Bộ chính sử của triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, viết rằng, năm Minh Mạng thứ 16 (1835), mùa thu, tháng 9, triều đình bắt đầu định thêm thể lệ các tiết lễ hằng năm.
Bộ sử viết, nhà vua dụ nội các rằng: “Nhà nước xét theo phép xưa, làm sáng điển lễ. Hằng năm có 5 kỳ tế hưởng ở nhà tôn miếu, cho đến các tết như Nguyên đán, Thanh minh, Đoan dương, Trừ tịch đều có lễ tiến cúng để tỏ thành kính. Lễ nghi và ý nghĩa đã là chu đáo. Lại nghĩ: Những ngày tuần tiết như: Thượng nguyên (15/1), Hạ nguyên (15/10), Trung nguyên (15/7), Thất tịch (7/7), Trung thu (15/8), Trùng dương (9/9), Đông chí (ngày 22 hoặc 23 tháng 12 dương lịch), người xưa cũng có cúng lễ, mà tục nước ta thật thà chất phác chưa cử hành được hết. Vậy sai bộ Lễ tham bác xưa nay, châm chước kiến nghị, tâu lên trẫm nghe”.
Vua Minh Mạng là người quy định Tết Trung thu là chính lễ của triều đình. Ảnh: Chân dung vua Minh Mạng qua nét vẽ của người Pháp. |
Đến năm sau là năm Minh Mạng thứ 17 (1836), triều đình nhà Nguyễn quy định rõ việc chuẩn bị lễ vật, để dâng cúng trong các dịp lễ tiết này. Triều thần bàn rằng, đất nước lấy nông nghiệp làm đầu, việc cúng tế cốt cầu mong cho mưa thuận gió hòa, giảm bớt thiên tai, nên hằng năm, về tết Trung nguyên ở các miếu và điện Phụng Tiên đều theo lệ Tết Nguyên đán, bày mũ đai, xiêm, áo bằng đồ mã, vàng giấy, bạc giấy, mâm giấy, hòm giấy, kho giấy; khi lễ xong, đốt mã đi và theo lệ như hai tiết Thượng nguyên, Trung thu, thắp đèn suốt đêm.
Theo lệ thường, các vua triều Nguyễn thiết đại triều vào các ngày mùng 1 và 15 âm lịch hằng tháng. Đến mùa thu năm Minh Mạng thứ 20 (1839), nhà vua mới chuẩn định từ năm này, phàm các ngày tết Tam nguyên (gồm các ngày 15 tháng Giêng, tháng 7, tháng 10 âm lịch) và Tết Trung thu, các quan trong triều đều được miễn triều yết, cho phép được ở dinh thự tắm gội nghỉ ngơi ăn tết. Duy các quan văn từ tứ phẩm, võ từ tam phẩm trở xuống, vẫn phải túc trực như thường.
Trong các tập Ngự chế thi của vua Minh Mạng, có nhiều bài thơ về đề tài Trung thu, như bài Trung thu, Trung thu đến Doanh châu xem đèn, Trung thu trăng sáng không thưởng ngoạn, Vịnh trăng sáng đêm Trung thu, Trung thu không có trăng. Nội dung của cả 5 bài thơ trên đều cho thấy tâm tư tình cảm của vua Minh Mạng đối với đất nước: Mong cho biên thùy yên ổn, sông núi thuận dòng, người dân được vui tươi đón Trung thu. Bên cạnh đó cũng là nỗi lo của vua khi những người dân gặp tai ương, không biết Trung thu này có được vui?
Sang đến thời vua Thiệu Trị, vào năm Quý Mão, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), sử có ghi nhân dịp Tiết Trung thu. Vua đến chơi vườn Thường mậu, thưởng cho hoàng thân và quan viên đi hỗ giá các món quà gồm: Sa, đạo, nhung, trừu và tiền bạc, theo thứ bậc khác nhau.
Chi tiết việc vua chơi vườn Thường mậu vào dịp Tết Trung thu không được sử sách ghi rõ, tuy nhiên, ngay sau đó, vào dịp Tiết Trùng dương (9/9), vua Thiệu Trị lại đến chơi vườn Thường mậu, thì sử triều Nguyễn ghi chi tiết hơn rằng: Vua lên lầu Kỷ Ân, thưởng thời tiết và làm thơ, Hoàng tử Phước Tuy công chúc thọ, Hoàng tử Hồng Y, Hồng Tố dâng hồ rượu và chén rượu. Các quan đều mặc áo đẹp lạy ở Chí Thiện đường. Lễ xong, ban yến có thứ bậc.
Vua Thiệu Trị cũng định lệ tiến lễ ở điện Sùng Ân, là nơi thờ vua Minh Mạng và hoàng hậu, vào dịp Tiết Trung thu. Trước kia bộ Lễ đề xuất là chỉ có tiết Chính đán (1/1) và tiết Đoan dương (5/5) là có lễ, còn các tiết Đông chí, Tam nguyên, Thất tịch, Trung thu, Trùng dương, đều không bàn đến. Vua cho rằng điện Sùng Ân là nơi thiêng liêng hương khói, miếu điện cùng tôn, sao lại có nơi hơn, nơi kém?
Do đó, vua Thiệu Trị sai bộ Lễ lại chiếu lễ các tiết ở điện Phụng Tiên mà làm. Các quan coi về việc lễ trước đó là Trương Đăng Quế, Trương Quốc Dụng và Ngô Kim Lân đều phải phạt lương 6 tháng.