Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), có trụ sở tại Thụy Điển vừa công bố báo cáo doanh số mua bán vũ khí thế giới giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Mỹ tiếp tục duy trì vị thế là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 37% tổng kim ngạch toàn cầu, tăng 15% so với giai đoạn 2010-2015.
Nga vẫn là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, chiếm 20% tổng kim ngạch, nhưng thị phần của Moscow giảm tới 22%, vì sự cạnh tranh của Washington ở hầu hết khu vực trên thế giới.
Pháp, Đức lần lượt là các nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 và thứ 4 thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Pháp tăng tới 44%, trong khi Đức ghi nhận mức tăng 21%. Israel và Hàn Quốc đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về doanh số, dù vẫn ở mức thấp trong tổng doanh số vũ khí toàn cầu.
Sức ép từ thương chiến Mỹ - Trung
Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc giai đoạn 2016-2020 giảm 7,8%, dù họ vẫn là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới, chiếm 5,2% tổng kim ngạch toàn cầu. Căng thẳng Mỹ - Trung khiến một số nước láng giềng của Trung Quốc chuyển sang mua vũ khí Mỹ, South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích cho biết.
Xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 được Trung Quốc giới thiệu tại một triển lãm quốc phòng. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Một số nhà phân tích khác cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump đã nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí của Mỹ, trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhận thức về mối đe dọa của Trung Quốc trong khu vực, và điều này vẫn tiếp diễn.
Đại dịch Covid-19 cũng là một yếu tố khiến xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm.
Song Zhongping, chuyên gia quân sự ở Hong Kong, cho biết sự giảm xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc là do chính quyền cựu Tổng thống Trump thúc đẩy các đồng minh trong khu vực mua vũ khí của Mỹ.
Đồng thời, ông Trump cũng thúc đẩy thuyết “mối đe dọa từ Trung Quốc” trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, để các nước trong khu vực từ chối mua vũ khí của Bắc Kinh.
“Bản thân ông Trump là một tay buôn lão luyện, đã thúc đẩy thêm nhiều nước châu Á mua vũ khí Mỹ, một động thái nhằm tăng cường xuất khẩu”, ông Song nói.
Báo cáo của SIPRI cho biết nhập khẩu vũ khí của Nhật Bản đã tăng 124% trong 5 năm qua. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã lên kế hoạch chi 240 tỷ USD từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2024 để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa và không quân.
Điều này được thúc đẩy bởi sự gia tăng căng thẳng của Trung Quốc, cũng như mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Tháng 7/2020, Tokyo đã công bố kế hoạch mua 105 tiêm kích tàng hình F-35, trị giá 23 tỷ USD.
Đảo Đài Loan đã tăng cường mua vũ khí Mỹ dưới thời Tổng thống Trump. Tuy vậy, nhập khẩu vũ khí của hòn đảo này giai đoạn 2016-2020 vẫn thấp hơn 5 năm trước đó.
Chuyên gia quân sự Chi Le Yi ở Đài Loan cho biết kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Đài Loan thấp hơn 5 năm trước là do SIPRI chưa thống kê 10 thỏa thuận lớn trị giá 18 tỷ USD ký với chính quyền Trump.
Đài Bắc đã ký hợp đồng mua 66 tiêm kích F-16 nâng cấp, 400 tên lửa chống hạm Harpoon, 100 phương tiện mang phóng, radar và thiết bị hỗ trợ khác.
“Các vũ khí Mỹ bán cho Đài Loan sẽ được chuyển giao trong những năm tới, vì vậy chúng không được tính vào báo cáo của SIPRI. Căng thẳng đang diễn ra trong khu vực là thời điểm tốt để Mỹ bán vũ khí”, chuyên gia Chi nói.
Thị phần của Nga giảm mạnh
Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga giảm tới 22% so với 5 năm trước đó, dù họ vẫn là nhà xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới, chiếm 20%. Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân xuất khẩu vũ khí của Nga giảm mạnh là do nhập khẩu của Ấn Độ giảm.
Vũ khí Nga đang bị Mỹ cạnh tranh ở hầu hết khu vực trên thế giới. Ảnh: Ria Novosti. |
Ấn Độ là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga. Giai đoạn 2016-2020, nhập khẩu vũ khí của New Delhi giảm tới 33%, kéo theo xuất khẩu của Moscow giảm. Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng sự sụt giảm chủ yếu do quá trình mua sắm kéo dài của Ấn Độ.
Nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ dự kiến tăng trở lại trong 5 năm tới, khi nước này nhận thức các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc và Pakistan.
“Đối với nhiều quốc gia ở châu Á và châu Đại Dương, có một sự nhận thức ngày càng tăng về Trung Quốc là mối đe dọa, đó là động lực cho việc nhập khẩu vũ khí. Các hoạt động nhập khẩu lớn hơn đã được lên kế hoạch. Một số quốc gia trong khu vực đang hướng tới việc tự sản xuất vũ khí”, Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp tại SIPRI nói.
Yogesh Gupta, cựu đại sứ Ấn Độ tại Đan Mạch, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ, cho biết New Delhi đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung vũ khí.
“Quân đội Ấn Độ chủ yếu nhập vũ khí từ Nga, Mỹ, Pháp và một số quốc gia khác. Nhưng xu hướng mới là tập trung phát triển vũ khí trong nước và đổi mới công nghệ”, ông Gupta nói.
New Delhi đang có xu hướng chọn vũ khí phương Tây để cập nhật các công nghệ hiện đại. Các hợp đồng mua vũ khí gần đây nhất của Ấn Độ đều đến từ Mỹ và một số nước phương Tây.