"Việc gia nhập CPTPP của các nền tế có nguyện vọng sẽ được các nước thành viên xem xét, thảo luận trong quá trình thực thi hiệp định", Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt trả lời câu hỏi của Zing tại họp báo thường kỳ chiều 28/5.
"Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao với các cam kết toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nước thành viên và tự do hóa thương mại theo hướng mở dựa trên các luật lệ tại khu vực", ông cho biết.
Nội các Thái Lan đã nhất trí thành lập một ủy ban để xem xét liệu Thái Lan có nên trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay không, trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại việc gia nhập hiệp định này có thể gây tổn hại cho ngành nông nghiệp, theo Reuters.
Ủy ban Hạ viện sẽ lấy ý kiến công chúng về việc tham gia CPTPP, theo Phó phát ngôn Chính phủ Rachada Dhnadirek.
Các nước thành viên CPTPP tại lễ ký kết hiệp định ngày 8/3/2018 tại Santiago, Chile. Ảnh: Reuters. |
“Kết luận của ủy ban sẽ là căn cứ để nội các quyết định việc gia nhập CPTPP. Chính phủ muốn họ (ủy ban) đưa ra quyết định trong vòng 30 ngày”, bà Dhnadirek nói.
Bộ Thương mại Thái Lan trước đó cho biết việc trở thành thành viên của CPTPP sẽ giúp nước này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phần nào bù đắp lại các tác động mà dịch Covid-19 gây ra.
Tuy nhiên, nội các Thái Lan đã gác lại việc đánh giá khả năng này vào cuối tháng trước vì sự phản đối của các chính trị gia, các nhóm xã hội dân sự, những người cho rằng hiệp định sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và y tế.
CPTPP được ký kết ngày 8/3/2018 với 11 thành viên, gồm Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, và Singapore và không có sự tham gia của Mỹ.
Thỏa thuận tiền thân của CPTPP gồm 12 thành viên, gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã bị đổ bể hồi đầu năm 2017 vì Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định.