Theo Reuters, chính phủ Thái Lan hôm 26/5 đã nhất trí thiết lập ủy ban để xem xét khả năng đưa nước này gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau khi xuất hiện nhiều ý kiến phản đối cho rằng việc gia nhập CPTPP sẽ gây tác động tiêu cực đối với nền nông nghiệp của nước này.
Hạ viện Thái Lan dự kiến cũng sẽ lấy ý kiến của công luận về việc tham gia CPTPP, người phát ngôn chính phủ Rachada Dhnadirek thông báo trong một buổi thông tin báo chí.
"Kết luận của ủy ban sẽ rất hữu ích cho chính phủ trong việc quyết định có gia nhập CPTPP hay không, và chính phủ muốn hoàn thành công việc trong vòng 30 ngày", bà Rachada cho biết.
Hiệp định CPTPP gồm 11 thành viên là các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: AP. |
Bộ Thương mại Thái Lan trước đó cho biết nghiên cứu của cơ quan này cho thấy việc tham gia CPTPP sẽ giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của nước này, tạo điều kiện giải quyết những tác động tiêu cực gây ra bởi đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan đã tạm dừng đưa ra quyết định về việc gia nhập CPTPP trong tháng 4 sau khi một số chính trị gia, các nhóm xã hội dân sự và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng lên tiếng phản đối khi cho rằng bộ phận nông nghiệp và chăm sóc y tế Thái Lan sẽ chịu thiệt hại.
CPTPP được ký kết ngày 8/3/2018 gồm 11 thành viên, gồm Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, và Singapore. Trước đó, Mỹ đã rút khỏi văn kiện tiền thân của CPTPP là TPP vào đầu năm 2017 sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.