Dù VN-Index có mức tăng “thừa tiêu chuẩn", Việt Nam không lọt vào danh sách 10 thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh nhất thế giới năm nay của CNBC.
10. Tây Ban Nha
Mức tăng điểm từ đầu năm: 13,53%
Việc Tây Ban Nha có tên trong danh sách 10 thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh nhất thế giới năm nay có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, vì nước này là một trong những “tâm bão” của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu mới lắng xuống chưa lâu. Tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha còn ở mức cao chóng mặt 26% và tăng trưởng kinh tế còn chậm. Tuy nhiên, Tây Ban Nha mới đây đã thoát suy thoái và hai tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn là Moody’s và Standard & Poor’s đều đã tăng điểm tín nhiệm cho nước này.
9. Thụy Sỹ
Mức tăng điểm từ đầu năm: 14,75%
Thụy Sỹ vốn nổi tiếng là một thị trường ổn định và đáng tin cậy, bởi thế các nhà đầu tư tiếp tục rót mạnh vốn vào thị trường chứng khoán nước này trong năm 2013. Các cổ phiếu thuộc chỉ số Swiss Market Index (SMI) của thị trường chứng khoán Thụy Sỹ hiện có tổng mức vốn hóa là 850 tỷ USD.
8. Đức
Mức tăng điểm từ đầu năm: 18,31%
Đức là đầu tàu tăng trưởng và ổn định của châu Âu, đồng thời là nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới. Sức hút của thị trường chứng khoán Đức đối với các nhà đầu tư thể hiện rõ trong năm nay, thể hiện qua mức tăng điểm 18,31% của chỉ số Deutscher Aktienindex (DAX) tính từ đầu năm.
7. Ai Cập
Mức tăng điểm từ đầu năm: 20,91%
Bất ổn chính trị ở Ai Cập trong những năm gần đây có thể khiến nhiều người băn khoăn vì sao các nhà đầu tư lại rót vốn vào thị trường chứng khoán nước này. Tuy nhiên, sau những thay đổi mới đây, tình hình ở Ai Cập đã dần đi vào ổn định, và mức tăng gần 21% của chỉ số EGX/CASE thể hiện niềm tin của giới đầu tư đã trở lại với thị trường chứng khoán Ai Cập.
6. Saudi Arabia
Mức tăng điểm từ đầu năm: 23,33%
Sàn chứng khoán Tadawul của Saudi Arabia có mức giá trị vốn hóa là
400 tỷ USD. Suốt 4 thập kỷ qua, sàn chứng khoán này đóng cửa trước những dòng vốn đầu tư đến từ bên ngoài vùng Vịnh. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu cho thấy điều này sắp thay đổi, và đó là một trong những lý do đưa chỉ số Tadawul All-Share Index (TASI) tăng điểm mạnh năm nay.
5. Mỹ
Mức tăng điểm từ đầu năm: 24,45%
Không ai có thể phủ nhận được sức tăng điểm của thị trường chứng khoán Mỹ năm nay, với chỉ số S&P 500 đạt mức tăng điểm xấp xỉ 24,5%. Nền tảng cho sự tăng điểm này là kinh tế Mỹ hồi phục khả quan.
4. Hy Lạp
Mức tăng điểm từ đầu năm: 27,41%
Trong bối cảnh suy thoái ở Hy Lạp, thì thị trường chứng khoán tăng điểm khả quan là một điểm sáng của nền kinh tế nước này. Chỉ số ASE của thị trường Athens đã tăng điểm hơn 27% trong năm nay, chủ yếu là nhờ lực mua ở vùng giá thấp. Năm ngoái, thị trường Hy Lạp là một trong những thị trường có mức giảm điểm tệ nhất thế giới.
Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay đã tăng 27,5%, nhỉnh hơn mức tăng của thị trường Hy Lạp. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam lại không được CNBC đưa vào xếp hạng những thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh nhất thế giới năm nay.
3. Ireland
Mức tăng điểm từ đầu năm: 27,64%
Rút khỏi chương trình giải cứu kéo dài 3 năm của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ireland ngay lập tức thu hút mạnh các dòng vốn đầu tư từ bên ngoài. Chính phủ Ireland mới đây đã vạch ra một kế hoạch phục hồi đầy tham vọng với mức tăng trưởng GDP mục tiêu trên 3% mỗi năm từ nay tới năm 2017 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 8% trong thời gian từ nay tới năm 2020.
2. Nhật Bản
Mức tăng điểm từ đầu năm: 48,18%
Chính sách chấn hưng kinh tế Abenomics mà Thủ tướng Shinzo Abe theo đuổi được cho là cơ sở cho sự tăng điểm mạnh của thị trường chứng khoán Nhật năm nay. Hai chỉ số chính Nikkei và TOPIX đã đạt mức tăng điểm tương ứng lần lượt là 48% và 44% từ đầu năm tới nay.
1. Argentina
Mức tăng điểm từ đầu năm: 83,71%
Mức giá cổ phiếu rẻ là nguyên nhân chính giúp thị trường Argentina tăng điểm mạnh năm nay. Ngoài ra, sự lạc quan của các nhà đầu tư về sự phục hồi tăng trưởng toàn cầu nói chung cũng hỗ trợ nhiều cho thị trường Argentina. Nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này vẫn đối mặt hàng loạt thách thức, bao gồm tăng trưởng chậm chạp, thất nghiệp cao, và lạm phát lên tới 25%.