Trước sự xâm phạm trái phép của giàn khoan Hải Dương 981 cùng đội tàu bảo vệ từ phía Trung Quốc, Việt Nam cần cân nhắc áp dụng các cơ chế pháp lý quốc gia để thể hiện và minh chứng quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia. Zing.vn giới thiệu phân tích của hai chuyên gia Nguyễn Hùng Cường (Khoa Luật ĐHQG Hà Nội) và Đinh Phạm Văn Minh (Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo).
Đã gần một tháng kể từ thời điểm giàn khoan Hải Dương 981 của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) được kéo vào khoan thăm dò trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hiện, Trung Quốc đang ngày càng thể hiện sự quyết liệt và ngang ngược trong các hành động thể hiện quyền chủ quyền của mình trên Biển Đông.
Liên tiếp trong những ngày gần đây, nhiều tàu cá của Việt Nam đã bị các tàu chức năng của Trung Quốc khống chế, xua đuổi, tấn công, đâm va gây thiệt hại về tài sản; đồng thời những tàu chức năng của Trung Quốc còn có những hành vi đánh đập, gây thương tích, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam.
Tàu Trung Quốc vây hãm và phun nước vào tàu kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: TTXVN. |
Bên cạnh đó, nhiều tàu cá của Trung Quốc còn hoạt động trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đóng vai trò như một “lực lượng chức năng dân sự” khai thác trái phép và cản trở hoạt động bình thường, an toàn hàng hải và thậm chí còn có những hành động tấn công các tàu chức năng cũng như tàu cá của Việt Nam.
Trước tình hình đó, ngoài những giải pháp ngoại giao để phản đối, Việt Nam cần cân nhắc áp dụng các cơ chế pháp lý quốc gia để thể hiện và minh chứng quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia khi bị xâm phạm quyền lợi hợp pháp trước khi tính xa hơn ở câu chuyện áp dụng các giải pháp pháp lý quốc tế.
Điều này là hoàn toàn phù hợp với những quy định của Công ước Luật biển năm 1982. Theo đó Việt Nam có thẩm quyền tài phán đối với các thiết bị và công trình được lắp đặt trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình đồng thời có quyền thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà Việt Nam đã ban hành theo đúng Công ước.
Thứ nhất, lực lượng chức năng Việt Nam có thể áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với CNOOC các tàu của Trung Quốc.
Theo Luật Xử lý vi phạm Hành chính năm 2012 và Nghị định 62/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam) với những hành vi xâm phạm của CNOOC và các tàu cá, tàu chức năng của Trung Quốc thì các lực lượng chức năng của Việt Nam, cụ thể là lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng cùng lực lượng Kiểm ngư có thể:
Đưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với việc áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả như sau đối với CNOOC và các tàu chức năng, tàu cá của Trung Quốc.
Cụ thể, phạt tiền đối với CNOOC với mức phạt tiền có thể lên tới 2 tỷ VNĐ đồng; buộc CNOOC tháo dỡ giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; tịch thu các tang vật vi phạm hành chính, theo đó Việt Nam có thể tịch thu các tàu cá của Trung Quốc có hành vi vi phạm; buộc tàu chức năng của Trung Quốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Việc tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CNOOC, các tàu chức năng và tàu cá của Trung Quốc được thực hiện thông qua triệu tập đại diện của CNOOC hoặc thông qua cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Việt Nam
Thứ hai, ngư dân Việt Nam có thể khởi kiện các tàu cá, tàu chức năng của Trung Quốc.
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2005, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ngày 8/7/2006 (hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng), Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 và sửa đổi năm 2011, ngư dân Việt Nam có thiệt hại về vật chất và tinh thần bao gồm các thiệt hại do tài sản, sức khỏe bị xâm phạm có thể:
Khởi kiện các tàu cá và tàu chức năng của Trung Quốc tại TAND cấp tỉnh để yêu cầu bồi thường thiệt hại trước những hành vi xâm phạm về tình mạng, tài sản nghiêm trọng và bạo ngược của những tàu này.
Cần nhận thấy rằng, có thể các giải pháp pháp lý quốc gia như trên không giải quyết được “tận gốc” những hành động vi phạm của Trung Quốc đối với quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Tuy nhiên, các giải pháp này là hành động mang tính chất pháp lý nhằm chứng minh mạnh mẽ chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, đáp trả lại những hành vi ngang ngược của Trung Quốc.
Điều này không những khẳng định việc quản lý hợp pháp của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà còn đảm bảo nguyên tắc cơ bản của luật pháp Việt Nam - theo đó mọi vi phạm phải được ngăn chặn kịp thời và phải được xử lý một cách nhanh chóng, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.