"Việt Nam luôn quan tâm theo dõi các diễn biến của tình hình khu vực. Chúng tôi cho rằng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả quốc gia, và các nước có trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời báo chí về quan hệ đối tác an ninh AUKUS trong buổi họp báo ngày 23/9.
Trước đó, Mỹ, Anh và Australia đã công bố quan hệ đối tác ba bên nhằm tăng cường hợp tác an ninh, quân sự và ngoại giao, viết tắt là AUKUS, Reuters đưa tin.
Sáng kiến đầu tiên trong khuôn khổ AUKUS là việc Australia sẽ xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân với sự trợ giúp công nghệ và kỹ thuật từ Mỹ và Anh.
“Việc phát triển năng lượng nguyên tử cũng như hạt nhân phải vì mục đích hòa bình và phát triển kinh tế xã hội của các nước”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi của Zing về việc Australia theo đuổi công nghệ tàu ngầm hạt nhân.
"Việc sử dụng và phát triển năng lượng nguyên tử và hạt nhân phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người, cũng như môi trường”, bà Hằng nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia cuộc họp trực tuyến về an ninh quốc gia tại Nhà Trắng ở Washington, với Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) và Thủ tướng Australia Scott Morrison, ngày 15/9, công bố về AUKUS. Ảnh: Reuters. |
Hạm đội tàu ngầm hạt nhân mà Mỹ hỗ trợ Australia phát triển trong khuôn khổ AUKUS sẽ trở thành một phần trong mạng lưới tàu ngầm của Washington và các đồng minh, đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngày 21/9, Đại sứ Australia tại ASEAN Will Nankervis cho biết dù tham gia AUKUS, Canberra luôn cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.
“Thỏa thuận mới này (AUKUS) không làm thay đổi cam kết của Australia đối với ASEAN cũng như những hỗ trợ liên tục của chúng tôi đối với cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt”, Đại sứ Will Nankervis nói. “Chúng tôi cam kết tiếp tục thúc đẩy một khu vực hòa bình, an ninh, trong đó ASEAN giữ vai trò trung tâm, đồng thời bổ sung và củng cố cấu trúc hiện có do ASEAN dẫn dắt”.