Sáng 14/6, với 408/450 đại biểu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật gồm 7 chương, 36 điều và sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.
Về quy định cấm điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn lớn hơn 0, có 374/446 đại biểu tán thành. Như vậy, Quốc hội tán thành quy định “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Các đại biểu Quốc hội vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cấm hoàn toàn lái xe khi có nồng độ cồn
Ở Cộng hòa Czech, lệnh cấm hoàn toàn sử dụng đồ uống có cồn trước khi lái xe được áp dụng từ năm 1953. Theo đó, có 3 mức độ vi phạm tùy thuộc vào mức độ cồn của lái xe. Với nồng độ cồn từ 0 đến 0,03, lái xe đã bị phạt 500-700 EUR (13-18,5 triệu đồng), tước bằng 6 tháng.
(Nồng độ cồn được tính theo tiêu chuẩn BAC Blood Alcohol Concentration. Nồng độ cồn được tính bằng tỷ lệ thể tích cồn trên 10.000 đơn vị thể tích máu. VD: Nồng độ cồn 0.03 nghĩa là có 3 đơn vị cồn trên 10.000 đơn vị máu).
Bắt đầu từ năm 2018, Hungary cũng áp dụng quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện mà có nồng độ cồn lớn hơn 0. Cụ thể, với nồng độ cồn 0-0,08, tài xế ở quốc gia này có thể bị cấm điều khiển phương tiện nhiều nhất 3 năm và số tiền phạt có thể lên tới 3.000 EUR (khoảng 79 triệu đồng).
Ở Slovakia, tài xế cũng không được phép có nồng độ cồn trên 0 khi đang điều khiển phương tiện. Luật nước này quy định người có nồng độ cồn từ 0 đến 0,01 đã bị xử lý hình sự với mức phạt tiền từ 200-1.000 USD (4,6-23 triệu đồng) và phạt tù lên tới 12 tháng.
Ngoài ra, một số quốc gia cũng áp dụng chính sách "không khoan nhượng" gồm Cuba, Saudi Arabia, Croatia, Romania...
Xử lý hình sự ở Mỹ
Ở tất cả các bang của Mỹ, người bị quy vào tội lái xe khi say rượu đều bị xử lý hình sự dù thuộc nhóm tội phạm ít nghiêm trọng của nhóm tội hình sự. Những người này đối diện với mức án tù lên đến 12 tháng, phạt tiền 500 đến 1.000 USD (khoảng 12-23 triệu đồng) và treo bằng 6 tháng.
Ở New York, mọi công dân (không phải tài xế thương mại) từ 21 tuổi, có nồng độ cồn trong máu từ 0,08 trở lên đều bị coi là lái xe trong tình trạng say rượu và bị xử lý hình sự.
Hành vi vi phạm nồng độ cồn được coi là tội hình sự ở nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Koreatimes.co.kr. |
Cụ thể, mức xử phạt được quy định như sau: Người vi phạm lần đầu với mức cồn từ 0,08 đến dưới 0,18 có thể bị phạt từ 500 đến 1.000 USD, phạt tù lên tới 12 tháng và tước bằng 6 tháng.
Người vi phạm lần đầu với mức cồn trên 0,18 thì bị phạt thấp nhất 1.000 USD, phạt tù thấp nhất 12 tháng, tước bằng một năm và kèm theo quá trình thử thách. Họ bị buộc lắp đặt thiết bị khóa xe đo nồng độ cồn, xe chỉ có thể nổ máy nếu cho chỉ số bằng 0.
Luật pháp Mỹ quy định đối với những lái xe say rượu gây ra tai nạn, làm bị thương người khác hay tái phạm trên 3 lần sẽ bị quy vào tội hình sự "nghiêm trọng". Tùy thuộc vào mức độ của vụ việc, tài xế sẽ đối mặt với 10 năm tù đến chung thân. Ngoài việc tước bằng lái, phương tiện có thể bị tịch thu, hủy đăng ký xe.
Vụ tai nạn xảy ra tại đường Láng (Hà Nội) cuối tháng 4 khiến một người chết. Qua kiểm tra, công an phát hiện nồng độ cồn của tài xế gây tai nạn cao gấp hàng chục lần cho phép. Ảnh: Hải Nam. |
Người đi xe đạp, người ngồi trên ôtô cũng bị phạt
Ở Hà Lan, lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể đối diện mức án 6 năm tù kèm tiền phạt, tước bằng trong một năm. Không chỉ người điều khiển ôtô, môtô, ngay cả người đi xe đạp nếu phát hiện có sử dụng rượu bia cũng bị xử phạt. Bên cạnh đó, người ngồi sau xe nếu biết người lái xe có uống rượu cũng sẽ bị xử phạt với mức cao nhất lên đến 3 năm tù.
Vương quốc Anh cũng quy định hành vi này là tội hình sự, người lái xe mà nồng độ cồn vượt quá quy định lần đầu có thể bị phạt 3 tháng tù kèm số tiền phạt lên tới 2.500 GBP (khoảng 74 triệu đồng) và tước bằng lái trong vòng 12 tháng. Tái phạm trong vòng 10 năm, vi phạm mức độ nghiêm trọng có thể dẫn tới án phạt tù lên tới 14 năm và mức tiền phạt 50.000 GBP (khoảng 1,5 tỷ đồng).
Trung Quốc là một trong số những quốc gia châu Á tiên phong trong việc siết chặt các quy định về nồng độ cồn. Quốc gia đông dân nhất thế giới cũng nhóm hành vi này vào tội hình sự. Những người vi phạm lần đầu ở mức độ chưa nghiêm trọng sẽ đối diện mức phạt tù từ 1-3 tháng, kèm theo lao động công ích và đóng khoản tiền phạt khoảng 200-500 RMB (khoảng 700.000 đến 1,4 triệu đồng).
Ở Nhật Bản, nếu người điều khiển xe bị quy vào lỗi "lái xe trong điều kiện không tỉnh táo", bị phạt tù lên tới 3 năm và 500.000 Yen (khoảng 104 triệu đồng). Giống với Hà Lan, nếu phương tiện của lái xe say rượu chở theo hành khách, hành khách cũng bị xử phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù.
Ở Singapore, nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (tương đương 85 triệu đồng) và đối diện với 6 tháng tù giam. Đảo quốc sư tử phạt tù từ 6-12 tháng và phạt tiền từ 3.000 đến 10.000 SGD (từ 50-130 triệu đồng) đối với tài xế tái phạm lần thứ 2 và phạt 30.000 SGD (510 triệu đồng) và 3 năm tù, tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế phạm lỗi lần thứ 3.
Hiện, Việt Nam chưa có quy định xử lý hình sự các vi phạm nồng độ cồn. Người lái xe bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn chỉ bị xử lý hành chính, phạt tiền và tạm giữ bằng lái có thời hạn.
Theo quy định của Luật Giao thông Đường bộ, người điều khiển ôtô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng và phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Người lái ôtô có thể bị phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng nếu có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở; hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra của người thi hành công vụ về nồng độ cồn và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 4-6 tháng.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng việc tăng nặng các chế tài xử phạt vi phạm nồng độ cồn là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Ông nhận định việc hình sự hóa các quy định về nồng độ cồn đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới.
"Ở một số nước, vi phạm nồng độ cồn cũng có thể bị tước giấy phép vĩnh viễn, tịch thu phương tiện và bắt lao động công ích. Trong điều kiện của Việt Nam, ta hoàn toàn có thể sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính để bổ sung các chế tài này", ông nhận định.