Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việc lương thấp đẩy phụ nữ vào cảnh nghèo khó

Phụ nữ có xu hướng được trả lương thấp hơn. Nhưng đây không phải là lựa chọn của họ. Chính là công việc lương thấp đã chọn phụ nữ chứ không phải ngược lại.

binh dang gioi anh 1

Hình minh họa: Tima Miroshnichenko/Pexels.

Một số người nói rằng việc phụ nữ bị dồn vào những công việc trả lương thấp là do họ tự lựa chọn. Nhưng đó quả là kiểu lựa chọn khôi hài khi mà thực tế chẳng cho họ phương án nào khác, nếu không thì họ sẽ phải bỏ bê con cái nhà cửa.

Dù sao chăng nữa, dữ liệu điều tra dân số trong 50 năm của Mỹ chứng minh rằng khi phụ nữ tham gia đông đảo vào một ngành nào đó thì ngành ấy sẽ hạ thấp mức lương và mất đi “danh giá”. Điều này cho thấy chính là công việc lương thấp đã chọn phụ nữ chứ không phải ngược lại.

Kiểu lựa chọn như nhét vào tay này đang đẩy phụ nữ vào cảnh nghèo khó. Một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ ra rằng những quốc gia có chênh lệch mức lương theo giờ giữa nam và nữ cao đáng kể thường là những nơi phụ nữ phải dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc gia đình không lương nhiều hơn so với đàn ông.

Ở Anh, phụ nữ chiếm 61% trong số những người có thu nhập dưới mức đủ sống và Viện Nghiên cứu Tài chính đã phát hiện ra rằng trong khoảng 12 năm sau khi sinh con, khoảng cách lương giữa nam và nữ xa dần, lên đến 33%; đồng thời, sự nghiệp của phụ nữ - và mức lương của họ - giậm chân tại chỗ.

Dữ liệu từ Pháp, Đức, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy rằng ngay cả khi nhà nước có các khoản trợ cấp xã hội để công nhận đóng góp của nữ giới trong công việc chăm sóc không lương của họ, phụ nữ vẫn kiếm được ít hơn đàn ông từ 31% đến 75% trong suốt cuộc đời của họ.

Tất cả những điều này đẩy phụ nữ phải đối mặt với cảnh nghèo đói cùng cực khi về già, một phần vì thu nhập ít ỏi không cho phép họ tiết kiệm. Nhưng ngoài ra, đó còn là do các chính phủ khi thiết kế các chương trình lương hưu đã không tính đến việc thu nhập cả đời của phụ nữ thường thấp hơn đàn ông.

Đây không hẳn là lỗ hổng dữ liệu, bởi vì hầu hết mọi quốc gia đều có sẵn dữ liệu này. Nhưng việc thu thập dữ liệu sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu các chính phủ không dùng đến nó. Và thường thì họ không dùng.

Dựa trên sự tư vấn chủ yếu từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, hai thập kỷ qua chúng ta đã chứng kiến cuộc dịch chuyển ngày càng phổ biến từ bảo hiểm xã hội sang các chương trình tài khoản vốn cá nhân (thường do tư nhân quản lý).

Các khoản lương hưu mà một người nhận được tính trực tiếp dựa trên đóng góp của họ trong quá khứ và theo số năm mà người đó dự kiến sẽ nhận trợ cấp.

Cách tính này đồng nghĩa với việc phụ nữ sẽ phải chịu thiệt vì: họ thường phải bớt ra thời gian để làm công việc chăm sóc gia đình không lương; nghỉ hưu sớm (đây vẫn là yêu cầu về pháp lý ở một số quốc gia và ngành nghề); và họ thường sống lâu hơn đàn ông.

Các nước Brazil, Bolivia và Botswana đã có đối sách cho tình trạng này. Những quốc gia này có chương trình lương hưu bao phủ gần như toàn dân và có khoảng cách giới hẹp hơn “nhờ triển khai rộng rãi các dạng lương hưu không dựa trên năm đóng góp”.

Phụ nữ ở Bolivia được ghi nhận một năm đóng góp lương hưu đối với mỗi đứa con của họ, áp dụng tối đa đến ba con. Điều này dẫn đến một lợi ích phụ (và cũng là một giải pháp lâu dài hơn cho vấn đề nghèo đói ở phụ nữ) là các khoản lương hưu cho người chăm sóc chính trong gia đình đã tạo động lực cho nam giới đảm nhận nhiều phần việc không lương này hơn.

Điều này đặt ra câu hỏi: công việc không lương của phụ nữ bị đánh giá thấp bởi vì chúng ta không thấy nó - hay chúng ta không thấy nó bởi vì chúng ta đánh giá thấp nó?

Caroline Criado Perez/NXB Phụ nữ & Huy Hoàng

SÁCH HAY