt (Eye Twitching) là tình trạng mí mắt co thắt lặp đi lặp lại không kiểm soát. Co giật mí mắt có thể liên quan đến mắt nhưng cũng có thể liên quan đến dây thần kinh và các cơ trên khuôn mặt.

Phương Anh - Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm