Trong 49 chất vấn tới Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, nhiều đại biểu đặt câu hỏi việc một số dự án khu du lịch tâm linh rộng tới hàng nghìn ha đất. Đại biểu thắc mắc về sự rạch ròi giữa đất dành cho công trình tâm linh với thương mại dịch vụ.
Chưa rạch ròi đất dành cho tâm linh hay thương mại dịch vụ
Chiều 4/6, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề cập việc đầu tư xây dựng các công trình tâm linh kết hợp với du lịch, nghỉ dưỡng chiếm dụng cả nghìn ha đất.
"Vẫn chưa rạch ròi giữa khu đất dành cho tâm linh hay thương mại dịch vụ. Sau này có thể biến tướng điều chỉnh quy hoạch. Yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng cho biết Việt Nam có nên xây dựng công trình tâm linh rộng hàng trăm ha như vậy hay không?", ông đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng nêu thực trạng nhiều khu du lịch tâm linh, chùa chiền rộng vài trăm ha, thậm chí là vài nghìn ha.
"Có sự nhập nhằng giữa công và tư hay không? Nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư nhưng Nhà nước bỏ ra chục nghìn ha đất đai. Thực ra là có sự đầu tư lớn tài sản công ở đây. Nhưng sau đó lại thuộc quyền kiểm soát của nhà đầu tư tư nhân?", ông đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: Minh Quân. |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng Hà thừa nhận trong thời gian qua xuất hiện một số dự án kết hợp mục đích tâm linh và du lịch.
Ông cho biết việc xây dựng các công trình này đều có công cụ về pháp luật để kiểm soát. Điển hình như việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới những công trình tín ngưỡng, tôn giáo phải thực hiện theo quy định của pháp luật cũng như có sự đồng ý của cơ quan quản lý tôn giáo địa phương.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Xây dựng thừa nhận hiện pháp luật chưa xác định cụ thể rõ loại hình công trình tâm linh nằm trong quy hoạch du lịch hay quy hoạch đô thị. Do đó, các địa phương vận dụng cũng còn chưa thống nhất. Do đó, tới đây Bộ Xây dựng cũng sẽ có quy định cụ thể hơn về vấn đề này.
“Về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong việc sử dụng đất ở những dự án hỗn hợp như vậy, Bộ sẽ có những quy định cụ thể hơn để đảm bảo phân biệt rõ ràng đất cho mục đích tâm linh hay mục đích khác”, Bộ trưởng nói.
"Địa phương làm đúng và đủ sẽ kiểm soát được"
Tuy nhiên, không hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa giơ biển tranh luận. Ông tiếp tục đề cập đến sự nhập nhằng giữa công và tư khi các chủ đầu tư được cấp đến vài nghìn ha đất.
"Vấn đề quy hoạch những khu du lịch tâm linh với diện tích lớn vậy chúng ta có kiểm soát được không? Việc khai thác có công bằng hợp lý không? Đúng pháp luật hay không?", ông Nghĩa chất vấn.
Một công trình tâm linh rộng hàng nghìn ha tại Hà Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trả lời, Bộ trưởng Hà lại dẫn một loạt quy định liên quan đến đầu tư xây dựng khu du lịch và công trình tâm linh.
Ông cũng cho biết với dự án sử dụng diện tích trên 500 ha đất thì phải lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Ngoài ra, công trình tôn giáo thuộc nhóm phải nộp hồ sơ cấp phép xây dựng.
"Hồ sơ này phải có bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyết định phê duyệt dự án, đầu tư và văn bản chấp thuận về việc cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo ở địa phương", ông Hà nói.
Do đó, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng nếu địa phương thực hiện đúng, đủ các quy định trên thì sẽ kiểm soát được việc đầu tư xây dựng các khu du lịch tâm linh, tránh hiện tượng như đại biểu đã nêu.
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tiếp tục trả lời các câu hỏi của đại biểu bằng văn bản.