Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Vì sao Vinhomes muốn làm khu đô thị gần 4 tỷ USD ở Long An?

Nếu được chấp thuận, Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây (Long An) sẽ là dự án bất động sản “khủng” thứ hai của Vinhomes từ trước đến nay, sau Vinhomes Ocean Park (Hà Nội).

Trong thông báo mới của tỉnh Long An, liên danh Vinhomes và CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) là đơn vị duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Dự án có hơn 7.000 căn nhà ở liền kề, gần 8.200 biệt thự, xấp xỉ 13.500 căn hộ chung cư nhà ở xã hội và gần 2.400 căn nhà ở thấp tầng tái định cư, được xây dựng trên tổng diện tích hơn 1.089 ha, phục vụ gần 90.000 người.

Với quy mô này, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là trên 80.000 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là gần 10.700 tỷ đồng, tương đương hơn 3,7 tỷ USD.

Để so sánh, số vốn này cao gấp nhiều lần dự án Vinhomes Central Park (gần 1,5 tỷ USD) và Vinhomes Grand Park (gần 1 tỷ USD) - những dự án biểu tượng của chủ đầu tư này tại TP.HCM. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là dự án bất động sản lớn thứ hai của Vinhomes, chỉ sau khu đô thị Vinhomes Ocean Park ở Gia Lâm, Hà Nội.

Các chủ đầu tư bất động sản đổ về Long An

Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây tọa lạc tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Dự án được bao bọc bởi sông Cần Giuộc và sông Rạch Ván, lại có tuyến đường Vành đai 4 đi qua, kết nối Cảng Hiệp Phước (TP.HCM) với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó là tuyến đường Tân Tập - Long Hậu chạy dọc theo ranh giới phía Đông đang dần được hình thành.

Đây là dự án có quy mô đầu tư lớn nhất của tỉnh Long An tính đến hiện tại. Đáng nói, gần nửa năm trước, một công ty con của Vinhomes là CTCP Phát triển Thành Phố Xanh cũng đã được Long An chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án tỷ USD đầu tiên của tỉnh. Đó là Khu đô thị mới Hậu Nghĩa - Đức Hòa với tổng mức đầu tư khoảng 28.258 tỷ đồng.

vinhomes anh 1

Phối cảnh dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây. Ảnh: UBND huyện Cần Giuộc.

Trong bối cảnh quỹ đất ở TP.HCM ngày càng khan hiếm, các doanh nghiệp bất động sản đang đổ dồn sự chú ý về các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, nếu Bình Dương và Đồng Nai đã được khai thác nhiều năm qua, Long An lại đang nổi lên là một điểm đến mới.

Năm 2023, tỉnh này liên tục phát thông báo tìm nhà đầu tư cho hàng loạt dự án, với tổng mức đầu tư lên đến hơn 150.000 tỷ đồng, hầu hết trong đó đều có nhà đầu tư quan tâm, gửi hồ sơ đăng ký.

Sang năm nay, Long An tiếp tục mời chào đầu tư cho hai dự án nhà ở mới ở huyện Đức Hòa, trong đó có dự án Khu đô thị mới Tân Mỹ, tổng vốn đầu tư gần 74.500 tỷ đồng, tương đương hơn 3 tỷ USD.

Hiện tại, nơi đây đã có sự xuất hiện của những chủ đầu tư lớn như Nam Long, Ecopark, Novaland... với một số dự án được triển khai rầm rộ thời gian gần đây. Trong khi đó, BIM Group và Phú Mỹ Hưng cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Long An để nghiên cứu đầu tư phát triển các dự án mới từ tháng 7/2023.

Ở góc độ nguồn cầu, bà Giang Huỳnh - Phó giám đốc, Trưởng Bộ phận nghiên cứu thị trường và S22M tại Savills Việt Nam - cho rằng các bất động sản ở Long An, Bình Dương và Đồng Nai đang là “lời giải” cho cơn khát nhà ở giá rẻ tại khu vực TP.HCM.

“Trong giai đoạn 2024-2026, lượng căn hộ giá 2-5 tỷ đồng ngày càng khan hiếm, nguồn cung tập trung chủ yếu ở phân khúc 5-10 tỷ đồng/căn. Chính vì vậy, người mua nhà tại TP.HCM có thể chuyển sang mua các sản phẩm ở khu vực lân cận như Bình Dương, Đồng Nai và Long An với mức giá phải chăng hơn”, bà Giang phân tích.

Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy giá đất nền ở Long An đang dao động trong khoảng 16-55 triệu đồng/m2, trong khi giá căn hộ ở mức 20-24 triệu đồng/m2, giá nhà liền thổ cũng chỉ từ 4,5 tỷ đến 8 tỷ đồng, bằng một nửa so với Bình Dương, Đồng Nai.

