Bình luận
Khu vực Đông Nam Á được coi là vùng trũng của các môn thể thao. Tuy nhiên ở Thế vận hội Rio, các vận động viên khu vực đã chứng minh với thành công vang dội khi các giành 18 huy chương các loại, trong đó có 5 huy chương vàng. Số huy chương này là nhiều nhất mà họ từng đạt được trong một kỳ Thế vận hội.
Đối với khu vực đã tham dự Thế vận hội từ năm 1924 nhưng chỉ bắt đầu giành được huy chương vàng vào năm 1992, người hâm mộ thể thao Đông Nam Á rất vui mừng, bởi số lượng huy chương tăng lên. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, người hâm mộ thể thao khu vực chứng kiến các VĐV giành huy chương nghỉ hưu, sa sút phong độ hoặc trong trường hợp đáng thất vọng là VĐV cử tạ nữ đoạt HCV Thái Lan bị cấm thi đấu vì dùng doping.
Straits Times nhận định, với một số ít tài năng thể thao mới có thể vươn lên và trở thành ứng cử viên tranh huy chương, Thế vận hội Tokyo có thể chứng kiến sự sụt giảm mạnh về số lượng huy chương cho các quốc gia Đông Nam Á.
Diaz là một trong những thành niềm hy vọng lớn nhất của khu vực. Ảnh: Getty. |
Gánh nặng cho vận động viên cử tạ Diaz
Niềm hy vọng giành HCV chắc chắn nhất cho khu vực tại Thế vận hội Tokyo đến từ quốc gia thậm chí chưa giành được một huy chương vàng nào.
Hidilyn Diaz, vận động viên cử tạ nhỏ bé, đã chấm dứt cơn hạn hán huy chương kéo dài 20 năm của Philippines tại Rio 2016 với tấm HCB, là một trong những ứng cử viên giành HCV hạng cân dưới 55 kg nữ ở Tokyo.
Nếu Diaz giành được HCV, Philippines sẽ chấm dứt chuỗi 97 năm chờ đợi tấm HCV, kể từ khi họ trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tham dự Thế vận hội vào năm 1924.
Không có gì ngạc nhiên khi điều này trở thành gánh nặng lớn đè lên vai Diaz, người chỉ cao 1,49m. Tuy nhiên, đô cử 30 tuổi đã học cách chấp nhận áp lực.
"Mọi người đều mong đợi tôi sẽ giành được HCV tại Tokyo. Tôi chỉ tự nhủ mình phải tập trung vào kỹ thuật, công việc phía trước. Tôi không muốn hứa hẹn điều gì, mà chỉ muốn làm thật tốt", Diaz với AFP trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Diaz kêu gọi giới trẻ Philippines "dám ước mơ" trong bài đăng trên mạng xã hội vào đầu tháng 7, vì cô hy vọng sẽ có nhiều người tài năng, nổi tiếng hơn thay thế mình sau khi cô hoàn thành nhiệm vụ tại Olympic.
"Hãy quyết tâm, kỷ luật hơn và làm điều đó vì bạn yêu thích nó. Đó là ước mơ của bạn và bạn mong muốn hiện thực hóa nó bởi vì bạn yêu những gì bạn đang làm, bạn yêu Philippines, bạn yêu và thấy giá trị của thể thao", nữ đô cử chia sẻ trên trang cá nhân.
Thế mạnh cầu lông của Indonesia và Malaysia bị ảnh hưởng sau khi các trụ cột giải nghệ. Ảnh: Getty. |
Thách thức lớn để thay thế các tượng đài cầu lông
Indonesia và Malaysia thiếu những tài năng hàng đầu để thay thế những người đã nghỉ hưu, có lẽ cảm nhận một cách sâu sắc nhất, đặc biệt là ở môn cầu lông, môn thể thao Olympic mà 2 quốc gia này có truyền thống rất mạnh.
Thế vận hội Tokyo sẽ là lần đầu tiên kể từ Olympic Athens 2004 mà Malaysia vắng mặt Lee Chong Wei. Cựu số một thế giới buộc phải nghỉ thi đấu vào năm 2019 sau khi vật lộn để lấy lại thể lực sau cuộc điều trị bệnh ung thư mũi.
Ngay cả khi có Chong Wei, tấm HCV Olympic vẫn luôn là điều xa vời với Đoàn Malaysia. Anh dường như bị "dính lời nguyền" khi 3 lần liên tiếp về nhì tại Bắc Kinh 2008, London 2012 và Rio 2016.
Sau khi Chong Wei giải nghệ, cầu lông Malaysia sẽ đặt niềm tin vào Lee Zii Jia - HCV SEA Games 2019 và là nhà vô địch All England năm nay - nhưng sẽ có nhiều điều đòi hỏi ở tay vợt 23 tuổi này trong lần đầu tham dự Olympic.
Trong khi đó, đôi nam giành HCB Rio 2016 Goh V Shem và Tan Wee Khiong không vượt qua được vòng loại Olympic Tokyo, khiến đôi nam nữ Chan Peng Soon và Goh Liu Ying trở thành cặp duy nhất trong số các vận động viên từng giành HCB cầu lông của Malaysia tại Rio 2016 tới Tokyo tranh tài.
