Chiều 3/6, Quốc hội sẽ xin ý kiến đại biểu về 3 vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Trước đó, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi đến các đại biểu 3 nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật để các đại biểu nghiên cứu, lựa chọn phương án bằng hệ thống điện tử.
Nội dung đầu tiên là quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông (khoản 8 điều 5 của dự thảo luật).
Quốc hội sẽ xin ý kiến đại biểu về 3 vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ảnh: Minh Quân. |
Việc này hiện có 2 phương án. Một là cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Hai là cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn.
Nội dung thứ hai được lấy ý kiến là quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ, quy định tại điều 5 của dự thảo luật. Hai phương án được đưa ra là bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22h đến 8h sáng hôm sau; hoặc không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ.
Nội dung cuối cùng là quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình (điểm c khoản 3 điều 12 của dự thảo luật).
Phương án 1 của dự thảo luật quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18h đến 21h hàng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em.
Phương án 2, quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 19h đến 20h hàng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em.
Tổng thư ký Quốc hội cho biết, mỗi phương án đều có phần "ý kiến khác" để các đại biểu Quốc hội thể hiện chính kiến.
Dù được dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 7 này của Quốc hội, đến nay vẫn còn những ý kiến rất khác nhau về nhiều quy định tại dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Trước đó, khi thảo luận tại Quốc hội về dự luật này, nhiều đại biểu cho rằng việc xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia còn quá chung chung, chưa đủ sức răn đe, đề nghị phải bổ sung các chế tài phạt nặng, xử lý nghiêm minh.
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ không đồng tình trước việc nhiều chế tài mạnh mẽ nhằm kiểm soát rượu, bia đã bị đưa ra khỏi dự thảo luật. Về hành vi uống rượu, bia khi tham gia giao thông, một số ý kiến đề nghị tăng mức xử phạt hành chính hành vi này.
Nếu vi phạm chưa tới mức truy tố thì thu bằng lái xe từ 1 đến 5 năm hoặc thu bằng vĩnh viễn; phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm. Hoặc có thể phạt tù không được hưởng án treo, bắt buộc lao động công ích đối với lái xe sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông nghiêm trọng.