Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vị vua đi đến ngai vàng từ sới vật

Con đường đi đến ngai vàng của Mạc Đăng Dung khởi nguồn từ sới vật. Nhưng họ Mạc, từng chỏng vó trước một vị tiến sĩ trói gà không chặt.

Nói nghiệp đế của Mạc Đăng Dung từ sới vật đi lên, có lẽ chẳng phải ngoa ngôn, mà thực tế lịch sử đã diễn ra đúng như vậy. Trong Ngự chế Việt sử tổng vịnh của vua Tự Đức nhà Nguyễn cho hay, Mạc Đăng Dung vốn là cháu xa (bảy đời) của “lưỡng quốc trạng nguyên” Mạc Đĩnh Chi nhà Trần. Nhưng trái với tổ tiên vinh thân phì gia từ đường khoa bảng, Mạc Đăng Dung lại nhờ vào sức khỏe mà làm nên nghiệp.

Nghiệp đế khởi nguồn từ sới vật

Khi viết Đại Việt thông sử, Bảng nhãn Lê Quý Đôn có chú ý tới thân thế của họ Mạc. Ông viết “Đăng Dung sinh giờ Ngọ ngày 23 (Nhâm Tý) tháng 11 năm Quý Mão, niên hiệu Hồng Đức thứ 14 (1483). Tuổi còn trẻ đã có sức khỏe, nhà nghèo, làm nghề đánh cá”. Dẫu cụ tổ bảy đời đứng đầu hàng Tam khôi khoa thi năm Giáp Thìn (1304), nhưng về sau dòng dõi nhà Mạc cho đến thời Mạc Đăng Dung chẳng đỗ đạt gì. Thế nên Mạc Đăng Dung mới lấy nghề chài lưới nơi sông suối làm kế sinh nhai. Rồi cơ hội tiến thân cũng tới.

Vẫn theo Đại Việt thông sử cho hay: “Thời vua Uy Mục, tuyển dũng sĩ, Đăng Dung dự thi môn đánh vật, trúng đô lực sĩ xuất thân, được sung vào đội túc vệ, giữ việc cầm dù theo xe vua”. Vậy là nhờ có sức khỏe, lại giỏi món vật nên từ kẻ chài lưới ven sông, Mạc Đăng Dung trở thành đô lực sĩ, giữ chân cầm dù theo xe vua Lê Uy Mục (1505-1509).

Mac Dang Dung thua vat anh 1
Mạc Đăng Dung thắng vật. 

Dần dà qua thời gian, kẻ cầm dù năm nào nơi xe vua, sẽ có ngày chễm chệ ngồi xe vua. Cái việc vua Lê Uy Mục thích đấu võ mà tuyển võ sĩ, được Việt sử yếu cho là “nguyên nhân xa” dẫn tới sau này nhà Lê mất vào tay Mạc. Và việc giặc giã nổi lên như ong quấy nhiễu khắp nơi, vua triệu Mạc Đăng Dung từ Hải Dương về triều giao hẳn binh quyền, được Việt sử yếu cho là “nguyên nhân gần” để Mạc tiếm quyền nhà Lê.

Xem qua ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư nghiệp quan trường của Mạc Đăng Dung, kể ra thật mau lẹ. Từ chân cầm dù xe vua, Đăng Dung được bổ làm Đô chỉ huy sứ vệ Thiên vũ. Thời vua Lê Tương Dực được tiến phong làm Vũ Xuyên bá. Năm Bính Tý (1516) gia phong chức Phó tướng Tả đô đốc. Năm Mậu Dần (1518) được phong Vũ Xuyên hầu, trấn thủ Hải Dương. Đại Việt thông sử cho biết, từ khi giữ được vua bên mình ở Bảo Châu “đại quyền trong triều ngoài quận đều thuộc về tay Đăng Dung”, như Việt sử diễn nghĩa có câu:

Đăng Dung di giá Bảo Châu,

Trong ngoài quyền bính tóm thâu một mình.

