- Để tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nghị viện và nghị sĩ các nước, Quốc hội có tính đến việc ra văn bản chính thức đưa quan điểm của Quốc hội Việt Nam đến nghị viện các nước?
- Thông cáo của Quốc hội đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức, cá nhân, dư luận quốc tế đã đồng tình, ủng hộ Việt Nam.
Chúng ta mong muốn nghị sĩ các nước vì công lý, vì hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, ủng hộ lập trường của Việt Nam và phê phán hành động sai trái của Trung Quốc, có tiếng nói đề nghị Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam.
“Tôi nghĩ rằng đến lúc Trung Quốc cần có thay đổi trong phân tích tình hình, thế giới sẽ nghĩ như thế nào về một đất nước ứng xử như vậy? Chính Trung Quốc phải suy nghĩ, đừng tự mình làm cho thế giới cô lập”, ông Nguyễn Hạnh Phúc. |
- Đã đến lúc chúng ta cần có thêm giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để tăng thêm trọng lượng?
- Chủ trương của của chúng ta là sử dụng các giải pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng ta đang củng cố hồ sơ làm cơ sở khởi kiện các nội dung có liên quan ra toà án quốc tế, nếu Trung Quốc không có động thái rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam thì ta phải có hành động. Chính phủ đang chuẩn bị các hồ sơ chứng lý để sẵn sàng.
- Cá nhân ông tin tưởng chúng ta sẽ thắng lợi khi sử dụng biện pháp pháp lý?
- Tôi tin vào chính nghĩa của Việt Nam, tin tưởng chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý.
- Có thông tin là sẽ có một đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sang làm việc với phía Trung Quốc?
- Không có thông tin về việc này. Lúc này Quốc hội chúng ta đang tiến hành kỳ họp.
- Đã có những vị đại biểu Quốc hội đề nghị củng cố thêm tiềm lực quốc phòng?
- Không chỉ lúc này mà thời nào cũng vậy, chúng ta yêu chuộng hoà bình, muốn có hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, nhưng khi hoà bình và an ninh bị đe doạ thì chúng ta phải sẵn sàng để tự vệ.
- Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn và chúng ra kiên nhẫn đến bao giờ?
- Nếu vì hòa bình, vì độc lập thì phải kiên nhẫn.
- Ông có bình luận gì về phát biểu của Thủ tướng Chính phủ với báo chí quốc tế là không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông?
- Chúng tôi rất đồng tình, phát biểu của Thủ tướng thể hiện quan điểm, lập trường của người đứng đầu Chính phủ. Chúng ta cần nói với thế giới rằng Việt Nam yêu chuộng hoà bình, nhưng chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, chúng ta đã, đang và sẽ có các giải pháp theo đường lối hoà bình và tự vệ.
- Trong chuyến thăm làm việc tại Philippines, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc hội kiến với lãnh đạo Quốc hội nước này, trong đó ông Chủ tịch Hạ viện Philippines cho biết ủng hộ lập trường của Việt Nam và ngay các nghị sĩ gốc Hoa tại Hạ viện Philippines cũng bày tỏ sự phẫn nộ về hành động này của Trung Quốc. Ông có bình luận gì về điều này?
- Như tôi đã nói ở trên là chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức, cá nhân, dư luận quốc tế đã đồng tình, ủng hộ Việt Nam.
Chúng ta yêu chuộng hoà bình, mong muốn có quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và nhân dân Việt Nam. Tôi cũng nghĩ rằng bà con người Hoa ở Việt Nam là công dân Việt Nam, và ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam.
Ngay với những công nhân Trung Quốc sang làm việc ở Việt Nam, nhiều người bày tỏ muốn ở lại Việt Nam để tiếp tục lao động sản xuất.
Diễn biến vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông:
5h22 ngày 1/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (Việt Nam gọi là Hải Dương 981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam.
Đến 16h ngày 2/5, giàn khoan Hải Dương 981 được thả trôi tại toạ độ 15o29’58’’ vĩ bắc - 111o12’06’’ kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động hàng trăm tàu bảo vệ, máy bay... đến vùng biển này. Việc làm này của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Ngày 4/5, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động này và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Phía Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng, trao đổi với phía Trung Quốc về vụ việc trên nhưng phía Trung Quốc vẫn không hợp tác, rút giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Nhiều ngày qua, các tàu của Trung Quốc liên tục tấn công, phun vòi rồng, đâm va nhằm cản trở tàu của cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam thực hiện quyền chấp pháp tại vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam.
Cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích Trung Quốc hiếu chiến khi hạ giàn khoan trái phép tới vùng biển Việt Nam và dùng tàu tấn công tàu Việt Nam.