Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam công bố toàn văn TPP

Đúng một tháng sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đàm phán thành công (5/10), toàn văn hiệp định đã được công bố.

Tại Việt Nam, toàn văn TPP (bản bằng tiếng Anh) được đăng tải công khai trên website của Bộ Công Thương chiều 5/11. Độc giả Zing.vn có thể tham khảo toàn văn hiệp định theo đường link  http://tpp.moit.gov.vn/

Bộ Công Thương cho biết, các nước TPP đã thống nhất giao New Zealand (nước được giao nhiệm vụ lưu chiểu văn kiện của hiệp định) công bố toàn văn vào chiều 5/11 (giờ Hà Nội). Bản toàn văn do Việt Nam công bố cũng chính là bản các nước đã thống nhất.

Theo thông báo của Bộ Công Thương, do quá trình rà soát pháp lý vẫn đang tiếp tục nên bản công bố lần này chưa phải là bản cuối cùng. Bản cuối cùng có thể sẽ có một số thay đổi nhưng chỉ là các chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, không ảnh hưởng đến nội dung cam kết. 

Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này chưa thể công bố kèm theo bản dịch tiếng Việt do các nước vẫn đang tiến hành thủ tục rà soát pháp lý và khối lượng tài liệu phải biên dịch lại rất lớn. Việc công bố bản tiếng Anh là để đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác để công bố bản dịch tiếng Việt trong thời gian sớm nhất. 

Toàn văn TPP được công bố vào chiều nay trên website của Bộ Công Thương.
Toàn văn TPP được công bố vào chiều nay trên website của Bộ Công Thương.

Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, hiệp định sẽ có hiệu lực trong vòng 18-24 tháng kể từ ngày kết thúc.

Sau khi toàn văn được công bố, các nước TPP sẽ hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết. Mỗi nước sẽ dành thời gian nhất định để người dân nghiên cứu, dao động từ 60 đến 90 ngày. Thời điểm ký kết chính thức hiện chưa xác định. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, dự kiến sẽ không muộn hơn quý I/2016.  

GS Peter Petri, ĐH Brandeis (Mỹ) cho biết, tổng giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ đạt 165 tỷ USD vào năm 2025, so với 113 tỷ USD nếu không có TPP.

Bên cạnh đó, TPP là cơ hội lớn cho Việt Nam gia nhập một sân chơi kinh tế chuyên nghiệp và tuân thủ chặt chẽ quy luật thị trường. Những quy định của TPP đòi hỏi Việt Nam cải cách mạnh mẽ hệ thống pháp lý cũng như buộc doanh nghiệp làm ăn với cung cách bài bản hơn.

Tròn 1 tháng sau khi TPP được đàm phán thành công, toàn văn hiệp định này đã được công bố. Ảnh: Anh Tuấn.
Tròn 1 tháng sau khi TPP được đàm phán thành công, toàn văn hiệp định này đã được công bố. Ảnh: Anh Tuấn.

 

Việt Nam cũng sẽ đứng trước sức ép tăng tính cạnh tranh của khối doanh nghiệp nhà nước, nâng cao điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động cũng như tăng tính minh bạch của nền kinh tế.

TPP là sáng kiến do Mỹ khởi xướng, song song với Hiệp định Thương mại xuyên Đại Tây Dương mà nước này đang tiến hành đàm phán với các nước châu Âu. 12 nước thành viên của TPP gồm có  Mỹ, Nhật Bản, Australia, Brunei, Singapore, Malaysia, New Zealand, Chile, Mexico, Peru, Canada và Việt Nam.

Hiệp định này tạo điều kiện cho hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên, cắt giảm thuế quan và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là cơ sở giúp các nước thành viên liên kết về chính sách và quy định kinh tế.  

TPP được cho là hiệp định tham vọng nhất của thế kỷ. Sau khi thực thi, cú hích tăng trưởng đối với các nước tham gia sẽ được tạo nên. Đồng thời, mục tiêu đẩy lùi sự thống trị của một quốc gia đối với sản xuất toàn cầu có thể thực hiện.

Ngay khi các nước thành viên công bố toàn văn cam kết, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Australia Andrew Robb đưa ra lời tuyên bố, trong đó ông gọi TPP là một hiệp đinh "mang tính lịch sử".

Theo ông Rob, khi kết thúc đàm phán, các nước thành viên TPP đã thỏa thuận sẽ sớm công bố đầy đủ nội dung cam kết trong thời gian sớm nhất, trước thời điểm ký kết chính thức.

Ông Robb cho biết, bên cạnh nội dung thường gặp trong các thỏa thuận tự do thương mại như xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa và tự do hóa thương mại dịch vụ, TPP đề cập đến nhiều nội dung mới. Những nội dung này gồm có việc đòi hỏi doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh một cách bình đẳng với khu vực tư nhân, tạo điều kiện cho thương mại trực tuyến phát triển và thực hiện nhiều quy định mới nhằm phòng chống tham nhũng.

'Việt Nam đủ sức vào cuộc chơi mới'

Trở về từ bàn đàm phán TPP, ông Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trả lời Zing.vn ngay tại sân bay Nội Bài.

Châu Anh

Bạn có thể quan tâm