Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
"Trong 40 năm qua, công ước luôn đóng vai trò là khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện và đầy đủ, là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động quản lý và sử dụng biển và đại dương", Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên vào hôm 10/12, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Theo bà Phạm Thu Hằng, với tinh thần thượng tôn pháp luật, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là thành viên tích cực của UNCLOS 1982, Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ, mục tiêu và các nguyên tắc của công ước, nghiêm túc tuân thủ và thực thi công ước, kiên trì giải quyết các bất đồng trên biển bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Việt Nam cũng tích cực tham gia, đóng góp nhiều sáng kiến cho các hoạt động trong khuôn khổ các thiết chế được thành lập theo công ước, được cộng đồng quốc tế ghi nhận", bà cho biết.
Nhân dịp này, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh các quốc gia cần tiếp tục tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo công ước và luật pháp quốc tế, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, trật tự pháp lý trên biển, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy phát triển bền vững biển và đại dương.
Được ký kết năm 1982 và có hiệu lực từ năm 1994, UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và cơ sở pháp lý duy nhất để xác định một cách toàn diện, đầy đủ phạm vi quyền được hưởng vùng biển của các quốc gia. Đến nay, công ước đã được 167 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn.
Quốc hội Việt Nam đã ban hành nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS ngày 23/6/1994. Tới năm 2012, Luật Biển Việt Nam ra đời. Đây là văn bản được xây dựng dựa trên các quy định của UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của công ước.