Tuy nhiên, các chuyên gia tại đây cho rằng sẽ phải mất thêm thời gian để thị trường Long An lấy lại sức nóng. Sức cầu chung có thể khởi sắc vào gần cuối năm nay.

Trong khi đó, DKRA ước tính tỉnh Long An sẽ dẫn đầu thị trường đất nền phía Nam năm nay với khoảng 850-950 nền đất được mở bán. Sự chú ý của thị trường sẽ tập trung ở nhóm sản phẩm được phát triển bởi các chủ đầu tư có uy tín, tiềm lực tài chính mạnh và dự án đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý.

"Gà đẻ trứng vàng" trong tương lai?

Riêng với Vinhomes, báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Shinhan (Shinhan Securities) cho thấy ông lớn này đang sở hữu tổng quỹ đất lên đến hơn 18.000 ha, cao hơn nhiều so với các chủ đầu tư khác và đủ để doanh nghiệp triển khai trong vòng 30 năm tới.

Nếu tính riêng tại Hà Nội và TPHCM, nơi có tốc độ tăng trưởng dân số và tỷ lệ đô thị hóa nhanh trong khi quỹ đất đang dần khan hiếm, Vinhomes có gần 5.500 ha.

Từ đầu năm 2023 đến nay, doanh nghiệp đã bổ sung hơn 1.800 ha quỹ đất nhờ được chấp thuận đầu tư tại một số dự án, trong khi vẫn đang tiếp tục đề xuất thực hiện một số dự án khác.

Trong đó, dự án “khủng” nhất vừa về tay Vinhomes là Khu đô thị ven Vịnh Cam Ranh ở Khánh Hòa rộng gần 430 ha, tổng vốn hơn 85.000 tỷ đồng (khoảng 3,4 tỷ USD) do liên danh Vinhomes - Cam Ranh - VinES làm chủ đầu tư.

QUỸ ĐẤT CỦA VINHOMES LỚN HƠN NHIỀU CÁC ĐỐI THỦ
Tổng quỹ đất của các doanh nghiệp bất động sản lớn. Nguồn: Shinhan Securities.
Nhãn Vinhomes Novaland DIC Group Phát Đạt Đất Xanh Nam Long Khang Điền
Quỹ đất Ha 18152 10600 8000 7434 4100 684 650

Thực tế, các dự án quy mô lớn luôn có đóng góp dài hạn cho chủ đầu tư do quá trình triển khai được chia thành nhiều phân khu với tiến độ kéo dài nhiều năm.

Lấy Vinhomes Ocean Park làm ví dụ. Với tổng vốn đầu tư lên đến 100.000 tỷ đồng, Vinhomes Ocean Park dù được khởi công từ quý III/2018, bàn giao những sản phẩm đầu tiên từ năm 2020, nhưng đến nay vẫn là “gà đẻ trứng vàng” cho Vinhomes.

Nhờ bàn giao gần 10.000 căn bất động sản thấp tầng tại Vinhomes Ocean Park 2 và 3 trong năm ngoái, công ty con của Vingroup đã lần đầu ghi nhận doanh thu vượt mốc trăm nghìn tỷ đồng (hơn 103.300 tỷ đồng), tăng 67% so với năm 2022.

Kết quả này cũng đưa Vinhomes trở thành quán quân lợi nhuận của nhóm VN30 phi tài chính năm 2023. Lãi ròng của doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam lên đến gần 33.300 tỷ đồng, tăng 14%.

Với Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây, tiến độ thực hiện dự án là 7 năm kể từ ngày có quyết định chấp thuận nhà đầu tư. Trong lúc này, Vinhomes vẫn đang triển khai các dự án ở Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh.

Ước tính trong năm nay, VNDirect dự báo Vinhomes có thể đạt hơn 119.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% so với năm 2023. Lãi ròng theo đó tăng 15% lên trên 43.500 tỷ đồng. Doanh số ký bán mới có thể tăng trưởng gần 30%. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ việc mở bán 3 đại dự án trong nửa cuối năm nay, gồm Vinhomes Vũ Yên, Vinhomes Cổ Loa và Vinhomes Wonder Park.

Vinhomes đăng ký làm khu đô thị gần 4 tỷ USD tại Long An

Liên danh Vinhomes và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam là đơn vị duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây (tỉnh Long An) có quy mô gần 1.090 ha.

Doanh thu Vinhomes lần đầu vượt mốc 100.000 tỷ đồng

Năm 2023, Vinhomes lập kỷ lục doanh thu thuần ở mức 103.300 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế cũng lên đến 33.300 tỷ đồng.

Cuộc đua gom đất đang 'nóng' lên

Không chỉ các ông lớn trong ngành bất động sản, mà cả các đại gia từ lĩnh vực khác cũng đang tích cực lên kế hoạch mở rộng quỹ đất trong bối cảnh thị trường chưa hết ảm đạm.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm