Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việc cấm bán rượu bia từ 22h: Vẫn còn nhiều băn khoăn

Sau khi Bộ Y tế đưa ba phương án mềm dẻo để hạn chế sự lạm dụng rượu bia thay cho quy định “cứng” cấm bán rượu bia từ 22h, vẫn còn những tranh luận về các biện pháp này.

Ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Rất dễ bị “lách luật”

Việc Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Y tế soạn thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia để trình Quốc hội là cần thiết. Tác hại của sự lạm dụng quá độ rượu bia đối với mỗi người cũng như với xã hội thì tất cả chúng ta đều biết, có lẽ không cần phải phân tích nhiều, vấn đề là phòng chống thế nào cho có hiệu quả.

Ở đây dư luận quan tâm nhiều đến quy định cấm bán rượu bia từ 22h-6h sáng, theo như giải thích của Bộ Y tế, là đã có các phương án khác nhau như chỉ cấm ở một số địa điểm nhất định và có lộ trình, hoặc giao cho địa phương xem tình hình để có quy định cụ thể. Tôi ủng hộ các nỗ lực giảm thiểu tác hại của lạm dụng rượu bia, tuy nhiên từ góc độ một người làm luật thì tôi quan tâm đến tính khả thi của quy định này.

Sau 23g, rất đông khách du lịch ngồi ăn uống từ trong hẻm ra đến vỉa hè đường Bùi Viện, quận 1, TP.HCM.
Sau 23h, rất đông khách du lịch ngồi ăn uống từ trong hẻm ra đến vỉa hè đường Bùi Viện, quận 1, TP.HCM.

Vừa qua đã có nhiều quy định pháp luật không đi vào cuộc sống, trong khi đó một trong những nguyên tắc của việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải bảo đảm tính khả thi. Đã có nhiều ý kiến băn khoăn là làm sao biết cơ sở nào bán rượu bia trước 22h hay sau 22h, ai kiểm tra và kiểm tra như thế nào vì đây là một quy định hành chính rất dễ bị “lách luật”.

Tôi nghĩ rằng Bộ Y tế muốn thuyết phục đại biểu Quốc hội thì trước hết phải trả lời được thấu đáo các băn khoăn mà dư luận đặt ra.

Trước hết ban soạn thảo cần có điều tra xã hội để trả lời được câu hỏi nếu cấm bán rượu bia sau 22h thì quy định này thật sự đi vào cuộc sống được không hay chỉ nằm trên giấy, và nếu quy định như vậy thì giảm được tỷ lệ bao nhiêu tác hại của việc lạm dụng rượu bia? Trong khi đó ảnh hưởng của quy định này đến các ngành nghề khác như dịch vụ, du lịch ra sao? Nghĩa là ban soạn thảo phải có đánh giá tác động rõ ràng, chứ không thể đơn giản cấm đoán theo cảm tính.

Chúng ta phải lưu ý rằng ở đây không phải là luật cấm sản xuất, buôn bán, sử dụng rượu bia mà là đạo luật phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia. Cho nên cần có cách tiếp cận phù hợp và quan trọng nhất là luật ra đời thì tình trạng lạm dụng rượu bia được ngăn chặn, đẩy lùi chứ không phải là mọi việc vẫn như cũ.

Địa điểm nào sẽ bị cấm bán rượu bia sau 22h?

Chỉ cấm bán bia rượu tại một số địa điểm là phương án được Bộ Y tế đánh giá tối ưu. Tuy nhiên, đó sẽ là những địa điểm nào thì cần tiếp tục nghiên cứu.

Ông Trần Ngọc Vinh (đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng): Cần biện pháp mạnh hơn

Quan điểm của tôi là cần biện pháp mạnh hơn. Nhà nước có thể sử dụng công cụ thuế, ví dụ như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng rượu bia. Điều này làm cho rượu bia trở thành một thức uống xa xỉ mà ai đó muốn uống nhiều cũng phải cân nhắc.

Một biện pháp khác có thể nghiên cứu là đối với các hành vi vi phạm hành chính về an ninh trật tự vào lúc đêm khuya, nếu có nguyên nhân từ sự lạm dụng rượu bia (đo nồng độ cồn) thì cơ quan chức năng sẽ xem đó như là tình tiết tăng nặng để xử phạt nghiêm khắc hơn.

http://tuoitre.vn/Ban-doc/619779/viec-cam-ban-ruou-bia-tu-22g--van-con-nhieu-ban-khoan.html

Theo V.V.Thành/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm