Ngày 23/7, Bộ Y tế đã giải đáp một số thắc mắc xung quanh đề xuất không bán rượu bia sau 22h.
Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, trong lần sửa thứ 2 dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, tổ soạn thảo đang đặt ra những phương án để quy định này mềm dẻo hơn.Mua trước 22h, uống sau 22h có bị phạt?
Nếu cấm bán rượu, bia từ 22h đến 6h sáng hôm sau một số địa điểm thì đương nhiên người mua không được uống tại địa điểm đó - bà Trần Thị Trang.
Cụ thể, có 3 phương án đưa ra. Phương án 1 là cấm bán rượu bia từ 22h đến 6h sáng hôm sau nhưng chỉ cấm ở một số địa điểm nhất định và có lộ trình, địa điểm. Lộ trình do Chính phủ quy định.
Phương án 2, giao cho UBND tỉnh thành xem xét tình hình từng địa phương, có phương án phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia.
Còn phương án 3 là không quy định về giờ được bán rượu bia nữa mà hạn chế tác hại rượu bia bằng kiểm soát nguồn cung và các biện pháp khác.
Bà Trang cho biết, hiện phương án 1 đang là tối ưu. “Là người làm luật chúng tôi phải tính tới tính khả thi của quy định. Điều chỉnh quan hệ xã hội, trong đó những thứ ảnh hưởng tới văn hóa, lối sống của cả một quốc gia, thế hệ không phải chuyện dễ. Để thực hiện được quy định này đòi hỏi thách thức và nỗ lực rất cao, chúng tôi lường trước được khó khăn sẽ vấp phải”, bà Trang khẳng định.
các vũ trường sẽ là địa điểm dự kiến bị cấm bán bia rượu sau 22h- ảnh minh họa |
Trả lời về việc đia điểm dự kiến nào sẽ bị cấm bán bia rượu sau 22h, đại diện bộ Y tế cho biết, tại các nước thì công viên, bến tàu, bến xe, nhà hàng, quán bar, quán karaoke, tụ điểm vui chơi giải trí... thường bị cấm. Việt Nam sẽ nghiên cứu từng nhóm địa điểm có khả thi nhất.
Về lực lượng giám sát khi triển khai, bà Trang cho biết, đó sẽ là cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương, UBND các cấp. Sau khi triển khai các cơ quan chức năng sẽ phải thanh tra giám sát, định kỳ thanh kiểm tra. Bộ sẽ phổ biến tập huấn trước khi triển khai.
Liên quan đến việc làm thế nào kiểm soát trẻ dưới 18 tuổi không mua bán rượu, Vụ Pháp chế cho biết, ở các quốc gia trẻ em dưới 18 tuổi khi đi mua bán rượu đều phải xuất trình chứng minh thư. Trẻ đi một mình thì sẽ không bán. Nếu cơ quan chức năng phát hiện ra sẽ xử phạt mạnh.
Tại Việt Nam, quy định này không phải mới, đây là sự kế thừa luật hiện hành vì đã có trong Luật Bảo vệ trẻ em. Bộ sẽ tổ chức tuyên truyền cho cha mẹ và người kinh doanh.
Tuy nhiên, bà Trang cũng thừa nhận, đây là quy định khó triển khai trong thực tiễn. Trẻ ở lứa tuổi trưởng thành tương đối khó nhận biết, đòi hỏi người bán phải có kỹ năng và người kinh doanh rượu bia có trách nhiệm.
Liên quan đến vấn đề nhiều người quan tâm là việc cấm bia rượu sau 22h có ảnh hưởng tới du lịch, cơ quan soạn thảo khẳng định, hai vấn đề này không có mối quan hệ với nhau nhiều. Thái Lan và Singapore đều có quy định này nhưng du lịch của họ vẫn rất phát triển khi dành những địa điểm nhất định cho phép dùng rượu bia từ 22h – 24h.
Bộ Y tế cũng cho biết, dự luật đang dừng ở việc khảo sát đánh giá. Cơ quan soạn thảo sau khi xây dựng có đánh giá chung, có dự thảo chi tiết thì sẽ bắt đầu đánh giá tác động. Bước tiếp theo sẽ đưa ra xin ý kiến cơ quan ban ngành và cuối cùng sẽ trình Chính phủ.
Dự thảo luật sẽ được trình Chính phủ vào năm 2015. Sau đó, nếu được Quốc hội thông qua sẽ ban hành vào năm 2016.