"Việt Nam triển khai 4G không sớm nhưng cũng do đó, chúng ta có nhiều lợi thế để có thể tiến thẳng lên mạng 4,5G, bỏ qua 4G", ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương chia sẻ trong khuôn khổ sự kiện Ngày Internet Việt Nam (Internet Day 2015) hôm 19/11.
Ông Thiều Phương Nam cho biết, Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong việc phổ cập mạng 4G, do thiết bị 4G có giá thành rẻ, các nhà mạng cũng đã sẵn sàng về mặt hạ tầng. Ảnh: Thành Duy. |
"4,5G về bản chất vẫn là mạng 4G nhưng áp dụng cơ chế ghép sóng mang, cho tốc độ mạng cao hơn. Để nâng cấp từ 4G lên 4,5G, nhà mạng có thể chỉ phải cập nhật phần mềm, thêm ăng-ten cho phù hợp chứ không cần thay thế toàn bộ hạ tầng như việc nâng cấp từ 3G lên 4G. Do đó, không có nhiều khó khăn nếu bỏ qua 4G và lên thẳng 4,5G", ông Nam chia sẻ. Với công nghệ ghép sóng mang của 4,5G (4G+), tốc độ mạng tối đa của 4,5G có thể lên đến 600 MHz, cao gấp 4 lần tốc độ chuẩn của 4G (150 MHz).
Ông Nam cho biết, những lợi thế của Việt Nam khi triển khai mạng 4G là việc giá thiết bị 4G ở thời điểm hiện tại đã rẻ hơn nhiều. Do đó, tốc độ phổ cập sử dụng 4G sẽ nhanh hơn. Từ đó, nhà mạng cũng sớm có doanh thu từ 4G để tiếp tục đầu tư.
Chia sẻ về Internet of Things (IoT) - chủ đề chính của Ngày Internet Việt Nam, ông Nam đồng tình với nhiều diễn giả khác về việc IoT tạo ra một loạt thị trường mới: "Trước đây, chúng ta không nghĩ sẽ có một thị trường cho các thiết bị đeo tay, cung cấp thông tin về sức khoẻ, kết nối với bác sĩ hay đồng hồ thông minh cho phép bố mẹ giám sát con cái".
Ông Nam cũng cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn với IoT, bởi cùng chung xuất phát điểm với các nước khác trên thế giới Internet. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức, bởi sức cạnh tranh sẽ rất lớn khi không còn yếu tố biên giới. Tất cả sẽ phải cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hoá.