Năm ấy Mạc Đăng Dung được giao giữ chức Đề thống các doanh thủy quân và bộ binh. Năm Kỷ Mão (1519), vua tiến phong tước Minh quận công, rồi sau được bảo cử làm Tiết chế, đến năm Tân Tỵ (1521) làm Thái phó. Quyền bính đầy tay, Đăng Dung còn dùng lọng bông vàng, thuyền rồng dây lụa, tự do ra vào cung cấm. Thế rồi về sau như trong Bắc Kỳ tạp lục, Emmanuel Souvignet đề cập việc lập nhà Mạc của Mạc Đăng Dung, đã chú ý rất chính xác về việc tiếm quyền: “Sau khi giết chết Chiêu Tông và Cung Hoàng, hai vị vua mà ông ta từng lần lượt phò tá với tư cách tể tướng, Mạc Đăng Dung chễm chệ ngồi lên ngai vàng”. Ấy là năm Đinh Hợi (1527).

Lấm lưng trắng bụng trước tiến sĩ

Đường tiến thân của vị vua tương lai nhà Mạc từ sới vật mà ra. Ấy nhưng cũng có lần, Mạc Đăng Dung thua “lấm lưng trắng bụng” ê chề trên sới vật bởi một vị tiến sĩ nhà Lê. Việc được Tang thương ngẫu lục, bài “Ông Lê Tuấn Mậu” ghi lại.

Số là dạo ấy, thấy Đăng Dung giỏi vật, lên chức nhanh “như diều gặp gió” làm quan to, tiến sĩ Lê Tuấn Mậu không lấy làm phục nên thách đấu vật. Ông mắng Mạc Đăng Dung:

- Anh đừng cậy sức, ta rất có thể như thế được, không thèm làm đấy thôi.

Thấy ông Mậu vốn chân khoa bảng mà làm quan, kẻ bạch diện thư sinh bên văn mà lại thách thức với kẻ võ biền bên võ sức lực điền như mình, Mạc Đăng Dung tức chí lắm, mới tâu với vua Lê xin được tỉ thí cùng ông Mậu. Biết kẻ ưa dùng sức đã mắc mưu của mình, ông Mậu vui vẻ nhận lời.

Mac Dang Dung thua vat anh 2

Mô tả cảnh đấu vật trên tranh dân gian Đông Hồ. 

Vốn biết nếu lấy sức đọ sức, thì bản thân làm gì có cửa là đối thủ với họ Mạc kia. Ông Mậu liền dùng kế để đối phó. Ông lấy mỡ bôi vào mình cho trơn, lại cài kim vào tóc và khố. Hai người cùng nhau vào sới vật đua tài cao thấp. Kẻ dùng sức, người triển mưu, kết quả là ông Mậu “vật cho Đăng Dung ngã suýt chết”.

Về tiến sĩ Lê Tuấn Mậu, ông người làng Xuân Lôi, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh làm quan đến chức Đô Ngự sử. Theo ghi chép trong Ngự chế Việt sử tổng vịnh, ông đỗ tiến sĩ thời vua Lê Thánh Tông, từng đi sứ nhà Minh. Ông xem tướng Mạc Đăng Dung, thấy có tướng phản nghịch, đã nhiều lần tâu vua nhưng vua không nghe lời ông.

Lại về phần Mạc Đăng Dung, sau này khi cướp được ngôi nhà Lê, chắc nhớ lại thù xưa nên cho người mời ông vào triều. Ông tiến sĩ họ Lê thác bệnh không đến. Nhưng vì Đăng Dung mời mãi không thể từ, Tang thương ngẫu lục cho hay ông nhờ người vực vào triều. Vốn là bề tôi trung thành của nhà Lê, giữ vẹn lòng trung trinh với vua cũ, ông nhổ nước bọt vào mặt họ Mạc mà chết. Ngự chế Việt sử tổng vịnh thì cho rằng ông dùng đá giấu trong ống tay áo ném Mạc Đăng Dung nhưng không trúng :

Trong mình giấu đá quăng không trúng,

Đá giấu trong lòng chửa hết đâu.


Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm