Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gặp gỡ tại Hà Nội, giới xuất bản ASEAN bàn cách phát triển

Năm 2018, hơn 1.500 đầu sách của Indonesia đã bán bản quyền ra thế giới. Một số tác giả của đất nước vạn đảo này hiện nay đã trở thành tác giả nổi tiếng toàn cầu.

Đại diện các hiệp hội, nhà xuất bản (NXB) một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã tới dự Hội sách Hà Nội 2019. Trong khuôn khổ Hội sách, tọa đàm “Xu thế xuất bản tại các nước ASEAN” diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long chiều 2/10. Chương trình có sự tham gia của ông Nguyễn Ngọc Bảo (Phó cục trưởng Cục Xuất bản), bà Nguyễn Thị Mai Hương (Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội) cùng đại diện các đơn vị xuất bản.

Diễn giả của tọa đàm là ông Dominador D. Buhain - chủ tịch Hiệp hội xuất bản châu Á - Thái Bình Dương; bà Sonia A. Santiago - đại diện Hiệp hội NXB giáo dục Philippines; bà Laura Prinsloo - Chủ tịch Ủy ban sách Quốc gia Indonesia; ông Aung Si Thar - Ủy ban Điều hành Hiệp hội các NXB và phát hành sách Myanmar, ông Hasri Hasan - Phó tổng giám đốc Thành phố sách Kota Buku; Malaysia và ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT công ty sách Thái Hà.

Kinh nghiệm phát triển xuất bản của Indonesia

Trong những năm qua, ngành xuất bản Indonesia phát triển vượt bậc, vì thế, các diễn giả và đơn vị tham dự tọa đàm đều muốn nghe kinh nghiệm từ đại diện ngành sách quốc gia này. Indonesia lần lượt là khách mời danh dự tại hội sách lớn nhất thế giới (Frankfurt Book fair) và hội sách lớn thứ hai thế giới (London Book fair). Đất nước này cũng có nhiều đầu sách bán bản quyền ra nước ngoài.

Bà Laura Prinsloo - Chủ tịch Ủy ban sách Quốc gia Indonesia - cho biết ở Indonesia có trên 3.000 NXB, là một đất nước đông dân và đa dạng về văn hóa. “17.000 hòn đảo của chúng tôi là 17.000 nét văn hóa phong phú, thừa sức để chúng tôi đem đi ‘khoe’ với thế giới thông qua những trang sách”, bà Laura nói.

Ban cach phat trien nganh sach ASEAN anh 1
Các diễn giả của tọa đàm "Xu thế xuất bản tại các nước ASEAN". 

Chính phủ và người dân Indonesia đều quyết tâm phát triển xuất bản. “Trước hết, chúng tôi có sự cam kết, hết lòng của chính phủ để phát triển ngành sách. Khi chính phủ đã hết mình thì các doanh nghiệp, toàn dân cùng làm, và thành công”, đại diện Indonesia chia sẻ.

Năm 2018, hơn 1.500 đầu sách của Indonesia đã bán bản quyền ra thế giới. Chính phủ Indonesia chi tiền đưa các tác giả ra nước ngoài diễn thuyết. Một số tác giả của đất nước vạn đảo này hiện nay đã trở thành tác giả thế giới.

“Nhiều người nghĩ ngành xuất bản đang chết đi, nhưng thật ra đây là ngành cho những người năng động”, bà Laura nêu quan điểm.

Tập trung xuất bản sách giáo khoa, sản phẩm giáo dục là một vấn đề mà các diễn giả của tọa đàm cùng thảo luận. Ông Dominador D. Buhain - Chủ tịch Hiệp hội xuất bản châu Á - Thái Bình Dương - nói: “Chúng ta cần chú trọng hơn nữa tới sách giáo dục. Tôi kêu gọi các NXB trong khu vực tham gia vào quá trình làm sách giáo dục mạnh mẽ, chất lượng hơn. Phần Lan là ví dụ điển hình, sách giáo dục của họ đa dạng làm nền tảng cho giáo dục, xã hội phát triển bền vững”.

