Ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương. Ảnh: BTC. |
Thông tin này vừa được ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương cho biết tại Diễn đàn "Phát triển bền vững, chinh phục toàn cầu" do Brand Finance phối hợp với Vietnam Brand Purpose tổ chức ngày 11/10.
Theo ông Alex, giá trị thương hiệu của các thương hiệu Việt Nam luôn tăng trưởng kép trong 10 năm qua với tốc độ trung bình đạt 26%, cao hơn nhiều so với Indonesia (8%), Singapore (7%) và Malaysia (3%).
"Đây là lộ trình tăng trưởng tuyệt vời và đầy tự hào", ông nhấn mạnh, đồng thời cho biết ngành ngân hàng và viễn thông là 2 lĩnh vực chủ chốt tại Việt Nam.
Dù vậy, trong vài năm trở lại đây, thống kê của đơn vị này cho thấy tốc độ tăng trưởng hàng năm của các thương hiệu Việt đang có dấu hiện chậm lại, từ mức tăng trưởng 39% trong năm 2019 về còn 14% trong năm nay.
Để con số này tiếp tục tăng trưởng, ông Alex cho rằng các thương Việt cần tập trung vào xây dựng giá trị thương hiệu và mở rộng ra thị trường quốc tế.
Đồng thời, đẩy mạnh tính bền vững trong mọi lĩnh vực để xây dựng danh tiếng của công ty. "Chủ đề bền vững ngày càng quan trọng với khách hàng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ", ông nói.
Cũng tại diễn đàn này, bà Trần Tuệ Tri, đồng sáng lập và Cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose nhìn nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mở, chịu nhiều tác động từ những rủi ro, biến động trên thế giới về bối cảnh kinh tế chính trị xã hội thiên tai dịch bệnh và sẽ chịu rất nhiều sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu quốc tế và tác động bởi biến đổi khí hậu.
Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt cần bền bỉ, linh hoạt, đổi mới sáng tạo để phát triển mạnh, bền vững.
Tại lễ vinh danh 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm nay, Viettel, Vinamilk và VNPT tiếp tục giữ vững vị trí trong Top 3 thương hiệu giá trị nhất.
Trong đó, Viettel dẫn đầu với giá trị thương hiệu đạt 8,9 tỷ USD, giữ vị trí thương hiệu giá trị nhất Việt Nam trong 9 năm liên tiếp kể từ năm 2015. Vinamilk đứng thứ hai với giá trị 2,6 tỷ USD và VNPT đứng thứ ba với giá trị 2,6 tỷ USD.
Trong năm 2024, ngành ngân hàng đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng với tổng giá trị thương hiệu tăng 10%, đạt 13,8 tỷ USD. Đồng thời, lĩnh vực thực phẩm tiếp tục là ngành hàng có nhu cầu cao.
Ngoài ngân hàng và thực phẩm, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cũng có nhiều chuyển biến tích cực trong bảng xếp hạng 2024.
"Với thị trường tiêu thụ nội địa đầy tiềm năng và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, các thương hiệu FMCG đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển và nâng cao giá trị thương hiệu trong thời gian tới", Brand Finance cho hay.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.