Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

GS Đặng Hùng Võ: 'Lợi ích tư nhân đang choán không gian phát triển'

GS Đặng Hùng Võ cho rằng các chủ đầu tư bất động sản xin điều chỉnh quy hoạch theo hướng có lợi cho mình, tạo ra hệ lụy choán không gian phát triển của Hà Nội hay TP.HCM.

Trong cuộc tọa đàm do Zing.vn tổ chức, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã bày tỏ quan điểm về thực trạng phá vỡ quy hoạch đô thị hiện nay, từ đó gây ra các hệ lụy mà ông mô tả là “bi kịch”.

Ông Võ cũng đưa ra một số giải pháp để thực hiện tốt quy hoạch, trong đó có việc minh bạch bằng chính quyền điện tử và cho người dân tham gia giám sát.

“Một thời gian nữa, bi kịch lớn sẽ xảy ra”

- Báo cáo giám sát đất đai của Quốc hội có chỉ ra thực trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội. Ông đánh giá thế nào thực trạng điều chỉnh quy hoạch đô thị một cách ồ ạt ở Hà Nội trong thời gian qua?

- Hà Nội vốn có một quy hoạch phát triển rất cụ thể, là không phát triển theo kiểu vết dầu loang, không “phình” về các phía. Thay vào đó, thủ đô định hướng tiến hành quy hoạch theo 5 thành phố vệ tinh. Đô thị cũ sẽ được giữ theo hướng nâng cấp là chính.

pha nat quy hoach do thi anh 1
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, thực tế triển khai, đô thị Hà Nội “phình” về các phía. Thậm chí một số nơi việc phát triển là tự phát. Trong khi đó, các đô thị vệ tinh chủ yếu “nằm im”, chưa có định hướng phát triển. Việc kết nối đô thị cũ của Hà Nội với các thành phố vệ tinh xung quanh cũng chưa đáng kể.

Nhìn chung, tôi đánh giá lợi ích tư nhân đang dẫn đường cho phát triển chứ không phải theo quy hoạch của Nhà nước. Nói cách khác, việc điều chỉnh quy hoạch tại Hà Nội chủ yếu dựa theo ý kiến, đề xuất của nhà đầu tư tư nhân. Công cụ quy hoạch lúc này đã bị biến dạng. Có thể nói một số nơi quy hoạch trở nên dang dở và có thể tạo ra hệ lụy cho phát triển.

Chúng ta cần xem lại, định hình lại xem có nên để lợi ích tư nhân dẫn đường hay không.

- Nhiều đại biểu Quốc hội từng phát biểu quy hoạch khu đô thị bị bẻ cong theo lợi của nhà đầu tư. Ông thấy điều này diễn ra như thế nào?

- Chúng ta phải thấy việc điều chỉnh quy hoạch thường được đề xuất của chủ đầu tư tư nhân. Điều này làm hỏng quy hoạch ban đầu. Chưa đánh giá quy hoạch ban đầu tốt hay không, nhưng tôi cho rằng chúng được làm khá cẩn thận và vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, quy hoạch thực tế đã được điều chỉnh nhiều lần. Nhà đầu tư tư nhân luôn kỳ vọng rất lớn lợi ích từ bán nhà. Do đó, trong quy hoạch ban đầu, họ sẵn sàng đảm bảo những lợi ích xã hội như sân chơi trẻ em hay hồ điều hòa. Nhưng khi thực hiện, họ lại xin rút hết cái này đến cái khác. Có nhà đầu tư thậm chí không xin ai cả, tự cắt xén tiện ích, tự ý tăng số lượng căn hộ để bán.

Ví dụ như khu Linh Đàm, một khu nhà đã tăng từ 4 lên 12 tòa. Tại đây, các căn hộ đều được cấp sổ hồng, trong khi nhiều nơi sai nho nhỏ thôi lại không được cấp. Lợi ích tư nhân đang choán không gian phát triển thực sự và tạo ra bối cảnh này.

Còn tại đường Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương kéo dài, chúng ta cũng thấy cảnh san sát nhà chung cư. Nếu muốn mở rộng đường cũng không thể vì chung cư chặn ngay vỉa hè. Một thời gian nữa, bi kịch lớn sẽ xảy ra khi đường giao thông không đủ trong khi khó có khả năng cải tạo, nâng cấp hạ tầng.

“Không đáp ứng được hạ tầng cho một đô thị chật hẹp đang chứa lượng dân số quá lớn”

- Người dân tại các đô thị có khao khát sở hữu nhà rất lớn. Tuy nhiên, họ bỏ ra số tiền lớn nhưng phải sống trong những khu đô thị chật hẹp, thiếu hạ tầng. Đây có giống như một cảm giác “bị lừa” hay không?

- Chúng ta có thể thấy rất rõ tại Hà Nội, các nhà đầu tư chỉ ham xây dựng căn hộ để bán trên thị trường. Dòng người di cư ở các tỉnh bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng là có thể sở hữu một căn hộ.

Câu chuyện an toàn cháy nổ, thiếu không gian sống… tại một số chung cư khiến nhiều người cảm thấy như mình như “bị lừa”. Người dân đã mua được đất ở Hà Nội rồi nhưng điều kiện sống lại rất khó khăn. Đây là vòng luẩn quẩn mà trung tâm của nó vẫn là lợi ích của chủ đầu tư.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng việc tăng dân số không có lợi cho phát triển. Chúng ta sẽ không đáp ứng được hạ tầng, dịch vụ công cộng cho một đô thị chật hẹp đang chứa lượng dân số quá lớn. Các nhà quản lý cần thấy rõ điều đó. Hệ lụy này mang tính bi kịch cho đô thị Việt Nam.

pha nat quy hoach do thi anh 2
GS Đặng Hùng Võ cho rằng việc tăng dân số không có lợi cho phát triển. Ảnh: Thuận Thắng.

Quá trình đô thị hóa của Việt Nam đang đi ngược với các nước đã thành công như Hàn Quốc. Hiện nay, quá trình di dân từ các tỉnh về đô thị lớn chưa được kiểm soát. Nhiều khi lao động đơn giản về nhiều hơn là lao động chất lượng cao.

Chúng ta phải thấy rằng tại đô thị rất cần lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, chúng ta không lọc được lao động chất lượng cao, mà tất cả đang rất bình đẳng trong việc chuyển dịch.

Tôi cho rằng thuế là bộ lọc quan trọng nhất. Quy hoạch đô thị hiện nay đang đặt rất độc lập với công cụ tài chính, dù về nguyên tắc, 2 yếu tố này phải phối hợp với nhau.

Tại các nước đã thành công trong quá trình đô thị hóa, thường có công cụ “lọc” lao động chất lượng cao. Sự thực đô thị rất cần lao động đơn giản, nhưng tỷ lệ này quá cao lại là gánh nặng cho đô thị. Quá trình phân bổ thị trường phải có quy luật của nó.

- Một số địa phương nói họ khó khăn trong việc hiện thực hóa các quy hoạch. Đây có phải là một trong các điểm nghẽn, song với việc điều chỉnh và phá vỡ nó?

- Quy hoạch của chúng ta hiện nay vẫn mang dáng dấp bao cấp nhiều hơn. Tôi nói là mang tính “lãng mạn” hơn thực tế. Nghĩa là khi lập quy hoạch, các nhà quản lý không biết lấy tiền đâu để làm. Tôi có phỏng vấn một số địa phương thì nói rằng lấy từ đất.

Thế nhưng họ lại không chỉ ra được cách để thực hiện điều này. Theo tôi thấy hiện tại chỉ có Đà Nẵng phát triển được thành phố hiện đại mà chỉ lấy kinh phí từ đất. Trong khi đó tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều nơi khác chưa làm được.

Tôi cho rằng chúng ta cần đánh giá kỹ mối quan hệ hiện trạng quy hoạch với các công cụ khác trong quá trình phát triển đô thị. Như vậy, đô thị hóa mới mang lại kết quả cao cho quá trình phát triển đất nước.

Cần cho người dân giám sát quy hoạch

- Từ những hệ lụy mà việc phá vỡ quy hoạch gây ra, theo ông ai phải chịu trách nhiệm về điều này?

- Tôi cho rằng việc xác định trách nhiệm có những cái khó, nhưng phải làm rõ khó ở đoạn nào, dễ ở đâu. Đầu tiên chúng ta phải nói rằng trách nhiệm trong xây dựng pháp luật về quy hoạch. Khi Luật Quy hoạch được thông qua không có quy định cụ thể, chặt chẽ về điều chỉnh quy hoạch.

Có thể thấy trình tự thủ tục phê duyệt quy hoạch khá đầy đặn. Thế nhưng khi điều chỉnh quy hoạch lại không nói rõ trong luật. Luật chỉ nói rằng người có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì được phê duyệt điều chỉnh.

Khi đó, luật không có quy định cần hội đồng thẩm định, đánh giá tác động hay không. Nhiều trường hợp điều chỉnh không thông qua hội đồng thẩm định, mà người có thẩm quyền ký thông qua điều chỉnh.

Có thể thấy quy trình phê duyệt quy hoạch rất chặt chẽ nhưng điều chỉnh quy hoạch lại rất dễ dàng. Vì vậy, ngay quy định của luật pháp đã là có lỗ hổng rồi.

pha nat quy hoach do thi anh 3
GS Đặng Hùng Võ cho rằng cần phải thay đổi cách thức, gạt dần tư duy bao cấp trong quy hoạch để dẫn đường cho phát triển. Ảnh: Duy Hiếu.

Trong việc thực hiện xây dựng quy hoạch, có thể chỉ ra trách nhiệm cá nhân. Khi đó, thực hiện quy hoạch là của chính quyền địa phường các cấp. Như vậy, đã cụ thể đến trách nhiệm của UBND các cấp. Tôi nhấn mạnh cấp quận, huyện và tỉnh, thành phố cũng có trách nhiệm trong việc thực thi quy hoạch.

- Nhiều người nói rằng doanh nghiệp được lợi nhất từ sự phá vỡ quy hoạch. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao? Giải pháp nào cho việc minh bạch và tuân thủ quy hoạch hiện nay?

- Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp được lợi nhất, Nhà nước, người dân và đối tượng bị ảnh hưởng cũng không được gì. Tôi cho rằng câu chuyện này liên quan đến rủi ro tham nhũng. Chúng ta vẫn nói rằng nhóm lợi ích, tức là giữa chính quyền và doanh nghiệp có thể xảy ra nhóm lợi ích. Đây là trở ngại lớn nhất cho phát triển đô thị.

Ở các nước, họ ngăn chặn rủi ro tham nhũng bằng cách đưa người dân tham gia vào giám sát. Luật Đất đai 2013, trong Điều 199 và 200 quy định về người dân tham gia giám sát và đánh giá. Tuy nhiên, tôi cho rằng những điều này vẫn nằm trên giấy.

Tôi cũng cho rằng chúng ta phải thay đổi cách thức, gạt dần tư duy bao cấp để dẫn đường cho phát triển. Tính thân hữu trong các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nêu cao tư duy vì xã hội. Tôi cho rằng doanh nghiệp phải có tư duy mạnh mẽ mới bước qua được lợi ích của mình, vì lợi ích cộng đồng.

Một trong những công cụ giúp minh bạch hiện nay là quản lý đất tại đô thị theo chính quyền điện tử. Số hóa trong quản lý đất đai sẽ giúp người dân giám sát bởi nó ghi lại tất cả dấu vết, ý kiến. Tuy nhiên, đây phải là chính quyền điện tử thực sự chứ không phải vờ vĩnh.

Chính quyền điện tử phát huy cao nhất ở các đô thị bởi đó là không gian tập trung phát triển với mật độ người lớn. Chính quyền điện tử phải được thực hiện ở vùng đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.

Bi kịch đô thị Hà Nội, TP.HCM khi 'quá chiều chuộng nhà đầu tư'

Tại cuộc tọa đàm do Zing.vn tổ chức sáng 3/6, các chuyên gia cho rằng Hà Nội và TP.HCM quá chiều chuộng nhà đầu tư, phá vỡ quy hoạch, dẫn đến những hệ lụy về hạ tầng.


Hiếu Công - Văn Hưng

Ảnh: Hoàng Hà - Video: Duy Anh

Bạn có thể quan tâm