Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phép lửa thử vàng của TPP

Giống như bất kỳ cuộc chơi lớn nào, TPP đem đến cả cơ hội và thách thức. Điều đó có nghĩa là khi chấp nhận tham gia thì ta cũng phải chấp nhận một xác suất thua cuộc nào đó.

Nếu như WTO là một hiệp định thương mại truyền thống thì TPP là một hiệp định thương mại toàn diện. Bên cạnh các vấn đề quen thuộc của thương mại quốc tế, TPP còn bao hàm nhiều vấn đề quan trọng khác như thương mại điện tử và nền kinh tế số, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, lao động, môi trường - một loạt các yếu tố liên quan tới thương mại mà WTO hoặc là lướt qua, hoặc không đề cập tới. 

Theo nghĩa đó thì đây là một hiệp định WTO+++. Vì vậy, để thực hiện tất cả các cam kết của TPP đòi hỏi “hệ điều hành” của chúng ta phải thay đổi một cách toàn diện, từ xây dựng pháp luật cho đến vận hành hệ thống hành chính, từ cạnh tranh của doanh nghiệp đến tổ chức nghiệp đoàn cho người lao động… 

Tự chuẩn bị năng lực hội nhập thông qua cải cách thể chế

Để hài hòa và tương thích với TPP, chúng ta phải xây dựng một “hệ điều hành” mới. Nếu tận dụng được “chất xúc tác” cải cách từ bên ngoài này, Việt Nam sẽ tạo nên một nền tảng hoàn toàn mới, và do vậy mở ra vận hội mới cho đất nước trong tiến trình hội nhập và phát triển. 

Tuy nhiên, cơ hội sẽ không trở thành hiện thực nếu Việt Nam không tự chuẩn bị năng lực bằng các cải cách thể chế đích thực, vốn đang ngày càng chậm so với tiến trình hội nhập. 

Nhìn lại chặng đường gần 30 năm kể từ Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam phát triển chủ yếu nhờ hai động lực là cải cách trong nước và hội nhập kinh tế. Các cải cách trong nước quan trọng nhất đều là những cải cách về thể chế, được hiểu là xác lập những luật chơi, những quy tắc mới trong nền kinh tế. 

Thí dụ như nhờ Đổi mới, chúng ta bỏ ngăn sông cấm chợ, chấp nhận sự hiện diện của thành phần kinh tế tư nhân, đồng thời mở cửa nền kinh tế với Luật đầu tư nước ngoài năm 1988 và sau đó là gia nhập ASEAN và AFTA. 

Ảnh: Thuận Thắng.

TS Vũ Thành Tự Anh: "Không có những cải cách đích thực bên trong, TPP khó đem lại lợi ích". Ảnh: Thuận Thắng.

Chính nhờ những cải cách thể chế bên trong đi đôi với hội nhập bên ngoài mà sức sống của nền kinh tế được hồi sinh, cả nước vượt qua khủng hoảng. Trong vòng một thập niên, khu vực tư nhân vượt qua khu vực nhà nước, đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng công nghiệp Việt Nam.

Tương tự như vậy, vào cuối thập niên 1990, khi nền kinh tế rơi vào đình trệ do tác động của cuộc khủng hoàng tài chính khu vực, chính nhờ những cải cách thể chế quan trọng (mà then chốt là Luật doanh nghiệp) và quyết tâm hội nhập (quan trọng nhất là ký BTA với Hoa Kỳ) mà khu vực kinh tế tư nhân trong nước bừng nở. Nhờ đó, nền kinh tế không chỉ thoát khỏi đình trệ mà còn đạt được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.

Trái lại, kinh nghiệm gia nhập WTO cho thấy, nếu không có những cải cách thể chế đích thực bên trong thì TPP có thể không mang lại nhiều lợi ích, mà còn đem lại những hiệu ứng phụ không tích cực. Đây có lẽ là bài học quan trọng và thấm thía nhất từ việc chúng ta gia nhập WTO. 

Bối cảnh khi chúng ta gia nhập WTO rất khác so với thời kỳ tiền Đổi mới hay trước khủng khoảng tài chính khu vực. Cho đến 2006, nền kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng đang ở mức đỉnh cao. 

Khi đó xuất hiện lập luận cho rằng để đối phó với áp lực cạnh tranh khốc liệt khi gia nhập WTO, Việt Nam phải có các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn mạnh để khi tiến ra có thể chiếm thị phần thế giới, khi lui về có thể bảo vệ thị trường trong nước khỏi xự xâm chiếm của các doanh nghiệp nước ngoài. Kết quả thế nào chúng ta đều biết – sau rất nhiều tuyên bố tái cơ cấu, cải cách tập đoàn kinh tế nhà nước đến này vẫn là một bài toán lớn nhưng chưa có lời giải. 

Cũng trong giai đoạn này, sự hưng phấn khi sắp gia nhập WTO thu hút một lượng vốn ngắn hạn nước ngoài khổng lồ đổ vào nền kinh tế. Trong khi đó, năng lực quản lý vĩ mô của Việt Nam chưa được chuẩn bị để ứng xử với dòng vốn nóng. 

Kết quả, hàng loạt doanh nghiệp khó khăn, nền kinh tế tăng trưởng chậm dần. Đây là những hệ lụy mà đến bây giờ chúng ta vẫn phải loay hoay giải quyết.

Không chấp nhận rủi ro, không bao giờ thắng lợi 

Giống như bất kỳ một cuộc chơi lớn nào, TPP đem đến cả cơ hội và thách thức. Điều đó có nghĩa là khi chấp nhận tham gia thì ta cũng phải chấp nhận một xác suất thua cuộc nào đó. Nhưng như người xưa từng nói, nếu không dám chấp nhận vị mặn chát của muối thì không bao giờ có được sức mạnh của đại dương. 

Từ góc nhìn cục bộ của các ngành kinh tế, từ trước khi ký TPP, chúng ta đã biết rõ là sẽ có những ngành được lợi và có những ngành thua thiệt. Chẳng hạn như một số nghiên cứu đến thời điểm này cho thấy một số ngành chúng ta có thể được lợi nhiều là dệt, may, và da giày… Bên cạnh đó, một số ngành có thể chúng ta chịu thiệt nhiều là chăn nuôi, thức ăn gia súc, sản xuất thép, lắp ráp ôtô…

Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể, việc chấp nhận thua thiệt trong ngắn hạn có thể là may mắn trong dài hạn. Trong nhiều trường hợp, những ngành bị thua thiệt cũng là những ngành có năng suất kém và không có lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, thu hẹp chúng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế. 

Ảnh: Thuận Thắng.
"Không bao giờ chấp nhận rủi ro, không bao giờ thắng lợi", Vũ Thành Tự Anh. Ảnh: Thuận Thắng.

Sức ép của TPP chính là lửa thử vàng, giúp cho chúng ta thấy được những lĩnh vực nào Việt Nam thực sự có lợi thế cạnh tranh, và giúp tái cơ cấu nền kinh tế một cách thực chất.

Kinh nghiệm cho thấy, nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn, được phát triển theo quy hoạch đã thất bại như mía đường, xi măng, ôtô, đóng tàu. Trước đây, chúng ta nghĩ là mình có lợi thế cạnh tranh, nhưng khi mở cửa thì thấy rõ là thua cuộc. Cạnh tranh – cả trong nước và quốc tế - chính là phép thử tin cậy giúp chúng ta xác định năng lực thực sự của từng ngành. 

Nói tóm lại, về tổng thể, TPP mang lại vận hội mới cho nền kinh tế cũng như cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhìn vào các ngành cụ thể, sẽ có thể có ngành được lợi, có ngành thua thiệt, song cái nhìn đối với các ngành thua thiệt không nên quá tiêu cực. 

Nếu các ngành này thực sự có tính cạnh tranh thì thua thiệt, nếu có, chỉ mang tính ngắn hạn vì họ sẽ tìm được cách để vươn lên; còn không thì nên thu hẹp để nhường nguồn lực cho các ngành khác. 

Câu hỏi còn lại là Chính phủ cần đồng hành với doanh nghiệp như thế nào? Về phần mình, các doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao năng lực sao cho tương thích với môi trường cạnh tranh sắp tới. Đây thực sự là những câu hỏi then chốt mà chúng ta cần sớm trả lời để tự tin hơn về hành trang của mình trước ngưỡng cửa TPP đầy cơ hội nhưng cũng lắm cam go phía trước.

Hội nhập kinh tế luôn mang đến cả cơ hội và thách thức. Hội nhập càng toàn diện và càng sâu sắc thì cơ hội càng nhiều, đồng thời thách thức càng lớn. Khả năng tận dụng cơ hội và hóa giải thách thức phụ thuộc chủ yếu vào tâm thế và trí tuệ của chúng ta. 

Nếu tâm thế của ta là hội nhập chỉ để thuận theo xu thế, còn bên trong vẫn cố tìm cách duy trì các ngành kém hiệu quả, thì TPP có lẽ sẽ không khác WTO bao nhiêu. 

Ngược lại, nếu tâm thế của chúng ta là tận dụng TPP một cách triệt để và thông minh để tiến hành cải cách thể chế trong nước thực chất và sâu sắc thì đó có thể trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho Đổi mới lần thứ hai ở Việt Nam. 

 

Đại sứ VN tại Úc: Ngoài thuế, TPP đem về nhiều lợi ích

Từ Australia, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị, có bài viết gửi Zing.vn, chia sẻ về tác động của TPP đến quan hệ thương mại 2 nước và cơ hội của hàng Việt.


 


TS Vũ Thành Tự Anh (nhóm pv ghi)

Bạn có thể quan tâm