Theo ông Haoliang Xu, Việt Nam nên nhìn vào bài học trước đây của rất nhiều nước đang phát triển khi chấp nhận hy sinh sự bền vững của môi trường tự nhiên để đổi lấy những lợi ích về kinh tế.
Với tư duy “phát triển trước, dọn dẹp sau”, rất nhiều quốc gia đang phát triển đã muộn màng nhận ra rằng đây là việc làm rất đắt đỏ và không hiệu quả.
Giám đốc khu vực châu Á - TBD của UNDP đang thăm Việt Nam. Ảnh UNDP |
Bài học không đâu xa mà có thể nhìn thấy ngay tại nước làng giềng với Việt Nam là Indonesia. Một phần lớn diện tích rừng nhiệt đới tự nhiên tại đất nước vạn đảo đã bị phá hủy, nhường chỗ cho các đồn điền trồng cọ. Trong giai đoạn phát triển mạnh, nhu cầu về dầu cọ của các hãng thực phẩm, mĩ phẩm tăng đột biến đã khiến các đồn điền trồng cọ ở Indonesia mọc lên với tốc độ quá nhanh.
Sự suy giảm một cách chóng mặt của diện tích rừng tự nhiên trước sự khoanh tay đứng nhìn của chính phủ Indonesia lúc bấy giờ đã làm nổi lên làn sóng tẩy chay các sản phẩm có chứa dầu cọ từ Indonesia. Một loạt các quy định đã nhanh chóng được đưa ra nhằm siết lại hoạt động của các đồn điền trồng cọ. Tuy nhiên sẽ còn phải mất rất lâu để phục hồi những tác động về môi trường của việc phá rừng trồng cọ.
Ông Haoliang Xu cho hay, Việt Nam có thể học hỏi từ Indonesia bằng cách thúc đẩy việc bảo vệ môi trường bằng luật pháp cũng như siết chặt hơn các quy định về môi trường. Trong chương trình làm việc với chính phủ vừa qua, đại diện của UNDP đã tư vấn nhiều phương án để đối phó với ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển kinh tế.
Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, Việt Nam cần tránh đi vào vết xe đổ của các quốc gia đi trước. “Sẽ là rất đáng tiếc nếu các bạn lặp lại sai lầm của nhiều quốc gia đang phát triển khác khi ưu tiên lợi ích kinh tế hơn các vấn đề về môi trường”, ông Xu chia sẻ.
Ông cũng cảm thấy lạc quan vì sự cố Formosa vừa qua được chính phủ mới cùng dư luận Việt Nam hết sức quan tâm.
Ông Haoliang Xu cũng tin tưởng rằng, bằng việc xử lí các doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường cũng như đưa thêm nhiều chế tài mới về môi trường đi vào hiệu lực, Việt Nam sẽ tránh được cái bẫy “phát triển trước, dọn dẹp sau” mà nhiều nước đi trước đã mắc phải.