Báo The Star của Malaysia hồi tháng 2 năm ngoái từng đăng tải bài viết về sự trỗi dậy của bóng đá Trung Đông, theo đó, Iraq trở thành một trong số nhiều những cái tên được nhắc tới. Ở một quốc gia chỉ thường được biết đến với chiến tranh liên miên, hạt mầm bóng đá vẫn nẩy mầm và sinh sôi kinh ngạc.
Khung cảnh hoang tàn sau một vụ đánh bom xảy ra thường xuyên ở Iraq. Ảnh: AP. |
Báo The Star mô tả sự phát triển của bóng đá Iraq kỳ diệu đến ngạc nhiên. