Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa có quyết định phê duyệt giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VIB trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Theo đó, giá tham chiếu cổ phiếu này sẽ là 32.300 đồng/cổ phiếu, thấp hơn so với giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên UPCOM ngày 29/10 là 32.800 đồng/cổ phiếu. Mức giá này được xác định bằng bình quân giá tham chiếu của 20 phiên giao dịch gần nhất tính đến hết phiên 29/10.
Tuy nhiên, đây vẫn là vùng giá cao nhất của cổ phiếu ngân hàng này từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán đầu năm 2017. So với giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên trên UPCOM ngày 9/1/2017, thị giá chào sàn HOSE của VIB đã tăng hơn 3 lần.
Nếu tính từ đầu năm 2020, thị giá cổ phiếu này cũng tăng hơn 90% sau hơn 10 tháng. Tại vùng giá này, vốn hóa VIB được định giá gần 30.000 tỷ đồng, tương đương với HDBank và SHB.
Trước đó, VIB cho biết ngân hàng đã hủy giao dịch trên sàn UPCOM từ ngày 30/10 và dự kiến bắt đầu giao dịch trên HoSE từ ngày 10/11.
Diễn biến giá cổ phiếu VIB từ đầu năm 2020 đến nay. Nguồn: Tradingview.com. |
Theo bản cáo bạch niêm yết trên HoSE, VIB hiện có duy nhất 1 cổ đông lớn nắm trên 5% vốn doanh nghiệp đồng thời là cổ đông chiến lược nước ngoài Commonwealth Bank of Australia với tỷ lệ sở hữu 20%.
Trong nhóm cổ đông sáng lập, hiện còn duy nhất ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT nắm 4,99% vốn. Còn lại các cổ đông cá nhân như ông Trịnh Văn Tuấn, Ngô Chí Dũng, Hà Văn Hải hay cổ đông pháp nhân là Vietcombank và Agribank đều đã thoái sạch vốn.
Ngân hàng có 1 công ty con là Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác Tài sản VIB AMC với vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2020, VIB ghi nhận 7.854 tỷ đồng doanh thu sau 9 tháng từ đầu năm, tăng 34% so với cùng kỳ. Ngân hàng thu về khoản lợi nhuận trước thuế đạt 4.025 tỷ đồng, tăng 38%.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 213.000 tỷ, dư nợ tín dụng đạt 151.000 tỷ, tăng 14,2% so với đầu năm và là một trong những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu cùng thời điểm của VIB ở mức dưới 2%.
Tỷ lệ an toàn vốn Basel II đạt trên 9,5%, cao hơn so với mức tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi là 77% (trần cho phép 85%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 32% (trần cho phép 40%).
Trong hoạt động kinh doanh, thế mạnh lớn nhất của VIB là việc đứng đầu thị phần cho vay mua ôtô trong nước (trên 25%). Ngân hàng này còn chiếm thị phần số một (80%) trong mảng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng của Prudential. Ngoài ra, VIB hiện không có công ty con nên toàn bộ hoạt động đều tập trung vào ngân hàng mẹ.
Những năm gần đây, VIB là một trong số ít ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận 6 năm liên tiếp (từ 2013). Đặc biệt, lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh từ 2017 đến nay với mức bình quân trên 80%/năm.