Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việc làm quan trọng trong ngày Tết của người Việt

Mấy ngày Tết, trên bàn thờ lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Con cháu mời ông bà và những người thân đã khuất về nhà đón năm mới. Đây cũng là dịp để các gia đình lễ tạ thần linh.

Bac Ky an tuong anh 1

Ngày Tết là dịp để con cháu bày tỏ lòng thành tới tổ tiên thông qua việc cúng lễ. Ảnh: Đ.N.

Ngày Tết, đó là ngày của bình yên, khoan hòa, và sẽ là khó coi nếu trách móc ai đó hoặc buông ra những lời nóng nảy; tất cả cần phải vui vẻ và trang nghiêm. Cuối cùng, tôi nhớ lại buổi sáng ngày Tết nọ, hồi tôi mới đến Bắc Kỳ, khi tôi đi dạo ở nông thôn trong vùng phụ cận Lạch Tray, Hải Phòng, lần đầu tiên tôi trông thấy những cây nêu đung đưa những khóm lá xanh được trang trí vui mắt, với tiếng leng keng khe khẽ của những cái “khánh”[1].

Tôi vẫn chưa biết ý nghĩa, nhưng điều đó thật hay ho ở chốn thôn quê có phần tẻ nhạt, làm vơi đi sự ảm đạm của mùa đông, đến nỗi tôi có cảm tưởng rằng trong những lều tranh được chúng bảo vệ kia, những con người trở nên hạnh phúc.

Cây nêu, cây tre cao được dóc bớt cành, chỉ trừ lại một khóm lá trên ngọn, được trồng ngay trước nhà hôm giáp Tết.

Trên khóm lá xanh, người ta buộc những con cá nhỏ, những chiếc khánh bằng đất nung phát ra âm thanh, những cờ đuôi nheo màu đỏ, các cành cây gai để xua đuổi tà ma, đồ cúng dành cho các vong hồn và những món trang trí linh tinh mang tính biểu tượng khác.

Trong đêm của Tết, người ta làm một lễ hiến sinh để cúng Ngọc Hoàng Thượng Đế và các vị Táo Quân đã trở lại hạ giới sau khi lên trời trình báo việc trong năm. Ở các vùng nông thôn, các bàn thờ chất đầy đồ cúng, sáng rực, được đặt giữa sân và trong khi khói hương nghi ngút bốc lên bầu trời lạnh lẽo, vang lên tiếng pháo nổ chào mừng sự khởi đầu của năm.

Đó chính là Giao Thừa, sự chuyển giao năm cũ sang năm mới. Đa số các doanh nghiệp lớn, các cửa hàng Âu hóa và tất nhiên là tất cả các hãng buôn An Nam đều tuân thủ việc nghỉ phép. Sau vài ngày hoạt động hối hả trước Tết thì đột nhiên là sự tuyệt đối tĩnh lặng và yên ả.

Đêm Giao Thừa, nhà nào nhà nấy cửa đóng then cài và mọi người bận rộn trong nhà với những việc sửa soạn cuối cùng, phố xá vắng tanh và những bước chân của tôi vang lên xa lạ giữa thành phố “chết”. Thế rồi, trong đêm giá rét căm căm, những tiếng pháo đầu tiên vang lên, và đến sáng, tôi nghe thấy tiếng pháo vẫn đì đẹt, thi thoảng bị cắt ngang bởi tiếng nổ của một quả pháo cối.

Bac Ky an tuong anh 2

Cuốn sách Bắc Kỳ - Phong cảnh ấn tượng của tác giả Hilda Arnhold. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Qua cửa sổ để mở, tôi ngửi thấy mùi thơm của những cây xoài đương hoa ở Văn Miếu lẫn với mùi của thuốc pháo và hương thơm phảng phất khắp thành phố trong những ngày tết nhất này.

Cuối cùng, khoảng mười giờ sáng, những nhóm người đầu tiên đi chúc Tết bắt đầu ra khỏi nhà, và ngay đầu giờ chiều, các con phố đã kín những đám đông người mặc quần áo Tết: các gia đình đông đủ với lũ trẻ đủ mọi lứa tuổi, cổ rụt lại và đĩnh đạc trong chiếc áo dài mới xinh xẻo, các toán thanh niên sôi nổi, các tốp thiếu nữ mặc “cái áo” với những sắc màu sặcsỡ, đầu tóc chải chuốt kĩ càng và mặt thoa phấn.

Mặc dù lạnh giá và bầu trời xám xịt, ta vẫn nhìn thấy biết bao niềm vui và sự vô lo trên những gương mặt ấy đến nỗi ta phát ghen với người An Nam về ngày lễ thần kì này, nó mang đến cho họ trong vài ngày ảo ảnh rằng hạnh phúc là có thật.

Ngày đầu tiên của năm, người ta cũng thường đi thăm viếng đền chùa để các thần linh phù hộ cho. Ở đền Trấn Vũ, dưới những cây xoài thơm ngát, các tín đồ đội đồ cúng vào ra trong khi những người bán hàng rong bán bánh kẹo và hoa ở ngoài sân.

Và trong cái khung được tạo ra từ những cột cao nhìn ra hồ Tây, đám đông đa sắc màu ấy tạo thành một bức tranh họa đồ tuyệt diệu mà không một cây bút lông nào tả xiết, càng không có ngôn từ nào có thể miêu tả được không khí vui tươi dân dã rung động âm thầm dưới vẻ thành kính hòa lẫn với sợ hãi mà sự hiện diện của các đấng thần linh đã khơi lên.

Ngày tiếp theo, lại tiếp tục suốt cả ngày những cuộc thăm hỏi, các nghi lễ trong gia đình, tiếng pháo nổ và cứ như vậy trong nhiều ngày nữa. Ở thôn quê, ngày Tết diễn ra ấm cúng hơn và niềm vui cũng hồn hậu hơn, và biết bao nhiêu người An Nam tiếc rằng những đòi hỏi của đời sống hiện đại không cho phép họ quay trở về quê cha đất tổ, nơi toàn thể gia đình được sum vầy trong sự phù hộ của tổ tiên.

Ngày xưa, các ngày lễ và kì nghỉ Tết thường kéo dài nhiều tuần, gần như hết cả tháng Giêng, và nếu như không có gì là xấu khi vì lợi ích chung nên giảm bớt ngày lễ tết theo tỉ lệ phải chăng, thì đừng nên quên rằng lễ tết là cơ sở tồn tại thân tộc của người dân An Nam, và cần phải tôn trọng những truyền thống nơi biết bao con người không chỉ tìm thấy niềm vui và niềm hạnh phúc trong vài ngày lễ tết, mà nhất là còn tìm thấy“niềm tin vào cuộc đời luôn được đổi mới mà đôi khi họ rất cần trong một đời sống thường khó khăn và bấp bênh”.

[1] Một vật có hình dạng giống như mỏ neo, bằng đá hoặc đất nung... phát ra âm thanh; người ta cũng làm những cái khánh bằng vàng, xà cừ, bạc.

Hilda Arnhold/ NXB Kim Đồng

SÁCH HAY