Tại sao không?
Từ ngày lứa HAGL xuất sơn hồi năm 2015, hiếm có cầu thủ JMG nào rời CLB dù chỉ theo dạng cho mượn. Và càng khó có khả năng họ tới một đội bóng thuộc bầu Hiển, đối thủ được cho là không đội trời chung với bầu Đức trên bản đồ bóng đá Việt Nam.
Nhưng nếu gạt chuyện bên lề đó sang một bên, nếu Tuấn Anh về Hà Nội thì sao? Đó rõ ràng là viễn cảnh cực kỳ thú vị với người hâm mộ, là ngày cặp tiền vệ trung tâm của tuyển Việt Nam cùng chung một màu áo tại V.League.
Hùng Dũng (16), Tuấn Anh (14) cùng theo kèm Chanathip Songkrasin ở trận Thái Lan - Việt Nam hồi tháng 9. |
Lời giải cho tuyến giữa của đội bóng thủ đô
Kể từ khi “tìm” thấy Đỗ Hùng Dũng ở Asian Games 2018 trên đất Indonesia, HLV Park Hang-seo đã thực hiện vô số thử nghiệm nhằm chọn ra người đá cặp thích hợp nhất với Hùng Dũng ở đội tuyển Việt Nam.
Xuyên suốt AFF Cup, Asian Cup tới King’s Cup, ông đã lần lượt thử nghiệm Lương Xuân Trường, Phạm Đức Huy, Nguyễn Huy Hùng. Trước khi Tuấn Anh xuất hiện, 3 cầu thủ này đã thay phiên nhau đá cặp với Hùng Dũng. Mỗi người sẽ vào sân tùy theo tình hình và nhu cầu chiến thuật khác nhau. Sau nhiều thử nghiệm, chưa ai trong số họ thực sự khiến ông Park hài lòng.
Cùng thời điểm với cuộc tìm kiếm của thầy Park ở tuyển Việt Nam, CLB Hà Nội cũng đối diện bài toán tương tự. Sau khi được đôn lên từ đội Hà Nội (cũ), Hùng Dũng nhanh chóng chứng minh giá trị và trình độ vượt trội của mình. 4 năm liền ở đội bóng thủ đô, anh chỉ vắng mặt 7 lần tại V.League.
Giống như tuyển Việt Nam, CLB Hà Nội cũng rất muốn tìm một người đá cặp cùng đẳng cấp với Hùng Dũng. Từ Victor Ormazabal tới Moses Oloya, từ Đỗ Duy Mạnh, Đức Huy tới Trương Văn Thái Quý, tất cả đều đã được thử nghiệm. Chưa ai thực sự khiến họ hài lòng.
Ông Park từng thử nghiệm nhiều người đá cặp với Hùng Dũng trước khi chọn được Tuấn Anh. |
Phải tới khi Tuấn Anh xuất hiện, vấn đề ở tuyến giữa tuyển Việt Nam mới được giải quyết. 5 trận tại vòng loại World Cup, Tuấn Anh - Hùng Dũng 4 lần đá cặp với nhau. Lần duy nhất bộ đôi này không cùng ra sân là khi Tuấn Anh chấn thương ở trận gặp Indonesia. 4 trận có họ, tuyển Việt Nam bất bại, dẫn đầu bảng đấu có UAE và Thái Lan. Trước đó, Tuấn Anh - Hùng Dũng cũng chơi cực hay khi tuyển Việt Nam thắng Thái lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ ở King’s Cup.
Các thống kê chưa thể phản ánh chính xác mọi thứ. Nhưng tại Asian Cup, khi Tuấn Anh chưa xuất hiện, ông Park đã 4 lần thay đổi người đá cặp với Hùng Dũng chỉ sau 5 trận. Cũng 5 trận ấy, tỷ lệ thắng của tuyển Việt Nam chỉ là 40%.
Không thể phủ nhận ảnh hưởng tích cực mà cặp đôi Hùng Dũng - Tuấn Anh đã mang tới cho đội tuyển. Sẽ ra sao nếu họ cũng mang lại điều đó cho CLB Hà Nội?
Nhiều thay đổi của ông Park ở tuyển Việt Nam đã được áp dụng lại thành công tại CLB Hà Nội. |
Lợi cả đôi đường
Với CLB Hà Nội và Tuấn Anh, một sự kết hợp có thể mang tới những giá trị mới cho cả đôi bên.
CLB Hà Nội sẽ tìm được người đá cặp ăn ý với Đỗ Hùng Dũng. Đây sẽ không phải là lần đầu, đội bóng thủ đô hưởng lợi từ các thay đổi tầm cao của tuyển Việt Nam. Ông Park là người kéo Duy Mạnh về vị trí trung vệ trước khi anh chuyển hẳn về vị trí này ở đội bóng thủ đô. Ông cũng là người đầu tiên đưa Duy Mạnh, Đình Trọng vào chơi cùng nhau trước khi CLB Hà Nội triệu hồi Đình Trọng hồi đầu mùa 2018.
Có Tuấn Anh, CLB Hà Nội cũng sẽ tăng thêm số nội binh trong đội hình. Tiền vệ của HAGL vừa là một cầu thủ giỏi, vừa ăn ý, hợp cạ với nhiều đồng đội mới do có quãng thời gian dài gắn bó cùng nhau từ U19 tới tuyển Việt Nam.
Có Tuấn Anh, đội bóng thủ đô có lẽ không cần hy sinh một suất ngoại binh cho vị trí tiền vệ giữa. Họ sẽ có điều kiện tăng cường nhân sự cho trung tâm hàng thủ hoặc hàng công - những vị trí đòi hỏi các ngoại binh chất lượng.
Mùa trước, một trong những lý do khiến đại diện thủ đô hụt hơi ở sân chơi châu lục nằm ở chất lượng ngoại binh. Sau sự ra đi của Hoàng Vũ Samson và chấn thương của Oseni Bolaji, nhà vô địch V.League chỉ còn Pape Omar đáng tin trên hàng công. Tân binh được kỳ vọng Papa Ibou Kebe thể hiện không xứng tầm cả ở mặt trận trong nước và châu Á với chỉ 5 bàn sau 18 trận.
Tuấn Anh đối đầu CLB Hà Nội trong một trận cầu ở V.League. |
Nếu yên tâm hơn với vị trí tiền vệ trung tâm, đội bóng thủ đô có thể tăng cường nhân sự cho hai vị trí này. Nên nhớ, tại châu Á, các CLB mạnh đều có lực lượng ngoại binh hùng hậu. Thất bại của đại diện Việt Nam trước Shandong Luneng có cựu tuyển thủ Italy Graziano Pelle tại vòng sơ loại AFC Champions League là một ví dụ.
Với Tuấn Anh, đến CLB Hà Nội cũng có thể tạo ra bước ngoặt trong sự nghiệp của anh. Con đường đại diện thủ đô đang đi theo một hướng hoàn toàn khác với con đường HAGL của bầu Đức. Cho tới thời điểm này, lựa chọn của bầu Hiển và bộ sậu có vẻ đúng đắn hơn. Đoàn Văn Hậu mới là cầu thủ đầu tiên của CLB Hà Nội xuất ngoại nhưng ấn tượng tạo được đã có phần mạnh mẽ hơn ba cái tên trước đó của Gia Lai.
Bản thân CLB Hà Nội, với vị thế của đội mạnh nhất Việt Nam, đã liên tục có mặt ở sân chơi châu Á nhiều năm qua, cũng chứng minh rằng họ đủ khả năng nuôi dưỡng các tài năng mà chưa cần tới xuất ngoại. Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh hay chính Hùng Dũng là những ví dụ điển hình.
Viễn cảnh Tuấn Anh đá cặp với Hùng Dũng tại CLB Hà Nội rõ ràng là thứ đáng để chờ đợi dù nó khó xảy ra.