- Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ giải đáp những thắc mắc liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra còn có quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự du lịch (resort villa).
- Bộ trưởng cũng trả lời những câu hỏi về công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP. Hà Nội.
- Chủ tọa sẽ mời thêm Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng giải trình làm rõ thêm các vấn đề các đại biểu quan tâm.
-
49 đại biểu chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tiếp tục trả lời các câu hỏi của đại biểu bằng văn bản. Bà nhấn mạnh nếu Phó thủ tướng và Bộ trưởng cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp được nêu trong phiên chất vấn, ngành xây dựng sẽ có những bước phát triển tốt hơn, đột phá hơn.
Nhóm vấn đề về xây dựng có 49 lượt đại biểu đặt câu hỏi, 9 đại biểu tham gia tranh luận.
-
Liệu có sự nhập nhằng giữa dự án tâm linh và dự án du lịch?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận vấn đề dư luận cử tri quan tâm là việc nhập nhằng giữa dự án tâm linh và dự án du lịch. Ông Nghĩa dẫn bài báo nói rằng “nghèo không có tiền không đi chùa được” vì rất nhiều khâu dịch vụ phải đóng tiền.
Ông Nghĩa thắc mắc sự quản lý phân bổ tài nguyên đất đai ở đây đã chặt chẽ hay chưa. Vị đại biểu cho rằng luật đầu tư công quản lý rất chặt nhưng liệu đầu tư tư nhân có kiểm soát chặt chẽ như vậy hay không.
“Sự phân bổ hàng chục nghìn ha cho các dự án này có hợp lý hay không? Chưa kể việc đầu tư điện, đường mà Nhà nước bỏ ra trong khi tư nhân hưởng lợi?”, ông Nghĩa đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Xây dựng.
Sau đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Xây dựng trả lời thêm đại biểu bằng văn bản.
-
Đại biểu bức xúc về khu du lịch tâm linh rộng hàng trăm ha
Trước câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) về việc xây dựng các khu du lịch tâm linh, Bộ trưởng Hà khẳng định việc đầu tư xây dựng khu du lịch (trong đó có khu du lịch tâm linh) được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, tín ngưỡng tôn giáo, di sản văn hóa, đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường và phát triển rừng.
Ông Hà dẫn ra một số công cụ kiểm soát. Theo đó Luật Du lịch có quy định phải lập quy hoạch khu du lịch ở địa phương. Luật Đất đai quy định UBND cấp tỉnh phải căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, từ đó quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo...
Ông cũng nêu quy định với khu đất sử dụng 500 ha trở lên, cần phải phải lập quy hoạch chung, phân khu, chi tiết.
“Nếu địa phương thực hiện đúng, đủ các quy định trên thì sẽ kiểm soát được việc đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh, tránh hiện tượng như đại biểu đã nêu. Bộ sẽ bổ sung quy chuẩn để đảm bảo sử dụng đất hợp lý, đảm bảo quy hoạch các khu du lịch”, ông Hà cho hay.
-
‘Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện gây bức xúc trong dư luận’
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng mời Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm rõ những vấn đề liên quan đến lĩnh vực xây dựng.
Vấn đề thứ nhất, Phó thủ tướng thừa nhận về tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện ở các đô thị hiện nay.
Ông cho rằng điều chỉnh quy hoạch là do những yêu cầu khách quan và chủ quan của các chủ thể liên quan.
“Điều chỉnh quy hoạch do Nhà nước yêu cầu, do người dân yêu cầu, do nhà đầu tư yêu cầu”, ông nói.
Phó thủ tướng thừa nhận dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội đang rất bức xúc về tình trạng điều chỉnh quy hoạch chạy theo nhà đầu tư, điều chỉnh tùy tiện. Ông cũng cho rằng việc nâng tầng cao, mật độ xây dựng làm gia tăng dân số, giảm không gian công cộng… gây quá tải lên hệ thống hạ tầng. Từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, gây bức xúc trong dư luận.
Về biện pháp khắc phục, ông yêu cầu các địa phương cho thanh tra, kiểm tra rà soát lại các quy hoạch điều chỉnh. Từ đó xem xét xử lý nghiêm với các quy hoạch bị điều chỉnh tùy tiện, không đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong quy hoạch.
“Cần có giải pháp đầu tư hạ tầng để đáp ứng yêu cầu gia tăng dân số. Xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm”, ông nói.
Đề cập đến việc kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng, Phó thủ tướng nhấn mạnh xu hướng tập trung hóa đô thị đang tăng rất nhanh. Trong đó, người dân dịch chuyển về đô thị lớn để tìm kiếm việc làm. Hà Nội và TP.HCM mỗi năm dân số tăng cơ học trên 2%. Tại 2 đô thị này mỗi năm tăng 200.000 người.
Mặt khác, theo Phó thủ tướng, dân số nội đô rất cao, việc đầu tư hạ tầng, đặc biệt là giao thông không theo kịp. Từ đó gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Ông cho rằng cần một giải pháp đồng bộ, vừa trước mắt, vừa lâu dài. Trước mắt là phải kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng. Từ đó có kế hoạch xây dựng đô thị vệ tinh, với kết cấu hạ tầng chất lượng, đồng bộ, hiện đại để hấp dẫn người dân.
“Vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phía bắc sông Hồng làm đối trọng thu hút người dân ở nội đô. Ngoài ra cần bố trí nguồn lực để chuyển các cơ sở sản xuất ô nhiễm, các cơ quan đông người ra khỏi nội đô. Đây là vấn đề rất khó, cần nguồn lực lớn”, ông nói.
Về dài hạn, Phó thủ tướng yêu cầu phải xây dựng chiến lược đô thị quốc gia, từng bước xây dựng đô thị vùng gắn với phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Giải pháp đó sẽ tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giữ chân lao động ở lại quê hương.
Về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại dự án số 8B Lê Trực, Phó thủ tướng cho biết Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã trả lời rõ, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo. Ông yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Hà Nội có biện pháp xử lý dứt điểm, đảm bảo an toàn.
Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Xây dựng, Hà Nội và các cơ quan liên quan xử lý vi phạm tại khu HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai) theo đúng quy định, như ý kiến đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nêu.
-
Tháo gỡ quy hoạch chậm triển khai
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đặt câu hỏi về cách giải quyết, tháo gỡ các quy hoạch chậm triển khai.
“Vậy quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân được hiến định và luật pháp quy định sẽ giải quyết như thế nào?”, bà Tâm đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng khẳng định việc bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân là hết sức cần thiết. Do đó, chính quyền địa phương cần nhanh chóng rà soát, tháo gỡ những quy hoạch và dự án chậm triển khai.
“Vừa qua, TP.HCM đã làm việc với các doanh nghiệp bất động sản để có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho gần 100 dự án bất động sản hiện đang còn ách tắc”, Bộ trưởng nói.
-
Đề nghị làm rõ tình trạng người nước ngoài mua nhà trái phép
Đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu hiện tượng nhà đầu tư bất động sản ở nước ngoài móc nối với một bộ phận người Việt Nam để mua bán, chuyển nhượng bất động sản trái phép.
“Điều này vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bất động sản. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này như thế nào. Đề nghị trả lời rõ tình trạng và nguyên nhân, phương hướng giải quyết?”, ông đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng, Bộ Công an làm rõ, nắm tình hình và đưa ra hướng xử lý.
“Trước mắt, tôi đề nghị các địa phương tăng cường quản lý tình hình giao dịch bất động sản, tình hình cư trú của người nước ngoài”, ông nói.
-
Tại sao mật độ đô thị tại Hà Nội và TP.HCM được điều chỉnh lên 40%?
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) dẫn báo cáo chuyên đề của Quốc hội về về đất đai trong phần chất vấn của mình. Ông cho biết quy hoạch mật độ đô thị của Hà Nội và TP.HCM được điều chỉnh từ 24,6% lên 40%; tầng cao bình quân tăng từ 20,33 lên đến 40 tầng. Từ đó làm phá vỡ quy hoạch tổng thể của đô thị, gây quá tải cho quy hoạch chung và hạ tầng giao thông.
“Vậy quan điểm của Bộ Xây dựng về vấn đề này như thế nào?”, ông đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM), Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đưa ra quan điểm rằng UBND TP. Hà Nội, TP.HCM phải thực hiện việc điều chỉnh mật độ xây dựng, chiều cao của các khu vực trong nội đô tuân thủ quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt.
“Trường hợp thay đổi do thực tiễn địa phương, cần lập hồ sơ điều chỉnh theo đúng quy định để báo cáo Thủ tướng. Đồng thời các địa phương cần đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông để đáp ứng nhu cầu và tránh quá tải”, ông nói.
-
Quy hoạch nhà ở cho đồng bào khu vực bị lũ lụt, lở đất
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị Bộ trưởng Xây dựng cho biết việc tiến hành quy hoạch nhà ở và khu dân cư cho đồng bào khu vực bị lũ lụt và lở đất đang diễn ra như thế nào.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, ông Hà nhấn mạnh trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ đảm bảo an toàn về nhà ở cho nhóm đối tượng này.
Sau khi triển khai các biện pháp thực tế, hơn 650.000 căn hộ đã được xây mới, sửa chữa, đảm bảo chỗ ở an toàn cho hơn 2,5 triệu người dân.
“Thủ tướng cũng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng đề án di dân khẩn cấp ở các vùng chịu thiệt hại nặng nề của thiên tai để sớm trình Thủ tướng phê duyệt”, ông nêu.
-
Mua bán nhà “trên giấy” gây rủi ro cho cho thị trường bất động sản
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) gửi tới Bộ trưởng Xây dựng câu hỏi về tình trạng mua bán đất "trên giấy" tại các dự án bất động sản theo hình thức hợp đồng góp vốn. Ông chỉ ra thực trạng trên thực địa chưa có đất, hạ tầng đầu tư chưa hoàn chỉnh, chưa đủ các điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thậm chí hồ sơ pháp lý của các dự án chưa đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn mở bán không công khai, nguy cơ tạo rủi ro cho người dân và thị trường bất động sản rất lớn.
“Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm cá nhân về vấn đề này và giải pháp trọng yếu nào để chấn chỉnh tình trạng nêu trên?”, ông đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Thái Bình, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định quy định pháp luật về điều kiện để chủ đầu tư được kinh doanh, mở bán căn hộ đã có đủ nhưng trong thực tế vẫn có nơi vi phạm.
Về giải pháp, ông Hà đề nghị sở xây dựng địa phương cần tăng cường quản lý, kịp thời có văn bản thông báo đủ điều kiện đưa vào kinh doanh khi chủ đầu tư yêu cầu. Vì chủ đầu tư nếu không có thông báo thì tiếp tục làm những việc đã đề nghị nhưng chưa có ý kiến. Bộ trưởng cho rằng thực tế có địa phương chậm trả lời chủ đầu tư.
“Chính quyền địa phương cần tăng trường thanh, kiểm tra, nhắc nhở chủ đầu tư thực hiện đúng quy định pháp luật. Có thể xử lý phạt hành chính. Đối với trường hợp nghiêm trọng thì xử lý hình sự”, ông nói.
-
Trách nhiệm của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà về 2.000 ha đất bỏ hoang ở Mê Linh
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cũng đặt câu hỏi về các khu đô thị bỏ hoang tại huyện Mê Linh (Hà Nội). Bà chỉ ra Bộ Xây dựng có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra hoạt động đầu tư phát triển đô thị; kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đô thị theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.
Khu đô thị thuộc huyện Mê Linh đã được Thủ tướng phê duyệt có sự thẩm định của Bộ Xây dựng. Hiện nay đang có 47 dự án với 2.000 ha được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt quy hoạch 1/500. Nhưng kể từ khi Mê Linh chuyển về Hà Nội từ tháng 8/2008 đến nay, các dự án đang bị đình trệ không triển khai được.
“Dân thì thiếu đất canh tác, trong khi 2.000 ha đất hoang hóa, nhà đầu tư thì sống dở chết dở. Vậy xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình về vấn đề này?”, đại biểu chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Hà cho biết dự án đầu tư khu đô thị Mê Linh được lập năm 2004, do Bộ Xây dựng lập và thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt. Sau đó, chính quyền địa phương lập quy hoạch chi tiết và xúc tiến đầu tư.
Năm 2008 huyện Mê Linh (từ Vĩnh Phúc) sáp nhập vào TP. Hà Nội. Khi đó, Hà Nội đã rà soát để bảo đảm phù hợp quy hoạch chung của khu vực này. Bộ trưởng Hà cho rằng các công việc này cũng mất thêm một số thời gian.
“Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đô thị Mê Linh, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP. Hà Nội đầu tư một số công trình giao thông kết nối khu vực này với lân cận. Ngoài ra, thành phố cần rà soát điều chỉnh bố trí tổng mặt bằng khu đô thị nếu cần thiết. Hà Nội cũng cần rà soát năng lực, chọn chủ đầu tư có kinh nghiệm, đủ vốn để thực hiện dự án được giao”, ông Hà trả lời.
-
Đại biểu “truy” trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng về tình trạng có quá nhiều nhà cao tầng
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) đặt câu hỏi về việc Bộ Xây dựng có nhiệm vụ thẩm định thiết kế kỹ thuật các công trình dân dụng, các dự án, công trình cấp đặc biệt, các công trình nhà ở từ 25 tầng trở lên thuộc các nguồn vốn khác.
“Vậy xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm cá nhân về tình trạng có quá nhiều nhà cao tầng được xây dựng với mật độ rất cao tại các khu đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TP.HCM, gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội?”, câu hỏi nêu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết cơ quan chuyên môn Bộ Xây dựng có chức năng thẩm định công trình cấp đặc biệt từ 25 tầng trở lên theo Luật Xây dựng. Tuy nhiên, quy hoạch phân khu đối với công trình tập trung, quy hoạch riêng lẻ, quy hoạch 1/500 thuộc thẩm quyền địa phương.
“Nếu quy hoạch do địa phương phê duyệt nhưng không phù hợp, dẫn tới việc xây dựng nhà cao tầng mật độ cao là trách nhiệm của địa phương. Bộ Xây dựng có trách nhiệm thanh, kiểm tra”, ông nói.
-
Còn 11 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà
Chiều 4/6, đã có 39 lượt đại biểu đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Phạm Hồng Hà. Các vấn đề được đại biểu quan tâm là việc điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch tại các đô thị gây quá tải hạ tầng. Ngoài ra còn vấn đề quản lý nhà chung cư; quy chuẩn và tiêu chuẩn với các loại hình bất động sản mới; di dời trụ sở một số bộ, ngành ra khỏi nội đô Hà Nội…
Sáng 5/6, còn 11 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Xây dựng. Dự kiến, chủ tọa sẽ mời thêm Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.