Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội thống nhất quy định 'đã uống rượu bia, không được lái xe'

Sau rất nhiều tranh luận, cân nhắc, Quốc hội tán thành quy định “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Sáng 14/6, với 408/450 đại biểu có mặt bấm nút tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật gồm 7 chương, 36 điều và sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.

Đây là dự luật giành được sự quan tâm đặc biệt, nhất là sau khi Quốc hội thể hiện chính kiến về phương án cấm người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông quy định tại Điều 5 của dự thảo luật.

Dù tỷ lệ biểu quyết không quá bán, quy định không được đưa vào trước khi hoàn chỉnh luật, lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn tha thiết đề nghị đưa quy định này vào xin ý kiến.

Biểu quyết sáng nay về riêng quy định cấm điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia, có 374/446 đại biểu tán thành (chiếm 77,27% tổng số đại biểu Quốc hội); có 54 đại biểu không tán thành và 18 đại biểu không biểu quyết.

Luat Phong,  chong tac hai cua ruou,  bia anh 1
Tỷ lệ đại biểu tán thành quy định "đã uống rượu bia thì không được lái xe". Ảnh: Hoài Thu.

Đã uống rượu bia, không được lái xe

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết một số ý kiến đề nghị cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Ý kiến khác đề nghị vẫn giữ quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Hai ý kiến này trước đó cũng được đem ra xin ý kiến đại biểu nhưng đều không đạt được trên 50% đại biểu tán thành.

Tuy nhiên, trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết.

“Quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và đại biểu Quốc hội, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông”, bà Thúy Anh nhấn mạnh.

Đồng thời, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan để có các biện pháp, chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm pháp luật về giao thông do sử dụng rượu, bia.

Do đó, trước khi biểu quyết thông qua dự thảo luật, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dư luận, mong muốn của cử tri gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tha thiết đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản, ghi rõ cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông.

Luat Phong,  chong tac hai cua ruou,  bia anh 2

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua luật. Ảnh: Minh Quân.

Không quy định lộ trình tăng thuế rượu, bia

Trước một số ý kiến đề nghị bổ sung chính sách tăng thuế hoặc có lộ trình tăng thuế rượu, bia để hạn chế tiêu thụ, bà Thúy Anh cho rằng lộ trình tăng thuế cũng như việc áp mức thuế suất đối với rượu, bia theo nồng độ cồn nên để pháp luật chuyên ngành về thuế quy định, như vậy, sẽ phù hợp hơn và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về thuế.

Vì thế Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin không nêu chính sách về thuế trong dự thảo Luật mà để pháp luật về thuế điều chỉnh cho thống nhất.

Ngoài ra, về các hành vi bị nghiêm cấm, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định khung giờ cấm bán rượu, bia để hạn chế việc uống rượu, bia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy trước yêu cầu phải có giải pháp mạnh mẽ để hạn chế mức tiêu thụ rượu, bia khi chưa có quy định pháp luật nào quy định trực tiếp về khung giờ được phép hoặc khung giờ hạn chế bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ, thì việc quy định khung giờ cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ ngay tại dự thảo luật là cần thiết.

Tuy nhiên, khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này lại không đạt được sự đồng thuận để ghi vào luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc này cũng đã được pháp luật hiện hành quy định về thời gian được phép hoạt động của một số loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ phổ biến có bán rượu, bia. Đồng thời, đã có chế tài xử lý cá nhân, tổ chức kinh doanh vi phạm, kể cả việc phải xử lý những hành vi như gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian 22h đến 6h.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định trên của pháp luật hiện hành, cần thiết sẽ đề xuất biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.

Quốc hội thống nhất khung giờ cấm quảng cáo rượu, bia

Quốc hội tán thành quy định khung thời gian cấm quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian 18-21h hàng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình thiếu nhi.


Dự thảo luật về rượu, bia thay đổi thế nào sau các lần sửa

Một số giải pháp ở các bản dự thảo trước của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bị bỏ hoặc giảm nhẹ trong bản trình thông qua ở kỳ họp Quốc hội lần này.


Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm