“Uống rượu bia là một cách giải tỏa áp lực rất hiệu quả cho con người, nhưng tác hại của nó thì cũng nguy hiểm gấp nhiều lần. Bởi mấy ai uống rượu bia mà biết dừng đúng lúc”, một bạn đọc lên tiếng. Vì vậy, không chỉ ủng hộ quan điểm cấm bán rượu bia sau 22h để hạn chế tối đa hậu quả của hơi men, ý kiến khác còn mạnh dạn đề xuất “nên cấm bán rượu bia từ 21h”. “Nói chung cái gì có lợi cho dân, có ích cho nước thì nên làm, không nên tranh luận nhiều”.
Một độc giả khác dí dỏm so sánh rượu với pháo. “Pháo để giải trí tinh thần nhưng tốn tiền. Rượu, bia cũng giải trí tinh thần, nhưng tốn thêm thời gian, sinh ra nhiều bệnh nguy hiểm và tốn tiền gấp nhiều lần pháo. Pháo không an toàn, có nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại tài sản thậm chí là người. Rượu, bia không an toàn vì gây tai nạn khi đi xe, thiệt hại về người và của gấp mấy lần pháo. Vậy tại sao không cấm?”.
Chia sẻ với Zing.vn, bạn Thanh Trần viết: “Hạn chế là đúng vì rượu bia gây mất trật tự xã hội, những vụ tai nạn giao thông thảm khốc làm biết bao gia đình khốn đốn và ly tán. Vì vậy, quy định trên là cần thiết vì ở Thái Lan, họ thực hiện tốt việc này. Mình qua Thái Lan chơi, vào những mini shop, hàng quán đều khóa tủ thức uống cồn sau 22h nên không ai mua được”.
Trong khi đó, Thượng tá Trần Thanh Trà (Trưởng Phòng CSGT Công an TP.HCM) trả lời trên Tuổi Trẻ cũng cho rằng: “Quy định của Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h là hoàn toàn hợp lý. Vì sau thời điểm đó, nếu các hàng quán tiếp tục bán rượu bia cho khách nhậu nhẹt ồn ào sẽ làm những người dân sống xung quanh bị mất ngủ. Nhiều trường hợp sau khi nhậu nhẹt say xỉn đã có những hành vi gây rối trật tự công cộng, tụ tập đua xe, quậy phá... Nếu đề xuất của Bộ Y tế được triển khai thì sẽ hạn chế được nhiều vụ tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng liên quan đến rượu bia”.
Lo ngại sẽ giảm thu hút về du lịch
Trái ngược với những ý kiến trên, nhiều người bày tỏ việc cấm bán rượu bia sau 22h sẽ là một bước lùi cho ngành du lịch, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hộ dân. “Sau 22h là thời điểm lý tưởng mà người dân thích tụ tập, gặp gỡ bạn bè và giải tỏa stress sau một ngày làm việc. Việc cấm đoán sẽ không phù hợp với tập quán của người Việt”.
Nhậu đêm khuya tiềm tàng nhiều nguy hiểm. |
Độc giả Nguyễn Thương Tưởng viết: “Hầu hết tôi thấy chuyện cấm rượu bia sau 22h là thật sự không hợp lý. Vì có những ngành nghề làm việc thường là tới 21h đến 22h. Nếu mọi người muốn vui chơi sau một ngày làm việc vất vả thì bằng phương tiện gì, chẳng lẽ uống "cam vắt"?. Việc này không phù hợp đối với hoàn cảnh và môi trường sống của người Việt Nam. Nếu cấm một vấn đề nào đó thì phải lấy ý kiến của mọi người giữa nam và nữ”.
Để bày tỏ quan điểm, một bạn đọc phân tích: Rượu bia có gây ra tiêu cực hay không là do ý thức của cá nhân, do đó thay vì cấm bán bia rượu sau 22h thì cơ cơ quan hãy xử lý những cá nhân lạm dụng bia rượu? “Tôi cũng có uống bia rượu mà có làm phiền hay phiền lòng ai bao giờ đâu. Bên cạnh đó, việc cấm này ảnh hưởng đến du lịch đang phát triển của Việt Nam và không thực tế”.
Một vấn đề nữa được độc giả đặt câu hỏi là quy định này nếu được đưa vào cuộc sống thì không thể áp dụng, đặc biệt là vùng quê. Ai, đơn vị nào sẽ thức chờ sau 22h để đi phạt người vi phạm?, hoặc cần phải xác định rõ “cấm bán” hay “cấm uống” sau 22h? Nếu cấm bán thì khi cơ quan chức năng tới hỏi tại sao bán bia quá 22h, chủ quán sẽ nói bán lúc 21h song khách tới 22h khách vẫn chưa uống hết?
Dự thảo này, theo một số độc giả cũng chưa chặt chẽ: "Nghĩ sao mà cấm bán rượu bia sau 22h, cấp giấy phép kinh doanh thì cho hoạt động tới 24h vậy những quán nhậu hay quán bar sau 22h bán cho ai trong khi đó tiền thuế vẫn phải đóng bình thường mà doanh thu lại giảm (điều đó chắc chắn không bàn cãi). Sẽ xảy ra vấn đề lách luật: khách hàng sẽ gọi bia rượu nhiều hơn nhu cầu bình thường để uống từ từ. Nếu uống không hết thì có thể trả lại quán còn nếu cố uống hết thì lại nguy hiểm hơn. Số vụ tai nạn giao thông liên quan tới bia rượu sẽ tăng chứ không giảm".
Giải pháp là đâu?
Một người đọc hiến kế: "Sao không đánh vào các nhà máy sản xuất rượu, bia, đánh thuế cho sản phẩm. Theo tôi được biết thì rượu, bia là loại mặt hàng phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt và một số loại thuế khác; sao lại không vận dụng mạnh tay hơn mà cứ nhằm vào người tiêu dùng. Cần tính toán và xem xét kỹ lại cho phù hợp, vì không uống ngoài quán thì uống ở nhà, lúc đó ai giám sát, ai xử lý. Tác hại của rượu, bia ai cũng biết, ai cũng thấy tuy nhiên việc nhận thức của người sử dụng chưa cao. Việc buôn bán là nhu cầu mưu sinh của con người nếu cấm thì làm gì để sống..".
Bạn Bình lại thắc mắc: "Sao không thấy luật cấm bán rượu bia cho trẻ em dưới tuổi vị thành niên? Tôi thấy rất nhiều vụ chém giết toàn là nguyên nhân từ tầng lớp này. Nếu hạn chế được thì chắc chắn sẽ giảm thiểu các vụ gây rối trật tự công cộng".