Người dân Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7 nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng thành phố về mùi hôi thối mà họ nghi từ bãi rác Đa Phước theo gió thổi vào.
Zing.vn đã phỏng vấn ông David Dương, Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions, chủ đầu tư của Vietnam Waste Solutions - VWS, đơn vị vận hành bãi rác Đa Phước.
Chúng tôi phải chịu bị nghi ngờ thôi
- Cư dân các khu đô thị Nam TP HCM, đặc biệt là Phú Mỹ Hưng phản ánh gần đây mùi hôi thối tăng mạnh và cho rằng nguyên nhân do bãi rác Đa Phước. Ông giải thích thế nào?
- Chúng tôi rất đồng cảm với người dân về mùi hôi tanh đang phát tán mạnh. Về phần mình, VWS đã và đang kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của khâu tiếp nhận và xử lý rác, xử lý mùi. Công ty cũng tăng cường phun xịt nhiều hơn hóa chất thân thiện môi trường, để khống chế mùi hôi của rác.
Công ty cũng đã có văn bản gửi UBND TP tuần trước đề nghị được phối hợp với ban ngành của TP để kiểm tra Khu xử lý rác và cũng kiểm tra các hoạt động khác trong khu vực và cùng nhau tìm ra nguyên nhân để có thể khắc phục.
Hiện nay, người dân cho là mùi hôi của bãi rác Đa Phước thì chúng tôi phải chịu bị nghi ngờ thôi. Và chỉ mong rằng sớm tìm ra được nơi phát tán mùi tanh hôi thì mới yên tâm.
- Công ty ông đã phối hợp thế nào với chính quyền và Phú Mỹ Hưng để làm rõ nguyên nhân mùi hôi?
- Công ty đã chủ động liên lạc với Ban giám đốc công ty Phú Mỹ Hưng và đề nghị cùng phối hợp để tìm nguyên nhân của mùi hôi. Ban giám đốc VWS có cuộc hẹn làm việc với ban giám đốc Phú Mỹ Hưng trong tuần này để bàn thảo phối hợp cùng kiểm tra hoạt động của đôi bên và cùng bàn thảo để có hướng truy tìm mùi hôi này.
- Được biết công ty ông cũng vừa soạn thảo một văn bản giải trình thêm cho thành phố liên quan đến hoạt động của Đa Phước. Ông có thể chia sẻ những nét chính trong văn bản này?
- Chúng tôi đã chủ động gửi văn bản cho TP tuần trước và đề nghị TP cho ban ngành chuyên môn cùng phối hợp với công ty để kiểm tra, kiểm soát hoạt động của công ty và các đơn vị khác hoạt động cùng chung diện tích 1.500 ha tại Đa Phước (diện tích được quy hoạch hoạt động xử lý nhiều chất thải khác nhau, phân hầm cầu, bùn cống rãnh, nghĩa trang, sản xuất phân...).
Từ đó cùng nhau truy tìm nguyên nhân gây ra nguồn phát tán mùi tanh hôi nồng nặc và có biện pháp khắc phục.
Ông David Dương. |
Chỉ chôn lấp, công ty bị thiệt hại nhiều hơn
- Ông bình luận gì về việc quy hoạch bãi rác gần trung tâm thành phố và ở đầu hướng gió có thể gây ô nhiễm?
- Khu xử lý rác đã được thành phố quy hoạch từ lâu rồi. Khi dự án VWS được đưa về đây, dân số trên quốc lộ 50 và dân xung quanh vẫn còn thưa thớt. Tuy nhiên, TP HCM tăng dân cư rất nhanh và dĩ nhiên, bất cứ công nghệ xử lý rác nào cũng đều có thể gây ảnh hưởng đến đời sống của những người dân sống kề cận.
Tại khu xử lý rác Đa Phước đúng ra phải có vành đai cây xanh cách ly 300-500m để làm giảm mùi hôi ô nhiễm và để không có người dân sống cạnh bên bị ảnh hưởng. Việc này do thành phố chịu trách nhiệm làm nhưng dự án đã hoạt động 10 năm nay mà khu vành đai cây xanh và cách ly vẫn chưa được TP thực hiện.
- Hiện nay, bãi rác Đa Phước đang sử dụng công nghệ như thế nào để xử lý mùi hôi thối, đảm bảo môi trường trong sạch cho khu vực dân cư xung quanh?
2 nhà máy sản xuất phân compost và phân loại rác hữu cơ vẫn nằm trùm mền. TP không thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký với công ty, vẫn chưa thực hiện được chương trình thu gom rác phân loại tại nguồn để 2 nhà máy hoạt động.
Ông David Dương
- Ngoài những thiết bị phun sương, mỗi xe rác đổ xuống, chúng tôi có nhân viên phun xịt thuốc khử mùi lên từng xe rác sau khi đổ xuống.
