Hơn 4 tháng xuất hiện tại khu vực đường Hồ Chí Minh qua xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đàn voọc gáy trắng khoảng 3 con, có trọng lượng mỗi con từ 8-12 kg được ghi nhận đã lao xuống đường đuổi cắn hơn 10 người dân bị thương.
Ngành chức năng tỉnh này từng đưa ra nhiều phương án để vừa xua đuổi, vừa bảo vệ loài động vật quý hiếm, nguy cấp này nhưng không hiệu quả. Quảng Trị cũng có văn bản “cầu cứu” chuyên gia từ Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) khảo sát, hỗ trợ để sớm có phương án xử lý, áp chế đàn voọc.
Voọc xuống đường đuổi cắn người
Trao đổi với Zing, ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), cho biết từ hồi cuối tháng 7, thôn Cha Lỳ và Sê Pu thuộc xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa xuất hiện khoảng 3 con voọc gáy trắng.
Voọc nhiều lần lao xuống đường tấn công người dân. Ảnh: H.D. |
Đàn voọc này thường xuyên xuống ven đường liên thôn và đường Hồ Chí Minh vào lúc sáng sớm và chiều tối rồi đuổi cắn người dân bị thương.
Chính quyền địa phương đã đặt biển cảnh báo, thông báo đến các thôn, xã và người dân hạn chế qua lại khu vực để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, nhiều biện pháp xua đuổi đàn voọc như tập trung đông người rồi đánh chiêng, trống và thu âm tiếng chó sủa để phát loa nhưng chưa hiệu quả.
“Từ ý kiến chuyên gia nói về đặc tính loài voọc rất sợ chó nên huyện từng làm văn bản đề xuất dùng chó nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng để xua đuổi nhưng không thể thực hiện vì thiếu tính khả thi, chó có thể cắn chết voọc”, ông Thuận nói.
Trước việc voọc tấn công người, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị (NN&PTNT) cũng từng giao Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hoá khảo sát và rào lưới cước dài khoảng 800 m dọc khu vực đàn voọc thường xuất hiện, lao xuống đường đuổi cắn người.
Lưới được sử dụng cao 6 m được mắc vào các cọc tre, cắm cách nhau 2-3 m. Tuy nhiên, đợt mưa lũ cuối tháng 10 vừa qua khiến nhiều đoạn lưới bị hư hỏng. Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hoá sau đó chăng thêm 400 m lưới đến thôn Sê Pu (xã Hướng Lập), nâng đoạn đường chăng lưới lên 1,2 km để ngăn voọc.
“Chăng lưới ngăn voọc chỉ là phương án trước mắt, lâu dài cần các chuyên gia khảo sát và đưa ra phương án bảo vệ đàn voọc cũng như đảm bảo an toàn cho người dân qua lại khu vực”, ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hoá, nói.
Lực lượng chức năng chăng lưới cao ngăn voọc ra đường. Ảnh: T.Lộc. |
Ngành chức năng tỉnh Quảng Trị cũng liên hệ Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) để nhờ hỗ trợ phương án bắn thuốc mê bắt đàn voọc nếu cần. Tuy nhiên, đề xuất này đang được tham khảo và xin giấy phép.
‘Do kích động hoặc từng bị nuôi nhốt’
Trao đổi với Zing, ông Lê Thúc Định, Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) nói rằng tập tính sinh thái tự nhiên loài voọc gáy trắng là sống bầy đàn, rất nhút nhát, ít khi xuống đất.
“Voọc gáy trắng nằm trong bộ linh trưởng nhưng khác với khỉ. Chúng thường xuyên ở trên cây, không xuống đất hay cắn người. Còn cá thể voọc liên tục tấn công người ở Quảng Trị có thể bị kích động hoặc từng được nuôi nhốt, xổng chuồng ra ngoài”, ông Định nói.
Theo ông Định, voọc gáy trắng thường sống trên các dãy núi đá vôi, khu rừng rậm, phân bố chủ yếu ở khu vực Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Số liệu thống kê từ năm 1998 cho thấy đã có gần 1.000 cá thể voọc gáy trắng vùng rừng núi tỉnh Quảng Bình. Đến nay, số lượng đàn voọc tăng rất nhiều do quá trình sinh trưởng được bảo vệ nghiêm ngặt.
Tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật này hiện có khoảng 25 cá thể voọc gáy trắng được nuôi nhốt bán hoang dã. Do đặc tính rất nhút nhát nên loài này thường leo trên cây, ít khi xuống đất hay tiếp xúc với con người.
Nhiều cá thể voọc được nuôi bán hoang dã ở Quảng Bình. Ảnh: VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. |
Còn ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), cho biết đã giao cho đơn vị chuyên môn khảo sát, phối hợp cơ quan chức năng có phương án bảo vệ, di chuyển đàn voọc thường cắn người sau văn bản đề nghị được hỗ trợ từ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị.
“Loài này vốn nhút nhát, hiền lành nhưng nếu đã đuổi cắn người thì cần có phương án xua đuổi và bảo vệ. Trường hợp xua đuổi không thành công thì phải đặt bẫy hoặc bắn gây mê rồi di chuyển đến khu vực an toàn”, ông Thái cho hay.