Indonesia như thường lệ sẽ cử một đội cầu lông mạnh đến Tokyo. Tuy nhiên, họ cũng đang vật lộn để tìm người thay thế Liliyana Natsir, một trong những tay vợt đôi nam nữ vĩ đại nhất lịch sử cầu lông nước này. Natsir đã giải nghệ sau tấm HCV ở Rio khi đánh cặp cùng Tontowi Ahmad.
Tay vợt đơn nam Anthony Sinisuka Ginting, đôi nữ Greysia Polii và Apriyani Rahayu sẽ là những ứng cử viên tranh huy chương. Tuy nhiên, đây sẽ là trận chiến khó khăn cho cả hai, trong bối cảnh sự kiện có tính cạnh tranh cao ở Tokyo.
Xuân Vinh và Schooling khó bảo vệ tấm HCV. Ảnh: Getty. |
Schooling và Xuân Vinh khó tái lập chiến tích HCV
Olympic Rio mang tính lịch sử đối với hai quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam và Singapore, khi các vận động viên của họ cuối cùng đã giành được HCV tại kỳ Thế vận hội. Kình ngư người Singapore Joseph Schooling khiến cả thế giới choáng váng khi đánh bại thần tượng của mình là Michael Phelps để giành HCV 100 m bướm nam, trong khi Hoàng Xuân Vinh của Việt Nam giành 2 huy chương bắn súng trong đó có 1 HCV nội dung 10 m súng ngắn hơi nam.
Cả hai đều đem lại niềm tự hào và hãnh diện cho đoàn thể thao nước nhà. Những nỗ lực giành HCV của họ chứng minh hai VĐV này xuất sắc như thế nào, vì rất ít người khác ở các quốc gia tương ứng của họ có thể đạt được trình độ này.
Cả Schooling và Xuân Vinh sẽ trở lại Tokyo để bảo vệ tấm HCV, nhưng có nhiều thay đổi trong 5 năm giữa hai kỳ Thế vận hội mùa hè.
Schooling tiếp tục nỗ lực giành HCV Olympic của mình bằng việc giành 2 HCV ở Asian Games 2018 mà không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tại SEA Games 2019 ở Manila, anh giành 4 HCV (một cá nhân, ba đồng đội), khác xa với màn trình diễn giành 9 HCV của anh tại SEA Games 2015.
Thành tích gần đây của Schooling ở nội dung 100 m bướm cũng kém khá xa so với lần bơi giành HCV 50,39 giây của anh ở Rio. Những ứng cử viên mới như Caeleb Dressel (Mỹ) và Kristof Milak (Hungary) đang quyết tâm soán ngôi của kình ngư người Singapore. Schooling sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để chống lại những kẻ thách thức một lần nữa.
Trong khi đó, Xuân Vinh sẽ gặp nhiều khó khăn để bảo vệ tấm HCV. Xạ thủ 47 tuổi đã rút lui khỏi đội tuyển quốc gia năm nay và không tham gia giải đấu vòng loại vào tháng 3. Chỉ khi Liên đoàn Bắn súng Quốc tế (ISSF) trao vé mời cho Việt Nam, vì không có VĐV bắn súng nào của Việt Nam vượt qua vòng loại, Xuân Vinh mới quay lại tập luyện khi được lựa chọn tham dự Olympic.
Liệu Xuân Vinh có thể quay ngược kim đồng hồ để mang về một huy chương nữa cho đất nước của mình? Giống như Schooling, mức độ khó đã tăng lên đáng kể so với năm 2016.
Panipak trở thành niềm hy vọng lớn nhất của Thái Lan. Ảnh: Getty. |
Thái Lan lao đao vì lệnh cấm cử tạ
Đáng thất vọng nhất trong số các đoàn là tuyển cử tạ Thái Lan. Năm 2020, sau khi 9 VĐV cử tạ Thái Lan có kết quả xét nghiệm dương tính với doping tại Giải vô địch thế giới 2018, quốc gia này đã bị cấm cử các VĐV cử tạ đến Thế vận hội Tokyo.
Đây là cú đánh lớn vào hy vọng giành huy chương của Thái Lan, bởi các VĐV cử tạ đã mang về 2 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ tại Thế vận hội Rio. Hai người đoạt HCV, Sopita Tanasan và Sukanya Srisurat, đều dương tính với doping và không thể bảo vệ HCV của họ ở Tokyo.
Điều này khiến võ sĩ taekwondo Panipak Wongpattanakit trở thành VĐV giành huy chương duy nhất của Thái Lan ở Rio tham dự Thế vận hội Tokyo. Nữ sõ sĩ 23 tuổi cố gắng duy trì hoặc cải thiện màu huy chương, sau khi giành HCĐ hạng dưới 49 kg nữ.
Thái Lan cũng có thể đặt hy vọng ở môn boxing, trước đó họ giành HCV vào những năm 1996 và 2000. Niềm hy vọng sáng giá nhất là nữ võ sĩ Sudaporn Seesondee, người giành HCB tại Asian Games 2018 cũng như Giải vô địch Boxing nữ thế giới 2018.
Tuy vậy, với các Đoàn thể thao như Lào, Brunei, Campuchia, Myanmar và Timor Leste vẫn còn gặp khó trong việc giành vé trực tiếp tham dự Olympic, thì việc mơ về những vận động viên đủ khả năng tranh huy chương gần như là điều không thể. Có lẽ người hâm mộ trong khu vực không nên hy vọng quá nhiều về kỳ Olympic bội thu huy chương như những gì làm được tại Rio 2016.