Trong ngày đầu xuân năm mới Bính Thân, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đã có những chia sẻ với Zing.vn về dự báo cũng như kỳ vọng về kinh tế Việt Nam năm 2016.
Năm bản lề phát triển kinh tế
- Ông nhận định như thế nào về nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong năm qua và triển vọng năm 2016?
- Có thể mô tả kinh tế thế giới trong một vài năm trở lại đây là nỗ lực khôi phục nhưng rủi ro và bất định.
Trong khi đó, mức độ hồi phục là rất yếu, ngoại trừ một vài nền kinh tế có tăng trưởng nhưng không đồng đều. Đầu tàu kinh tế trong năm qua là những nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc nhưng đang giảm tốc.
Do nền kinh tế hồi phục yếu, rủi ro nhiều nên bất định về đầu tư, tiêu dùng, giá cả và cách thức phản ứng thị trường không rõ ràng.
Còn về rủi ro là ở việc chính trị đang bất ổn. Hiện thế giới có nhiều vấn đề liên quan như các điểm nóng Trung Đông, người nhập cư vào châu Âu, khu vực biển Đông...
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết,
năm nay sẽ là năm bản lề để nền kinh tế Việt Nam nắm bắt cơ hội phát triển. Ảnh: Phan Anh. |
Thế giới đang trải qua một thế giới kỳ có tính bước ngoặt nhưng quá độ và rất khó khăn. Vấn đề này liên quan đến cơm ăn gạo tiền của người dân, nên thế giới cần có những cải cách, cải tổ, liên kết sâu rộng để phát triển bền vững.
Với Việt Nam, bức tranh kinh tế năm qua cũng là một phần của thế giới. Nhưng năm 2016, kinh tế Việt Nam được dự báo có cái khác với kinh tế thế giới. Điều này đã bắt đầu thể hiện trong năm 2015 khi ổn định kinh tế vĩ mô, dần đi vào phục hồi.
Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam có phần ổn định hơn. Những dấu hiệu cho thấy là lạm phát giảm mạnh, đồng tiền nội tệ được các bà nội trợ tin tưởng hơn. Hệ thống ngân hàng đã thoát khỏi cơn bĩ cực, tránh được sự sụp đổ, dần đi vào hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, những rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng như thanh khoản, nguy cơ lan truyền cái rủi ro của một số ngân hàng yếu nhất sang cả hệ thống đã được chặn.
Năm 2016, kinh tế Việt Nam được dự báo là có mức tăng trưởng theo hướng đi lên, tốt hơn ít nhiều so với xu hướng chung của thế giới. Tăng trưởng kinh tế nước ta giai đoạn 2014-2015 là 6,7%. Trong khi đó, dự báo giai đoạn 2015-2016, con số này sẽ được duy trì, thậm chí là cao hơn.
- Vì sao kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tiếp tục đà phục hồi?
- Nền kinh tế Việt Nam được dự báo hơi khác so với xu hướng chung. Tín hiệu cho sự phát triển chung và dài hạn của Việt Nam được đánh giá là tốt.
Nguyên nhân là mức độ hội nhập của nước ta sâu rộng, sẽ gắn với môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Chúng ta sẽ được tiếp cận với thị trường và các nhà đầu tư tốt nhất trên thế giới.
Các nhà đầu tư đang rất nhìn nhận vào nỗ lực tiếp theo của Việt Nam, đặc biệt sau Đại hội Đảng. Họ đã sẵn sàng vào Việt Nam, sẵn sàng nắm bắt thời cơ.
Thứ hai là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong việc thực hiện các nghị quyết 19. Nội dung là trong một thời gian ngắn, Việt Nam phải nỗ lực có một môi trường kinh doanh hoàn chỉnh, đặc biệt là cách ứng xử một quy trình của bộ máy Nhà nước với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Quá trình kinh doanh cần hoạt động một cách thuận lợi như các nước hàng đầu ASEAN.
Song song đó, điểm quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô là tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam. Mà 2-3 năm qua, niềm tin này đã được thể hiện với việc ra đời của rất nhiều doanh nghiệp.
Có thể nói, 2016 thực sự là một năm bản lề để Việt Nam có thể nắm bắt và tận dụng được cơ hội mới. Điều này tương ứng với cam kết hội nhập sâu rộng, đặc biệt gắn với sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, hiệp định thương mại tự do EU, TPP…
Việc này cũng đòi hỏi cách thức thể hiện cải cách ban lãnh đạo mới của Việt Nam. Bởi chúng ta cần thấy mình phải thay đổi, cần phải cải tổ và cải cách.
Tôi rất hy vọng vận hội ấy sẽ dần trở thành hiện thực. Và năm 2016 sẽ trở thành năm bản lề cho việc thay đổi tích cực đó.
- Ông kỳ vọng gì ở dàn lãnh đạo mới?
- Cá nhân tôi luôn mong ước 3 điều đối với ban lãnh đạo mới của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.
Thứ nhất là việc chuyển giao lãnh đạo diễn ra nhanh, gắn với chức năng nhiệm vụ rõ ràng.
Thứ hai là thông điệp ban lãnh đạo mới đưa ra sẽ là thông điệp về nỗ lực đẩy nhanh công cuộc cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế nhanh, mạnh và quyết liệt.
Thứ ba là Việt Nam cùng với vận hội đang mở ra trước mắt trong bối cảnh những khó khăn, rủi ro, bất định mà chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng chung của kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ có những cải cách tạo ra một số thay đổi thực sự có ý nghĩa.
- Bên cạnh những yếu tố tích cực, khó khăn của chúng ta là gì, thưa ông?
- Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, chúng ta vẫn còn rất nhiều vùng xám, vùng mây mù. Bởi chỉ cần một chấn động nhỏ trên thị trường tài chính cũng có thể làm xáo trộn tâm lý, hành vi thị trường.
Hiện tại, ngân sách của chúng ta hết sức khó khăn, tham ô lớn và nợ công gia tăng. Dù chúng ta dưới ngưỡng hội nhập nhưng rủi ro lại cao dần lên. Như hệ thống ngân hàng đã qua cơn bĩ cực, dần bình thường nhưng vẫn còn một khoảng cách rất lớn để nó thực sự lành mạnh, đáp ứng được thông lệ chuẩn mực của quốc tế.
Khi nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng cao hơn sẽ tạo nhiều công ăn việc làm, doanh nghiệp phát triển. Thế nhưng, bức tranh đó vẫn chưa rõ ràng. Sự tăng trưởng hồi phục chủ yếu ở một số lĩnh vực trong ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là xuất khẩu. Công nghiệp và xuất khẩu thì bị doanh nghiệp FDI chi phối. Còn doanh nghiệp trong nước, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ lại hết sức khó khăn.
Trong năm qua, nông nghiệp tăng trưởng chậm lại đáng kể: xuất khẩu giảm, mức tăng âm. Còn về dịch vụ, cách đây 3 năm, khi gia nhập WTO, mức tăng trưởng cao hơn kinh tế thế giới nhưng 2 năm trở lại đây lại thấp hơn mức tăng trưởng trung bình. Do đó, nó không còn là đầu kéo cho tăng trưởng nữa.
Trong khi đó, dư địa chính sách, đặc biệt chính sách vĩ mô, tiền tệ, tài khóa của chúng ta còn rất hạn hẹp.
- Vậy chúng ta cần có những giải pháp nào để tháo gỡ những khó khăn trước mắt?
- Thứ nhất, chính sách tiền tệ phải được cân bằng, giữ ổn định thành quả kinh tế vĩ mô. Chúng ta phải cân bằng việc lãi suất, tính toán sao cho tương thích với sức ép mất giá đối với đồng tiền Việt Nam.
Thứ hai, trong bối cảnh đồng đôla đang có xu hướng tăng giá, chúng ta cần tương thích với hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực tài chính khác với việc gửi tiền. Bên cạnh đó, gia tăng huy động trái phiếu và vốn của ngân sách.
Giải được những bài toán này thì chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng trên.
Song nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng hạ lãi suất là gần như không có. Giữ được mặt bằng như hiện nay là rất tốt nhưng rất khó.
Chính sách tài khóa thâm hụt đang lớn dần, nhờ phục hồi có thể khá hơn chút. Nhưng một phần đóng góp rất lớn vào ngân sách là dầu thô lại đang giảm. Hạch toán Quốc hội đã thông qua là 60 USD một thùng nhưng hiện tại chỉ 30-35 USD một thùng.
Trong khi đó, nợ công vẫn tiếp tục gia tăng. Chúng ta vẫn phải dành một khoản rất lớn trong trái phiếu để trả nợ trước. Như vậy, còn đâu dư địa hỗ trợ cho quá trình phục hồi!
Ông Võ Trí Thành cho rằng bên cạnh những điểm sáng, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn. Ảnh: Phan Anh. |
Đừng thua ngay trong ý nghĩ khi hội nhập
- Khi gia nhập nhiều FTA, hội nhập sâu rộng, ngoài những cơ hội lớn, nền kinh tế Việt Nam còn tồn tại những khó khăn gì trước mắt?
- Hội nhập chính là sự đan xen của cơ hội và thách thức. Hội nhập không có nghĩa là 100% nền kinh tế phải phát triển mạnh mẽ. Nó thực chất chỉ là điều kiện cần và muốn đủ phải đòi hỏi rất nhiều điều.
Song quan trọng nhất vẫn là cải cách thể chế. Điều quan trọng nhất của chúng ta hiện nay là tận dụng được cơ hội. Đây cũng chính là thách thức lớn nhất. Bởi khi cơ hội tới, muốn tận dụng được nó đòi hỏi chúng ta phải dầy công, lao công khổ tứ, trăn trở, tính toán trước sau….
Muốn tận dụng được cơ hội thì vai trò Nhà nước là rất lớn và nỗ lực của doanh nghiệp là rất cao. Trong đó, Nhà nước phải chuyên nghiệp, minh bạch và có tính xây dựng hơn. Còn doanh nghiệp phải thích ứng về mặt tuân thủ những đòi hỏi, tiêu chuẩn, cam kết mới.
Thách thức thứ hai của chúng ta là đem lại lợi ích và tạo ra chất xúc tác mạnh cho nền phát triển. Song, trong ngắn hạn, không phải ai cũng sẽ tốt lên. Một số doanh nghiệp, người lao động sẽ phải chịu tác động tiêu cực do cạnh tranh, chưa đủ năng lực đáp ứng, chưa kịp chuyển đổi thích ứng.
Song cũng có nhiều cách giảm thiểu tác động tiêu cực. Theo đó, đứng về mặt doanh nghiệp, với sân chơi rộng mở, họ phải có nỗ lực, tìm cách chuyển đổi. Đặc biệt trong lĩnh vực khó khăn, doanh nghiệp phải tự tìm ra những nhánh vẫn còn lợi thế so sánh. Nhà nước có thể hỗ trợ tài chính, đào tạo, thông tin để quá trình chuyển dịch, tìm kiếm cơ hội mới bớt khó khăn, nhọc nhằn hơn.
Cái quan trọng nữa là doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội sẽ tạo ra nhiều triệu công ăn việc làm. Chính việc này sẽ hấp thụ được một phần khó khăn và rất có ý nghĩa cho những lĩnh vực, ngành, người lao động chịu tác động tiêu cực từ hội nhập.
Cho nên, bài toán đặt ra là phải biết hỗ trợ nhóm chỗ khó khăn, song song hỗ trợ những người thắng cuộc. Bởi chính người có cơ hội thắng cuộc sẽ hỗ trợ cho nhóm người khó khăn.
- Có ý kiến cho rằng, từ kinh nghiệm hội nhập, Việt Nam đã khó khăn ngay từ ngưỡng cửa ASEAN, chưa nói đến tham gia các sân chơi lớn hơn như EU, TPP. Ý kiến của ông như thế nào?
- Đừng thua ngay trong ý nghĩ khi hội nhập! Khi chúng ta hội nhập, những khó khăn, thách thức là vô cùng lớn. Nhưng chúng ta phải tự tin, giảm thiểu những khó khăn thách thức, vượt qua và chiến thắng nó.
Chúng ta chưa chơi mà trong ý nghĩa đã là thua thì không bao giờ chiến thắng được! Chúng ta tự tin có cơ sở từ mấy chục năm hội nhập. Thách thức có, khó khăn có, bươn chải và đau đớn có nhưng nhìn một cách tổng thể, Việt Nam đã chơi được, kể cả trên thị trường lớn.
Về lý luận, chúng ta có lợi thế so sánh chứ không phải lợi thế tuyệt đối. Do đó, cái tôi muốn nói là đừng thua ngay từ trong ý nghĩ!
Trong năm 2016, ngành được kỳ vọng nhất với sự tăng trưởng hồi phục là một số lĩnh vực trong ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là xuất khẩu.
Tôi hy vọng bước sang một năm mới với môi trường mới, doanh nghiệp Việt sẽ bươn chải và vượt qua khó khăn một cách trọn vẹn và tốt nhất.
- Xin cảm ơn ông!