Nội dung trên nằm trong Báo cáo Việt Nam 2035 được công bố tại cuộc họp do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức ngày 23/2.
Báo cáo cho rằng, để đưa Việt Nam từ một nước có thu nhập trung bình thấp hướng tới phát triển kinh tế, nâng cao công bằng xã hội và xây dựng được một nền quản trị hiện đại trong 2 thập kỷ tới, mức tăng trưởng tối thiểu hàng năm cần được duy trì 7%.
Nếu đạt được mục tiêu này, thu nhập trung bình của người Việt trong năm 2035 có thể đạt trên 7.000 USD (khoảng 18.000 USD tính theo sức mua tương đương). Mức này khá cao so với 2.035 USD năm 2014 (tương đương 5.370 USD theo PPP).
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch WB Jim Yong Kim chính thức công bố Báo cáo Việt Nam 2035. Ảnh: Đ.N. |
Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ông Jim Yong Kim, Việt Nam là một tấm gương thành công về phát triển từ một trong những nước nghèo nhất.
"Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức gần 7% và đã áp dụng các chương trình mục tiêu giúp hàng chục triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực... Tăng năng suất lao động nhanh, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh tế sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh.
Phá bỏ rào cản đối với các đối tượng thiệt thòi, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nhóm trung lưu đô thị đang già nhanh sẽ giúp Việt Nam giữ vững được thành tích ấn tượng về bình đẳng và hoà nhập xã hội của mình”, Chủ tịch WB phát biểu.
Khẳng định cải cách, đổi mới là con đường duy nhất giúp Việt Nam có thể đạt được khát vọng vươn tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, nếu không tận dụng cơ hội để bứt tốc, Việt Nam có thể sẽ đối mặt nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
"Chúng tôi tin rằng những thế hệ người Việt Nam hiện nay và tương lai chắc chắn có đủ ý chí, bản lĩnh và năng lực để thực hiện thành công công cuộc đổi mới", Bộ trưởng Vinh chia sẻ.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035, đã nhấn mạnh thành tựu của công cuộc đổi mới tại Việt Nam. Từ chỗ thiếu đói cùng nền kinh tế bao cấp, kiệt quệ do chiến tranh,Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo, nông sản hàng đầu, có nền kinh tế năng động, là đối tác, điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp toàn thế giới.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng người Việt không thể thỏa mãn với những gì đã đạt được, mà cần khát vọng xa hơn về một tương lai tươi sáng “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
Để đạt được các mục tiêu này, Báo cáo Việt Nam 2035 chỉ ra rằng Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy công bằng và hoà nhập xã hội, đồng thời nâng cao hiệu quả khu vực công, trách nhiệm và năng lực giải trình của Nhà nước.