Sau khi rác được dầm nén đúng quy trình, chúng tôi cho thiết bị phun xịt chất Poshi shell (gồm có chất vôi, chất sỏi, chất xi măng và thuốc khử mùi, diệt côn trùng được pha trộn) được phun xịt lên bề mặt của rác, sau đó những tấm bạt hoặc tấm lót HDPE được che đậy lên để không cho mùi hôi phát tán.
Nhiều đoạn chân rìa bãi chôn lấp Đa Phước những tấm bạt thủng, hở lượng lớn rác thải. Ảnh: Tiến Tuấn |
- Trong cam kết đầu tư ban đầu, bên cạnh bãi chôn lấp, bãi Đa Phước còn có 1 nhà máy phân loại rác và 1 nhà máy sản xuất phân compost. Đây được xem là nguyên nhân khiến công ty ông cạnh tranh hơn, được hưởng giá xử lý rác cao hơn các công ty khác. Tuy nhiên, hiện nay Đa Phước mới chỉ hoạt động chôn lấp thuần túy. Ông giải thích thế nào?
- Trong hợp đồng, công ty phải xây dựng 2 nhà máy. Một nhà máy sản xuất phân compost bằng rác hữu cơ và nhà máy phân loại rác phế liệu tái chế. Hai nhà máy này sẽ tạo thêm nguồn thu cho công ty bởi nếu 2 nhà máy này hoạt động công ty có sản phẩm để bán và có nguồn thu thêm.
Hai nhà máy này đã được công ty đầu tư và nghiệm thu trong năm 2010 và sẵn sàng đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, về phần hợp đồng, thành phố sẽ có chương trình thu gom rác phân loại tại nguồn để giao cho công ty và để 2 nhà máy này hoạt động.
Cho đến nay, 2 nhà máy vẫn nằm trùm mền và thành phố không thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký với công ty, vẫn chưa thực hiện được chương trình thu gom rác phân loại tại nguồn để giao cho công ty, để 2 nhà máy được hoạt động.
Việc này công ty đã có nhiều văn bản gửi TP đề nghị có cách giải quyết vì công ty bị thiệt hại nhiều hơn trong vấn đề này.
Đặt nặng giá trị của bảo vệ môi trường nên giá cao
- Khi trở về nước đầu tư vào lĩnh vực môi trường, ông đặt nặng giá trị nào: siêu lợi nhuận hay sức khỏe cộng đồng?
- Công ty đang hoạt động và phát triển tốt trong ngành thu gom xử lý rác tại Mỹ, được chính quyền TP mời về năm 2003 để góp phần thực hiện dự án xử lý rác cho TP, mục tiêu chính là bảo vệ môi trường.
Giá xử lý rác, công nghệ xử lý đều được tổ đàm phán gồm có Sở TN&MT, Sở KHCN, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở KHĐT, Sở Ngoại vụ... đã mất nhiều tháng để đi đến quyết định chung về giá, công nghệ và thời điểm thực hiện dự án.
Chúng tôi đặt nặng giá trị của sự bảo vệ môi trường nên giá xử lý mỗi tấn rác bao gồm hậu xử lý (10-20 năm). Sau khi khu xử lý rác không còn tiếp nhận rác và công ty không có nguồn thu, nhưng vẫn phải chi phí xử lý rác nước rỉ ra, khí gas metan cho đến tận 10-12 năm sau.
- Ông có cam kết gì về vấn đề môi trường với người dân khu Nam TP HCM?
- Chúng tôi đầu tư dự án quy mô và vốn đầu tư trên 150 triệu USD. Với quy mô đầu tư lớn như thế này, chúng tôi không phải chỉ có trách nhiệm làm tốt công việc xử lý rác, góp phần làm sạch môi trường của TP, bảo vệ sức khỏe của dân mà còn có trách nhiệm làm đàng hoàng để có nguồn thu, trang trải các chi phí vận hành và trả tiền lãi của các ngân hàng đã cho dự án vay.
Chủ tịch TP HCM: Mùi hôi thối có thể bắt nguồn từ Đa Phước
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm ngày 30/8, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong lưu ý các sở, ngành tập trung làm rõ nguyên nhân của tình trạng mùi hôi thối xuất hiện ở Phú Mỹ Hưng và khu vực lân cận.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết ngày 28/8, ông đã gọi điện trực tiếp cho ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, về vấn đề này. “Sở Tài nguyên & Môi trường đã rất tích cực. Sau khi nhận được phản ánh đã cử người xuống tận nơi nắm tình hình”.
“Hiện giờ, người dân chưa hiểu nguyên nhân xuất phát từ đâu. Tuy nhiên, qua phát biểu của anh Thắng thì tôi hiểu là một phần mùi hôi đó xuất phát từ Đa Phước”, ông Phong nói. Trước nay, đã có rất nhiều đơn thư của bà con gửi lên chính quyền thành phố về tình trạng này. Nếu không tập trung xử lý sẽ ảnh hưởng. Không chỉ ảnh hưởng khu Phú Mỹ Hưng mà còn ảnh hưởng đến các khu vực khác, ông Phong nhận định.