Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa có thông báo về ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu LienVietPostBank (LPB). Cụ thể, cổ phiếu LPB sẽ bắt đầu được giao dịch trên HOSE từ ngày 9/11, giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên là 11.800 đồng/cổ phiếu với biên độ +/- 20% phiên đầu.
Với giá tham chiếu này, LienVietPostBank được định giá hơn 11.500 tỷ đồng trong phiên giao dịch đầu tiên. Tuy nhiên, mức định giá này thấp hơn gần 6% vốn hóa trong phiên giao dịch cuối cùng của ngân hàng trên sàn UPCOM ngày 23/10 (12.212 tỷ).
Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn HOSE của LienVietPostBank được tính bằng bình quân giá 20 phiên giao dịch cuối cùng của cổ phiếu này trên UPCOM.
Với thông báo trên, LPB sẽ là ngân hàng đầu tiên chuyển sàn thành công từ UPCOM sang HOSE đợt này. Trước đó, cả ACB, VIB, SHB cũng đã công bố kế hoạch chuyển sang niêm yết trên HOSE ngay trong năm nay. Phiên giao dịch đầu tiên của VIB trên sàn HOSE dự kiến là ngày 10/11.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng từ đầu năm, LienVietPostBank ghi nhận 1.740 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt kế hoạch 2020 và cao hơn 6% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính, riêng quý III, nhà băng này lãi 736 tỷ đồng, tăng 42%.
LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ HÀNG NĂM CỦA LIENVIETPOSTBANK | |||||||
Nhãn | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020KH | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 422 | 1348 | 1768 | 1213 | 2039 | 1700 |
Lãnh đạo ngân hàng cho biết với dự báo nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhu cầu vay kinh doanh, vay tiêu dùng tăng trở lại, ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế cả năm nay sẽ vượt năm 2019 và đạt mức kỷ lục trong 12 năm hoạt động.
Tính đến cuối tháng 9, ngân hàng có tổng tài sản gần 212.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi của khách hàng đạt trên 154.600 tỷ, tăng 13%; và cho vay khách hàng là 159.149 tỷ, tăng hơn 13%.
Mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng có báo cáo đánh giá về hoạt động của LienVietPostBank.
Theo các chuyên gia tại VCSC, việc chuyển đổi các phòng giao dịch bưu điện (PTO) thành phòng giao dịch ngân hàng (BTO) có thể giúp nhà băng này cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến các địa phương mới, đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Với việc sở hữu mạng lưới hàng trăm phòng giao dịch bưu điện, LienVietPostBank đang định vị mình thực hiện chiến lược như Ngân hàng Rakyat Indonesia và Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc về cung cấp dịch vụ ngân hàng cho những khách hàng chưa được phục vụ tài chính.
Để thực hiện chiến lược này, ngân hàng phải tiếp tục nâng cấp các PTO thành BTO, điều này khiến chi phí hoạt động và tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của LienVietPostBank tương đối cao trong 3 năm qua.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo ngân hàng cho rằng khi quá trình chuyển đổi kết thúc (có thể là vào năm 2021) và các PTO nâng cấp được vận hành thành công ở các địa phương nông thôn, ngân hàng có thể ghi nhận doanh thu cao hơn để bù đắp mức chi phí cao kể trên.
Tính đến cuối quý III, nhà băng này có hệ thống phòng giao dịch lớn thứ hai cả nước với một hội sở, 3 văn phòng đại diện, 76 chi nhánh và 470 phòng giao dịch, cùng với 613 phòng giao dịch bưu điện (chỉ sau Agribank với hơn 2.200 điểm).
Theo VCSC ngoài chiến lược chuyển đổi PTO thành BTO nói trên, hoạt động bán bảo hiểm cũng được xem là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng thu nhập dịch vụ trong tương lai của LienVietPostBank.
Năm nay, VCSC ước tính thu nhập lãi thuần của LienVietPostBank sẽ đạt khoảng 5.995 tỷ đồng, giảm 1% so với năm trước. Lợi nhuận trước dự phòng dự kiến đạt 2.545 tỷ, tăng 3% và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1.596 tỷ, không thay đổi nhiều so với năm 2019.