Bà Laura Prinsloo cho biết Indonesia kiếm nhiều tiền từ sách giáo khoa. Bà Sonia A. Santiago - đại diện Hiệp hội NXB giáo dục Philippines - cho biết hiệp hội của bà luôn nỗ lực hỗ trợ nhau để làm ra những ấn phẩm tốt. Không chỉ sách giáo khoa, sách tham khảo trong nhà trường, các cuốn sách dạy nghề được Philippines chú trọng thực hiện trong vài năm trở lại đây. “Ngày càng nhiều thanh niên học hết phổ thông không chọn đại học mà họ đi học nghề rồi đi làm. Tôi cho rằng sách dạy nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay”, bà Sonia nói.

Sáng kiến “One ASEAN” trong ngành sách

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT công ty Sách Thái Hà - nói về sáng kiến “One ASEAN”. “Hiện nay chúng ta chủ yếu nhập khẩu sách từ châu Âu, Mỹ. Vì thế tôi kêu gọi các nước ASEAN xuất bản sách của nhau, cùng nhau phát triển”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ban cach phat trien nganh sach ASEAN anh 2
Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện một số đơn vị xuất bản Đông Nam Á. Ảnh: Duy Hiệu

Đại diện các đơn vị xuất bản trong khu vực cho biết sáng kiến họ đã được nghe ông Hùng nói về ý tưởng này trong những phiên họp của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á trước đó. Ý tưởng của người đứng đầu công ty sách Thái Hà được Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương ủng hộ tuyệt đối.

“Tôi từng bỏ tiền túi ra để xây dựng diễn đàn ASEAN ở hội sách Frankfurt, mục đích của tôi là để các nước chúng ta đoàn kết hơn trong việc xuất bản sách của nhau. Chúng ta cần tìm ra gốc rễ, chiến lược, có hành động cụ thể”, ông Dominador nói.

Bà Sonia A.Santiago cho rằng để làm được việc xuất bản sách của nhau, các nước ASEAN nên tăng cường dịch sách hay của mình sang tiếng Anh, thúc đẩy các tác giả viết sách bằng tiếng Anh. Có như vậy, các quốc gia trong khu vực mới có thể tìm được những tác phẩm chất lượng của nhau thông qua một ngôn ngữ chung.

Ông Aung Si Thar - Ủy ban Điều hành Hiệp hội các NXB và phát hành sách Myanmar - cho biết hiện nay Myanmar thực hiện chính sách giảm xuất bản sách của Mỹ xuống, sao cho tỷ lệ sách Mỹ chỉ chiếm 30% thị phần. Điều này có thể giúp tăng cường xuất bản sách của các nước trong khối ASEAN.

Ban cach phat trien nganh sach ASEAN anh 3
Hội sách Hà Nội còn là nơi gặp gỡ của những người làm sách trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Duy Hiệu

Đại diện Malaysia đề nghị hiệp hội xuất bản các nước trong khu vực cùng làm một platform, quốc gia nào có sách muốn giới thiệu ra khu vực thì đưa lên nền tảng đó. “Thời đại công nghệ phát triển như ngày nay, chúng ta cũng có thể cùng xuất bản. Điều này có thể áp dụng ngay với những cuốn sách tranh. Khi họa sĩ vẽ ra, thông qua một ngôn ngữ chung, mỗi quốc gia có thể dịch và xuất bản bằng ngôn ngữ của mình”, ông Hasri Hasan - Phó tổng giám đốc Thành phố sách Kota Buku, Malaysia - nói.

Với thành tựu bán bản quyền 1.500 đầu sách ra thế giới năm 2018, đại diện Indonesia chia sẻ kinh nghiệm. Bà Laura nói chính phủ Indonesia có một quỹ riêng cho việc khuyến khích dịch sách Indonesia ra tiếng Anh mang tên “Quỹ 7.000 USD”; nghĩa là cứ dịch một cuốn sách trong nước ra tiếng Anh thì được chi tối đa là 7.000 USD. Điều này giúp các tác phẩm của Indonesia dễ tiếp cận với nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.




Tần Tần

Bạn có thể quan tâm