Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

2016, năm bản lề để doanh nghiệp bứt phá trong hội nhập

Nắm bắt cơ hội trong sự cải thiện chính sách vĩ mô và các hiệp định thương mại là yếu tố bứt phá cho năm 2016, năm bắt đầu của nhiệm kỳ mới đem lại nhiều thời cơ cho nền kinh tế.

Năm đầu của nhiệm kỳ mới được kỳ vọng sẽ là năm bản lề để các doanh nghiệp bức phá. Ảnh: Ngọc Trinh

Khởi động năm nay sẽ là những thương vụ IPO doanh nghiệp nhà nước, từ đó tạo động lực lớn cho khối doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh. Đây sẽ là khu vực được đánh giá là điểm sáng của nền kinh tế và là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2016. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã chia sẻ với Zing.vn những kỳ vọng vào sự bức phá từ năm bản lề này.

Ông Nguyễn Xuân Thành- Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright: Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ vượt Trung Quốc.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng, động lực tăng trưởng lớn nhất trong năm nay là niềm tin người tiêu dùng được cải thiện. Ảnh: TGTT

Năm 2016, nếu Việt Nam tiếp tục ổn định được kinh tế vĩ mô thì tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 6,8-7%. Như vậy lần đầu tiên kể từ khi đổi mới đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ vượt qua Trung Quốc (dự báo tăng trưởng 6,4%). Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn của các dòng vốn đầu tư trực tiếp.

Trong năm 2016, động lực tăng trưởng lớn nhất là niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục cải thiện. Cùng với đó, quá trình hội nhập có thể giúp tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nếu giá năng lượng, kim loại và lương thực thực phẩm vẫn thấp sẽ kiềm chế chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (DN), giữ lạm phát ở mức thấp và tác dụng tích cực cho sản xuất.

Tuy nhiên nền kinh tế vẫn chưa thể quay lại tốc độ tăng trưởng tốt như thời kỳ 2003 - 2007, do những yếu kém về mặt cơ cấu kinh tế chưa được khắc phục. Các hoạt động tái cơ cấu có thể thấy rõ nhất là về việc ban hành văn bản luật mới, nhưng để có tác dụng thực sự phải là khâu thực thi.

Khu vực ngân hàng tiềm ẩn rủi ro lớn nhất trong năm 2016. Mặc dù các báo cáo cho thấy ngân hàng không thua lỗ, nhưng nhiều khoản lãi là do ghi nhận lãi kế toán từ lãi cho vay, thực chất chưa thu được. Do đó, các ngân hàng yếu kém vẫn phải tiếp tục tái cơ cấu, giám sát chặt chẽ để tránh nguy cơ đổ vỡ.

Ông Don Lâm, Tổng giám đốc Vinacapital: Các kênh đầu tư sẽ cân bằng và ổn định.

Tổng giám đốc Vinacapital nhận định các kênh đầu tư trong năm nay sẽ cân bằng và ổn định. Ảnh: DNSG

Chứng khoán sẽ là một kênh đầu tư tiềm năng trong năm 2016. Vì qua các đợt điều chỉnh vừa rồi chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ lấy lại mức tăng khả quan (đến nay thị trường đã tăng lại vài phần trăm). Nếu việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài đi đúng lộ trình sẽ giúp xóa bỏ rào cản giữa các tổ chức đầu tư quốc tế lớn và thị trường Việt Nam. Bởi lẽ, với tỷ lệ P/E đang thấp hơn 25-30% so với các thị trường khu vực, chứng khoán Việt Nam đang khá rẻ và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

VinaCapital cũng nhìn thấy nhiều cơ hội hấp dẫn để đầu tư vào các doanh nghiệp mạnh, có thương hiệu tốt và thị phần chi phối thông qua cổ phần hóa. Tiêu biểu có thương vụ IPO của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa diễn ra thành công đầu tháng 12/2015. Nhà đầu tư, nhất là các tổ chức lớn đã hưởng ứng đợt IPO này rất nhiệt tình với số lượng đăng ký mua cao gấp rưỡi lượng cổ phiếu chào bán. Chúng tôi cho rằng, đây là một tín hiệu tốt, và kỳ vọng có thêm nhiều doanh nghiệp đầu ngành sẽ sớm thực hiện IPO với mức giá hợp lý để thu hút nhà đầu tư.

Theo đánh giá cá nhân tôi, cả thị trường chứng khoán và chương trình cổ phần hóa sẽ được hỗ trợ bởi nền kinh tế tăng trưởng tốt, dự kiến khoảng 6,5%, và một loạt các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa ký kết, như hiệp định với Liên minh châu Âu (FTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho các công ty Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, khi sắp tới đây sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đầu ngành được niêm yết.

Nhịp tăng trưởng kinh tế sẽ khá tốt, bởi được dẫn dắt ở các lĩnh vực chính là sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Với 3 trụ cột này, nền kinh tế sẽ phát triển cân bằng và ổn định. Chúng tôi quan sát dòng chảy thương mại của Việt Nam và thấy rằng, chúng ta đang là nền kinh tế có độ mở lớn nhất ASEAN, với tỷ lệ xuất khẩu/GDP vượt 80%. Dòng vốn đầu tư cũng vừa được rót mạnh vào một vài lĩnh vực với tâm lý chờ đợi TPP được thông qua.

Tôi muốn nói thêm, tiền đồng đã có một năm 2015 nhiều biến động, vì nhân dân tệ phá giá sâu. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước cần có lộ trình rõ ràng để quản lý tiền đồng một cách linh hoạt, bảo vệ sức cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng môi trường kinh tế vĩ mô năm 2016 sẽ ổn định, giúp thị trường tiếp tục xu hướng tăng trưởng lành mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Doanh nghiệp tư nhân phải lớn lên.

Chủ tịch VCCI cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là làm sao cho cộng đồng DN Việt mạnh lên. Ảnh: VnEconomy

Năm 2016, với những nhiệm vụ trọng tâm chuẩn bị tích cực cho việc thực thi các hiệp định thương mại tự do, tôi thấy cơ hội mở ra đồng nghĩa với gánh nặng hội nhập cũng đè lên vai cả các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Hiện nay chúng ta có một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển khá mạnh, đông đảo, nhưng để hội nhập còn yếu. Chúng ta có số lượng đông nhưng chưa mạnh. 96% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa, chỉ  2% là doanh nghiệp lớn.

Làm sao để khu vực doanh nghiệp trong nước lớn lên được, làm sao để chúng ta có nhiều doanh nghiệp có thể tham gia liên kết chuỗi giá trị toàn cầu, đó chính là thách thức lớn nhất của nền kinh tế hiện nay. Chúng ta mở cửa, chúng ta hội nhập nhưng vấn đề chính làm thế nào để khu vực kinh tế lớn mạnh hội nhập mới quan trọng.

Ở một khía cạnh khác, các DN FDI đang tồn tại như ốc đảo ở Việt Nam, các DN Việt Nam không trở thành đối tác của họ. Chúng ta xuất khẩu nhiều nhưng 70% là do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, linh hiện phụ tùng của họ nhập từ nước ngoài mà không phải từ nguồn cung của doanh nghiệp nội địa. Có mặt hàng xuất khẩu, nguyên liệu đầu vào nhập từ 90% nước ngoài.

Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm