Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam chi 1 tỷ USD bao mua gần như toàn bộ hạt điều Campuchia

Campuchia trở thành quốc gia sản xuất hạt điều thô lớn thứ 2 thế giới. Còn Việt Nam đã chi hơn 1 tỷ USD để bao mua gần như toàn bộ lượng hạt điều từ quốc gia láng giềng này.

Dẫn báo cáo từ Hiệp hội Hạt điều Campuchia, Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho hay quốc gia này đã trở thành nước sản xuất hạt điều thô lớn thứ 2 thế giới, với tổng sản lượng 830.000 tấn trong 7 tháng năm 2024.

Còn theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, hết tháng 7 năm nay, nước ta đã chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu gần 786.530 tấn hạt điều thô từ Campuchia, tăng mạnh 34,1% về lượng và tăng 26,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Tỷ trọng hạt điều Campuchia chiếm 47,2% kim ngạch nhập khẩu toàn ngành điều của nước ta, tăng 9,6 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, với con số nhập khẩu gần 786.530 tấn, Việt Nam bao mua tới gần 95% sản lượng hạt điều thô của Campuchia trong 7 tháng năm nay.

KIM NGẠCH NHẬP KHẨU HẠT ĐIỀU TỪ CAMPUCHIA VỀ VIỆT NAM

Nhãn7T20237T2024
Sản lượng Nghìn tấn 586.7786.5
Giá trị Triệu USD 801.81013

Những năm gần đây, ngành điều Campuchia phát triển với tốc độ chóng mặt, trở thành nguồn cung lớn nhất cho Việt Nam.

Để thúc đẩy ngành điều phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Cham Nimul mới đây đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ủy ban liên bộ giám sát và đánh giá việc thực hiện Chính sách điều quốc gia 2022-2027.

Chính sách này được đưa ra vào tháng 6 năm ngoái nhằm mục đích phát triển sản xuất, chế biến và tiếp thị hạt điều để có sức cạnh tranh hơn, đảm bảo tính bền vững và đa dạng hóa. Đồng thời, đưa Campuchia trở thành nhà sản xuất và cung cấp hạt điều quan trọng tại địa phương, trong khu vực và trên toàn cầu.

Campuchia đang nỗ lực khẳng định vị thế là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt điều hàng đầu thông qua Chính sách quốc gia về hạt điều giai đoạn 2022-2027. Quốc gia này cũng đặt mục tiêu thúc đẩy sản lượng hạt điều, phát triển các cơ sở chế biến, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đơn giản hóa các chương trình tạo thuận lợi thương mại.

Qua chính sách mới, năng lực xử lý của Campuchia dự kiến tăng từ 5% lên 25% vào năm 2027 và ít nhất 50% vào năm 2032. Tuy nhiên, Campuchia cần đầu tư bổ sung khoảng 329 triệu USD để thực hiện Chính sách điều quốc gia 2022-2027 nhằm phát triển cơ sở hạ tầng.

CƠ CẤU THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU HẠT ĐIỀU CỦA VIỆT NAM

NhãnCampuchiaBờ Biển NgàGhanaThị trường khác
Thị phần % 47.217.210.425.2

Trái ngược Campuchia, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu điều nhân. Trong 8 tháng năm nay, nước ta xuất khẩu khoảng 478.000 tấn điều nhân, thu về hơn 2,77 tỷ USD, tăng 22,9% về lượng và tăng 21,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, chỉ ra nghịch lý nguồn nguyên liệu nội địa phục vụ cho sản xuất chế biến chỉ đáp ứng một phần nhỏ, còn lại phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu, trong đó có lượng lớn hàng từ quốc gia láng giềng Campuchia.

Những năm gần đây, cùng với châu Phi, Campuchia cũng chủ trương phát triển công nghiệp chế biến nội địa, giảm dần xuất khẩu thô. Các nước này đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư các nhà máy chế biến điều; với điều thô xuất khẩu áp quy định và giám sát chặt giá bán tối thiểu; áp mức thuế suất xuất khẩu điều thô cao, nhưng lại miễn thuế cho điều nhân xuất khẩu.

Theo đó, Hiệp hội Điều Việt Nam đã đưa ra cảnh báo nếu nước ta không chủ động được nguồn cung nguyên liệu, vị trí số 1 thế giới có thể bị lung lay.

Lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng trong điều kiện khó gia tăng diện tích, doanh nghiệp ngành điều nước ta có thể hợp tác, khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào, bao gồm cả hợp tác nghiên cứu, chuyển giao giống và kỹ thuật trồng trọt cho nước bạn. Sau đó, các doanh nghiệp sẽ nhập nguồn điều thô này về Việt Nam để chế biến.

Chỉ 3 nhóm hàng xuất khẩu đã mang về hơn 100 tỷ USD cho Việt Nam

Tính đến ngày 15/8, 3 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta đã mang về kim ngạch hơn 100 tỷ USD.

Điều gì khiến 22 tấn sầu riêng bán hết trong 5 phút livestream?

Kỷ lục 22 tấn sầu riêng được “chốt đơn” chỉ trong 5 phút tại một phiên livestream diễn ra gần đây cho thấy sức hấp dẫn của nông sản Việt khi xuất hiện trên nền tảng nội dung số.

Thêm đối thủ mới cho sầu riêng Việt Nam ở Trung Quốc

Cuộc đua giành thị phần xuất khẩu sầu riêng tươi tại Trung Quốc đang khốc liệt hơn bao giờ hết. Không chỉ Malaysia, nước láng giềng Indonesia cũng nhăm nhe "thị trường tỷ dân" này.

https://vietnamnet.vn/viet-nam-chi-1-ty-usd-bao-mua-gan-nhu-toan-bo-hat-dieu-tu-quoc-gia-nay-2320420.html

Theo Tâm An/Vietnamnet.vn

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm