Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Viết di chúc vì sợ khủng bố, quan chức Afghanistan thoát chết thần kỳ

Cựu giám đốc tình báo Afghanistan Amrullah Saleh đã sống sót thần kỳ sau vụ tấn công kéo dài 7 giờ đồng hồ của Taliban, mở đầu bằng vụ nổ bom xe và hàng loạt kẻ đánh bom liều chết.

Ngay từ trước khi nhận được thông tin tình báo cụ thể về vụ khủng bố nhằm vào mình, ông Amrullah Saleh đã có linh cảm rằng Taliban sẽ sớm tìm đến ông. Vì vậy, ông bắt đầu viết di chúc, theo New York Times.

Là cựu giám đốc tình báo Afghanistan với quan điểm kiên quyết chống Taliban, ông Saleh đứng ở top đầu danh sách trừ khử của phiến quân này trong thời gian dài. Giờ đây, Taliban có thêm lý do để nhắm đến ông: Ông Saleh chuẩn bị khởi động chiến dịch tranh cử với tư cách là ứng viên phó tổng thống của Tổng thống Ashraf Ghani.

quan chuc Afghanistansong sot sau khung bo Taliban anh 1
Cựu giám đốc cơ quan tình báo Afghanistan Amrullah Saleh. Ảnh: New York Times.

Khoảng một tuần trước, ông Saleh bắt đầu viết bản di chúc dài bốn trang, hướng dẫn chi tiết cho vợ và 5 đứa con của mình cách xử lý thông tin về cái chết của ông, cũng như cách lấy được khoản tiền tiết kiệm.

Ông Saleh tin rằng ông "không thể sống sót nổi lần này". 

7 giờ đồng hồ kinh hoàng

Cuộc tấn công khiến ông lo sợ xảy ra vào ngày 28/7. Đó là ngày đầu tiên phát động chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Saleh và Tổng thống Ghani xuất hiện tại cuộc mít tinh với an ninh được thắt chặt ở Kabul, thủ đô Afghanistan.

Ngay khi ông Saleh đến trụ sở làm việc, ông được "chào đón" bởi một quả bom xe khổng lồ. Tiếp theo là nửa tá kẻ đánh bom tự sát trèo vào văn phòng của ông trên tầng bốn.

Trong gần 7 giờ đồng hồ kinh hoàng sau đó, khoảng 30 người đã thiệt mạng, bao gồm 20 người là khách mời và đồng nghiệp lâu năm bên cạnh ông Saleh. 

Cựu giám đốc cơ quan tình báo trốn thoát khỏi trận chiến kéo dài 50 phút với quân nổi dậy từ tầng thượng tòa nhà, nơi cất giữ vũ khí.

"Chúng đến để giết tôi bằng bất cứ giá nào, và chúng đã triển khai mọi việc hoàn hảo. Tôi sống được là nhờ có Thượng đế cứu giúp, là ý Thượng đế, và có thể nhờ một chút từ nền tảng tình báo của tôi. Tôi cảm thấy run rẩy, nhưng càng có quyết tâm chiến đấu hơn", ông nói.

quan chuc Afghanistansong sot sau khung bo Taliban anh 2
Cuộc tấn công mở đầu bằng vụ nổ bom ôtô bên ngoài trụ sở của ông Saleh. Ảnh: New York Times.

Ông Saleh, 46 tuổi, từng sống sót qua nhiều cuộc khủng hoảng: từ tấn công liều chết đến phục kích và nhiều năm bị cô lập chính trị. Khi còn nhỏ, ông là trẻ mồ côi và bị bỏ rơi.

Ông đạt được vị trí cao trong hệ thống chính trị khi Afghanistan đang trải qua giai đoạn khó khăn và bấp bênh. Hàng loạt vụ giết người liên tiếp xảy ra, trong khi đó tình hình trở nên ngày càng khó khăn cho Mỹ để dàn xếp cục diện chính trị thông qua đàm phán.

Những vụ tấn công liên tiếp làm dấy lên lo ngại cuộc bầu cử vào tháng 9 sắp tới có thể bị trì hoãn. Taliban đang kiểm soát nhiều vùng nông thôn rộng lớn. Tại các trung tâm đô thị, phiến quân Taliban, cũng như binh sĩ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đang tiến hành các cuộc tấn công liều chết.

Khủng hoảng chính trị phủ bóng bầu cử

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, các ứng cử viên và cử tri cũng hết sức thận trọng. 

Hôm 29/7, ngày thứ hai của chiến dịch tranh cử, không ai trong số 18 ứng cử viên tổ chức sự kiện công khai. 

Không chỉ do tình trạng bạo lực, cử tri Afghanistan cũng cảm thấy chán nản vì nhiều vấn đề khác, trong đó có khủng hoảng chính trị xuất phát từ cuộc bầu cử gây tranh cãi trước đây.

Một số nhà ngoại giao lo ngại rằng nếu tình trạng bầu cử gian lận tiếp diễn, Afghanistan sẽ trở nên yếu thế trong các cuộc đàm phán với Taliban. Đội ngũ của ông Ghani, bao gồm cả ông Saleh, cho rằng chỉ có chính phủ được quần chúng ủy nhiệm thông qua bầu cử mới có thể đàm phán với Taliban.

quan chuc Afghanistansong sot sau khung bo Taliban anh 3
Cầu thang dẫn lên văn phòng ông Saleh ở tầng 4. Ảnh: New York Times.

Rangin Dadfar Spanta, cựu cố vấn an ninh quốc gia làm việc dưới thời ông Saleh là giám đốc cơ quan tình báo, cho biết ông Saleh là mục tiêu hàng đầu vì "quan điểm cực đoan" chống lại Taliban và chống lại cơ quan tình báo Pakistan, cơ quan bị cáo buộc ủng hộ Taliban.

"Ông ấy là nhân vật hiếm có trong lĩnh vực an ninh của chúng tôi: một người có hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm lâu năm, từ thời kháng chiến chống Taliban và sau đó là giám đốc cơ quan tình báo", ông Spanta nói.

Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cho rằng chính quan điểm cứng nhắc của ông Saleh với Taliban là trở ngại vào thời điểm cuộc chiến chỉ có thể kết thúc thông qua thỏa hiệp. Và việc ông phủ nhận mức độ kiểm soát của Taliban từng làm dấy lên nhiều lời chế giễu.

"Gửi tới những người cho rằng các nhóm khủng bố đã kiểm soát gần một nửa Afghanistan, hãy đến văn phòng tôi ở Kabul và cùng chúng tôi tham quan đất nước này bằng đường bộ, bằng máy bay, bằng xe đạp, cưỡi ngựa và đi bộ. Những thông tin giả và sai sự thật này chủ yếu do những kẻ lừa đảo, đặc vụ và kẻ ngốc lan truyền", ông Saleh viết trên Twitter.

Cuộc tẩu thoát thần kỳ

Khi quả bom trong ôtô phát nổ ngoài văn phòng của ông Saleh tại Kabul tối 28/7, cựu giám đốc cơ quan tình báo đang có cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Baghlan. 

Sức công phá của vụ nổ quá mạnh, thổi tung cả cửa sổ và đồ đạc, trong khi đó những kẻ tấn công tiến lên cầu thang trên tầng bốn, còn ông Saleh vẫn chưa hiểu chuyện gì vừa xảy ra.

quan chuc Afghanistansong sot sau khung bo Taliban anh 4
Trụ sở làm việc của ông Saleh trở thành bãi chiến trường sau cuộc tấn công kéo dài 7 giờ đồng hồ. Ảnh: New York Times.

Ông cùng các trợ lý đi qua lối thoát hiểm và tiến về phía mái nhà để lấy vũ khí. Lực lượng đặc nhiệm Afghanistan cũng đến hiện trường và tham gia trận chiến.

Các vệ sĩ còn sống sót của ông Saleh bảo vệ tòa nhà liền kề và đặt thang về phía ông cho ông trèo qua.

Tuy nhiên, nhóm phiến quân Taliban đã đến văn phòng. Từ cửa sổ nhỏ, làn đạn hướng về chiếc thang giữa hai tòa nhà. Được vệ sĩ chống trả và yểm trợ, ông Saleh cùng đồng nghiệp trốn thoát đến tòa nhà tiếp theo.

Sáng hôm sau, trụ sở của ông là một bãi chiến trường đẫm máu. 

Trên hành lang, bức ảnh cháu gái ông Saleh nằm dưới lớp bụi và kính vỡ.

Trong văn phòng, quyển sổ ghi chú màu vàng nằm dưới sàn nhà, nhuốm máu một trong những đồng nghiệp bị bắn chết của ông Saleh. Trên cửa sổ phòng bên cạnh là đôi giày và mũ của một trong những vị khách không kịp chạy thoát.

"Sáng nay, chúng tôi đến văn phòng và tìm thấy thi thể Haseeb dưới cánh cổng bọc thép. Chúng tôi nghĩ rằng vì anh ấy đứng quá gần chiếc xe phát nổ nên có thể không tìm được thi thể. Nhưng chúng tôi vẫn tìm được anh ấy", Fahim Fetrat, em họ ông Haseeb, một trong những vệ sĩ của ông Saleh, nói.

Nỗi đau sau vụ khủng bố

Đêm đó, ông Saleh thức trắng để giúp chuẩn bị hậu sự cho những đồng nghiệp của mình.

Các thi thể được đưa đến nhiều nghĩa trang trên khắp Kabul, cũng như các tỉnh ở phía bắc và phía đông. Một số cận vệ của ông Saleh được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ huấn luyện trong nhiều tháng. Ba người trong số họ được chôn cất ở nghĩa trang phía bắc Kabul.

quan chuc Afghanistansong sot sau khung bo Taliban anh 5
Mộ của nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố. Ảnh: New York Times.

Ông Saleh kể lại khi ông đến bệnh viện lúc 2h sáng, một trong những người thân của đồng nghiệp qua đời đã tức giận đến mức tát vào mặt ông.

"Tôi đã kéo anh ta lại và nói 'Đánh tôi nữa đi', và anh ta đánh tôi thêm lần nữa", ông Saleh nói.

Cựu giám đốc tình báo yêu cầu các vệ sĩ của mình lùi lại và nói rằng ông có thể hiểu được nỗi đau này: Người thân yêu của anh ta đã chết, trong khi ông Saleh vẫn còn sống.

Sau đó, ông hỏi chàng trai trẻ rằng liệu cái chết của ông có đủ làm dịu nỗi đau của anh ta không, và người kia nói có. "Tôi đã rút khẩu súng lục của mình ra, nạp đạn và đưa nó cho anh ta", ông Saleh nói.

Chàng trai ngập ngừng và trả lại khẩu súng. Một người thân khác của nạn nhân bước tới, túm cổ áo ông Saleh và đánh ông.

"Tôi đã nói với các vệ sĩ của mình rằng không được chạm vào bất cứ ai đánh tôi ở đây. Họ có quyền làm như vậy. Chúng ta cần phải cho họ câu trả lời về những gì đang diễn ra ở đất nước này", ông Saleh nói.

Các phe phái Afghanistan hoàn thành đàm phán hòa bình với Taliban

Một số nhân vật quyền lực ở Afghanistan hoàn thành quá trình đối thoại kéo dài hai ngày với lực lượng Taliban ở Doha, Qatar, đặt nền móng cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Trump: Có thể thắng nhanh Afghanistan nhưng tới 10 triệu người sẽ chết

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông có thể giành chiến thắng cuộc chiến Afghanistan trong một tuần nhưng không muốn xóa sổ đất nước này và khiến 10 triệu người chết.

Hương Ly

Bạn có thể quan tâm