Theo lãnh đạo địa phương, chiều 29/11, anh Nguyễn Đình Ngọc (33 tuổi, trú xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa) chạy xe máy chở lương thực vào cho người dân ở thôn Sê Pu, xã Hướng Lập.
Voọc gáy trắng nhiều lần lao xuống đường đuổi cắn người. Ảnh: T.H. |
Khi chạy qua ngã 3 giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh và đường dẫn vào thôn Sê Pu, người đàn ông này bị một con voọc gáy trắng từ trong bụi cây lao ra tấn công.
Anh Ngọc phải cầm gậy và đá dọa ném thì con voọc mới bỏ đi. Nạn nhân sau đó được người thân đưa đến cơ sở y tế với 2 vết thương phần mềm ở chân phải khâu 8 mũi, trong đó có một vết cắn trúng xương.
“Sau đợt mưa lũ, một số con voọc lại xuống đường tấn công người dân. Huyện cũng đã yêu cầu các xã thông báo cho người dân, đặc biệt là học sinh chú ý khi qua lại khu vực đàn voọc xuất hiện để đảm bảo an toàn”, ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) nói với Zing.
Còn ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hoá, nói rằng ngoài 800 m lưới được mắc vào các cọc tre trước đó thì nay đơn vị chăng thêm khoảng 400 m lưới kéo dài đến thôn Sê Pu (xã Hướng Lập) để ngăn voọc.
1,2 km lưới đã được chăng tại khu vực voọc xuất hiện. Ảnh: T.H. |
Hồi tháng 7, khu vực đường Hồ Chí Minh qua xã Hướng Lập xuất hiện 3 con voọc gáy trắng, trọng lượng 8-12 kg. Từ sáng tới chiều tối, đàn voọc thường tấn công người đi đường.
Mỗi khi nghe tiếng động cơ của phương tiện qua đoạn đường này, đàn voọc lao xuống rượt đuổi, cắn người đi đường. Hơn 10 người bị thương do voọc cắn đã được ghi nhận.
Voọc Hà Tĩnh, hay còn gọi voọc đen Hà Tĩnh, voọc gáy trắng (tên khoa học Trachypithecus hatinhensis) được tìm thấy trong các khu rừng núi đá vôi thuộc tỉnh Quảng Bình. Chúng sống theo đàn từ 2 đến 15 con, cá biệt có đàn 30 con, thuộc nhóm IB động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, nằm trong sách đỏ Việt Nam.
Sự việc xảy ra tại xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị, chấm đỏ). Ảnh: Google Maps. |