Trong khuôn khổ sự kiện ngày Internet Việt Nam 2015 (19/11), ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT đã có những chia sẻ về xu hướng phát triển của Internet, cụ thể là xu hướng Internet of Things (Internet cho vạn vật), tại Việt Nam.
Theo ông Bình, Internet of Things (IoT) sẽ tạo ra một cơ hội lớn chưa từng có cho cá nhân, doanh nghiệp trong tương lai: "Trong thời đại IoT, thế giới thực và số sẽ là một. Những bộ quần áo các bạn mặc có thể được gắn số con chip nhiều hơn tất cả những gì các bạn dùng từ trước đến nay. Trong tương lai, mọi công ty sẽ thành doanh nghiệp số, lãnh đạo trở thành leader số, và mỗi người có thể thành một doanh nghiệp số".
Theo ông Trương Gia Bình, IoT sẽ làm thay đổi hình hài của kinh tế thế giới và người giàu nhất sẽ là người nắm bắt được thế giới số chứ không phải nhà máy, đất đai. Ảnh: ICTNews. |
Đặc biệt, ông Bình nhấn mạnh: "Lần đầu tiên xuất hiện một xu hướng rõ ràng là những người giàu nhất thế gian này không phải những người có nhiều tiền, nhà máy, đất đai mà là những người có nhiều số".
Ông Bình cũng lấy dẫn chứng về việc có nhiều bạn trẻ tại Việt Nam kiếm được rất nhiều tiền nhờ làm giàu từ "số", hay việc lần đầu tiên Uber - một doanh nghiệp tin học - trở thành nhà vận tải lớn nhất thế giới, ngay cả khi họ không sở hữu bất cứ một chiếc ôtô nào. "Trước đây, các doanh nghiệp tin học thường chỉ phục vụ doanh nghiệp khác thì giờ họ đứng ra làm doanh nghiệp số", ông Bình cho hay.
Ông Trương Gia Bình đưa ra dẫn chứng về cơ hội lớn trong thời đại IoT khi cho biết, trong 5 năm tới, sẽ có khoảng 50 tỷ thiết bị kết nối, nhiều gấp 5 lần hiện tại. Từ đó, IoT có thể tạo ra nền kinh tế mới trị giá 1.900 tỷ USD. "Đây là cuộc cách mạng không thể tưởng tượng được. Cuộc cách mạng này sẽ thay đổi hình hài thế giới. Bằng mọi giá Việt Nam phải chớp được cơ hội này".
Theo ông Trương Gia Bình, Việt Nam đã và đang tham gia vào thế giới IoT. Chẳng hạn, đầu tháng 12, một dự án có tên Akisai của Fujitsu sẽ được đưa về Hà Nội. Đây là một dự án nông nghiệp chính xác dựa trên cơ sở IoT.
Cụ thể, toàn bộ dữ liệu của thế giới thực trong nông nghiệp sẽ được đo bằng cảm biến (sensor), từ dữ liệu của vật nuôi, cây cối, đất đai, thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm..., dẫn đến việc tự động hoá ngành nông nghiệp. Xuyên suốt từ quá trình chọn giống, chế tạo, vận tải, đến siêu thị, xuất khẩu, sẽ có cả một hệ thống tin học đi kèm theo. "Hãy thử tưởng tượng, trong tương lai gần, máy móc có thể tự dự báo ở đâu có sâu bệnh, rồi tự nhiên có một chiếc máy bay xuất hiện và phun thuốc", ông Bình dự đoán.
Ông Bình mong muốn đưa về Việt Nam một hệ IoT cho giao thông, ở đó tất cả các dữ liệu đều được quản lý bằng số, từ những chiếc xe bus thông minh, quản lý phạt nguội, giúp giảm tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian lưu thông trên đường. Theo nghiên cứu, tai nạn giao thông làm ảnh hưởng đến 1,9% GDP của Việt Nam. Ông hy vọng, IoT cho giao thông tại Việt Nam sẽ được triển khai vào quý I/2016.
Kết thúc bài phát biểu, ông Trương Gia Bình một lần nữa nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, bình đẳng với tất cả quốc gia khác trong thời đại Internet of Things và cơ hội mở ra cho tất cả mọi người.