Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định thỏa thuận đã chứng tỏ "cam kết hồi sinh và hiện đại hóa liên minh dân chủ trên khắp thế giới nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng chung" của chính phủ Tổng thống Joe Biden, theo Reuters.
"Thỏa thuận Các biện pháp Đặc biệt" có hiệu lực trong 6 năm, sẽ thay thế thỏa thuận hợp tác quốc phòng đã kết thúc vào năm 2019.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, thỏa thuận mới có "mức tăng hợp lý đã qua đàm phán" trong khoản đóng góp từ nước chủ nhà. Thông cáo không tiết lộ cụ thể phần san sẻ chi phí của Hàn Quốc tăng bao nhiêu.
Lính thủy quân lục chiến Mỹ và Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật vào năm 2016. Ảnh: AP. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lưu ý rằng với thỏa thuận hợp tác trước đây, hơn 90% đóng góp chi phí quốc phòng của Hàn Quốc chảy trực tiếp vào nền kinh tế nước chủ nhà.
Khoảng 28.500 lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc. Đàm phán san sẻ chi phí rơi vào bế tắc trong giai đoạn ông Donald Trump nắm quyền. Phía Hàn Quốc khi đó đề nghị tăng đóng góp thêm 13%, nâng tổng số tiền lên khoảng 1 tỷ USD/năm. Ông Trump đòi Hàn Quốc trả đến 5 tỷ USD.
Trước thông báo về thỏa thuận mới, đặc phái viên Hàn Quốc Jeong Eun Bo đã có chuyến làm việc tại Washington. Đây là lần đầu tiên đặc phái viên Hàn Quốc đối thoại trực tiếp với Donna Welton, cố vấn cấp cao về đàm phán và thỏa thuận an ninh Bộ Ngoại giao Mỹ, kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức.
"Thỏa thuận Các biện pháp Đặc biệt" còn chờ cơ quan lập pháp Hàn Quốc phê duyệt. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc xác nhận thỏa thuận đã được đồng ý trên nguyên tắc. Cả hai nước sẽ có công bố chính thức và tổ chức lễ ký kết sau khi hoàn tất quy trình báo cáo quốc hội.
Tổng thống Joe Biden lên kế hoạch tạo sức sống mới cho hệ thống đồng minh của Mỹ sau 4 năm nhiều hỗn loạn của ông Donald Trump. Ông Biden đồng thời nhận định Mỹ cần duy trì một khối đồng minh và đối tác đoàn kết để ứng phó những thách thức từ Nga, Trung Quốc và Iran.
Trước Hàn Quốc, Nhật Bản vào tháng 2 cũng đạt được thỏa thuận san sẻ chi phí đồn trú của khoảng 55.000 lính Mỹ tại nước này.