Ngày 9/1, chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” do Thường trực HĐND TP.HCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông phát số đầu tiên năm 2022.
Tham dự chương trình có Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng và đại diện lãnh đạo các ban, ngành.
5 bước khi nhập cảnh
Trả lời thắc mắc của cử tri Hoàng Thị Lợi về các thủ tục mà khách cần chuẩn bị để nhập cảnh TP.HCM, về quê ăn Tết, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết từ 1/1, Chính phủ cho phép thành phố tiếp nhận các chuyến bay thương mại.
Đối với hành khách chuẩn bị đến TP.HCM, ngành y tế tạm chia 2 giai đoạn. Trước nhập cảnh, bà con cần có xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ, cơ quan thẩm quyền nước sở tại xác nhận; khai báo y tế; xác nhận tiêm đủ liều vaccine. Riêng người từng là F0 cần có giấy xác nhận.
Chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời sáng 9/1. Ảnh: HMC. |
Khi nhập cảnh, bà con phải thực hiện theo 5 bước UBND TP.HCM đã hướng dẫn. Vừa đáp xuống sân bay, bà con phải tạo mã QR cá nhân, bằng cách cài đặt ứng dụng PC-Covid. Bước thứ 2, sau khi khai báo và có mã QR, sân bay tổ chức xét nghiệm nhanh với tất cả hành khách nhập cảnh.
Nếu test nhanh dương tính, hành khách sẽ phải làm xét nghiệm PCR khẳng định và chuyển về Bệnh viện dã chiến số 12, giải trình tự gene. Trường hợp âm tính, bà con được hướng dẫn rời sân bay về nơi cư trú đã đăng ký trước.
Trong quá trình di chuyển, bà con không được dừng dọc đường, bảo đảm 5K. Bước 4, khi đã về, địa phương tiếp tục giám sát, theo dõi. Bước 5, có 2 trường hợp, với hành khách khi về địa phương đã tiêm đủ liều thì chỉ theo dõi sức khỏe tại nhà 3 ngày. Với người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phải cách ly tại nhà 7 ngày, địa phương sẽ làm xét nghiệm trong ngày 3 và 7.
Chuỗi siêu thị mini Tết 0 đồng
Liên quan việc chi hỗ trợ gói hỗ trợ an sinh xã hội 3, theo Nghị quyết 97 của HĐND TP.HCM, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Huỳnh Thanh Khiết cho biết tất cả quận, huyện và TP Thủ Đức đang khẩn trương hoàn tất việc chi gói 3 trước 15/1 theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Từ thông tin này, bà Hoàng Thị Lợi, cử tri quận 1, cho biết người dân quan tâm sau khi kết thúc gói 3 trước 15/1, thành phố có tổ chức chương trình an sinh thêm gói thứ 4, thứ 5 hay không?
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, cho biết các đơn vị phối hợp xây dựng kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội cho bà con từ sớm. Tết Nhâm Dần đến với bà con trong điều kiện khó khăn hơn do phải chống dịch thời gian dài.
Ban thường trực và trung tâm an sinh có đặt ra yêu cầu, cố gắng không để sót người dân cần chăm lo, đảm bảo không để người dân quá khó khăn nhưng không được quan tâm. Trên cơ sở vận động các doanh nghiệp, trung tâm an sinh phối hợp với các đơn vị hỗ trợ thêm chứ không thể như gói 1, 2, 3.
Cùng với chính quyền, hệ thống MTTQ các cấp dự kiến huy động hơn 200.000 suất quà trị giá 200 tỷ đồng. Đơn vị cũng tiếp tục vận động xã hội hóa, chuẩn bị hỗ trợ trên 40.000 phần quà trị giá hơn 46 tỷ đồng. Như vậy, so với năm ngoái, số tiền chăm lo cho người dân tăng hơn 21 tỷ đồng.
Người dân TP.HCM đi mua sắm chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Theo ông Khiết, đơn vị cũng tiếp tục quan tâm, chăm lo đoàn viên, hội viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vé xe cho công nhân, sinh viên về quê ăn Tết, hỗ trợ trẻ em, người khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo, chăm lo thương binh, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Tuấn cho biết năm nay, đơn vị cũng phối hợp chăm lo hơn 2.000 trẻ mồ côi và hơn 800 người già neo đơn trên địa bàn. Đối với người khó khăn tại các xóm trọ, ban thường trực phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức chuỗi siêu thị mini Tết 0 đồng, từ ngày 8/1 đến 21/1.
“Người dân sẽ đến chọn sản phẩm ngày Tết yêu thích, mỗi phần quà trị giá 400.000 đồng, tổng cộng hơn 9,5 tỷ đồng”, ông Phạm Minh Tuấn thông tin.
Chuẩn bị lượng hàng Tết hơn 19.000 tỷ đồng
Bà Huỳnh Thị Đẹp, cử tri quận 3, thắc mắc những ngày gần đây, giá cả thị trường về rau củ, thịt, cá đều tăng. Chính quyền có biện pháp nào để kiểm soát giá cả thị trường nhưng vẫn đảm bảo sự đa dạng hàng hóa.
Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết công tác chuẩn bị lượng hàng trên địa bàn hiện khá lớn, hơn 19.000 tỷ đồng. Với số lượng này, thành phố hoàn toàn đảm bảo cung ứng kịp thời, chi phối giá cả thị trường.
Ngoài ra, sở cũng có kế hoạch phối hợp với các doanh nghiệp bình ổn giá thị trường đối với các mặt hàng quan trọng như gia súc, gia cầm, trứng, thịt…
Theo ông Phương, thời gian dịch bệnh, chuỗi cung ứng có gặp khó khăn khi các chợ truyền thống tạm dừng hoạt động. Nguồn rau củ trở nên khan hiếm. Tuy nhiên, các nhà vườn đã có thành phẩm cung ứng, người dân không cần quá lo lắng.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Sài Gòn Co.op, cho biết việc chăm lo Tết cho người dân là hoạt động trọng tâm của đơn vị. Hiện, Sài Gòn Co.op đã chuẩn bị trên 5.000 tỷ đồng lượng hàng cho Tết Nhâm Dần 2022. Trong đó, nhóm hàng bình ổn đã được dự trữ gấp 2-3 lần bình thường. Do đó, với sự tham gia của Sài Gòn Co.op cùng với các đơn vị bán lẻ khác trên địa bàn, thành phố hoàn toàn có thể cung ứng lượng hàng đầy đủ cho người dân.
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng (trái). Ảnh: HMC. |
Thông tin về tình hình thưởng Tết Nhâm Dần 2022, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết theo báo cáo của các doanh nghiệp, sở nhận thấy mức thưởng cao thường rơi vào các doanh nghiệp thuộc ngành điện, điện tử, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin… Các doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, sử dụng lao động giản đơn thường có mức thưởng thấp.
Ông Khiết cho hay sở cũng ghi nhận trên 50% doanh nghiệp gặp khó khăn về kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Nguyên nhân chính là ảnh hưởng dịch suốt một năm qua dẫn đến hiệu quả của đơn vị giảm sút. Các doanh nghiệp đã rất cố gắng đảm bảo thưởng Tết cho người lao động theo thỏa thuận.
“Ngoài ra, các doanh nghiệp còn hỗ trợ người lao động bằng nhiều hình thức thiết thực như xe đưa đón về quê ăn Tết, thăm, tặng quà để giúp người lao động có Tết sum vầy”, ông Huỳnh Thanh Khiết nói.
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay để chuẩn bị chu toàn cho Tết Nhâm Dần 2022, thành phố tập trung vào 2 việc. Một là rà soát đảm bảo đầy đủ chính sách hỗ trợ lực lượng tuyến đầu. Thứ 2, thành phố tổ chức chăm lo các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, trạm y tế… các đơn vị chung tay hỗ trợ thành phố đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, thành phố dành ra 900 tỷ đồng dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Để chuẩn bị tốt điều kiện cho người dân mừng năm mới, lãnh đạo TP yêu cầu các cấp, ngành địa phương thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch; thực hiện tốt các chính sách chăm lo cho người dân; chi trả lương thưởng sớm để người dân chủ động mua sắm; bảo đảm an toàn các hoạt động lễ hội; kiểm dịch tại sân bay, bến xe…
Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện đầy đủ chính sách thăm hỏi, chăm lo các đối tượng, đảm bảo mọi người, mọi nhà được vui xuân, đón Tết.
Sau nhiều tháng duy trì dịch ở cấp độ 2, hiện TP.HCM lần đầu trở thành vùng xanh (cấp độ 1). Trong đó, chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ cho thấy kết quả khả quan. Số ca tử vong tại TP.HCM hôm 7/1 chỉ còn 18 trường hợp, trong đó 11 ca của TP.HCM, 7 ca chuyển từ tỉnh đến thành phố.
Đến nay, TP.HCM đã tiêm hơn 2,3 triệu mũi 3 vaccine ngừa Covid-19. Dự kiến trước Tết Nhâm Dần 2022, TP.HCM hoàn thành việc tiêm liều nhắc lại cho người trên 18 tuổi.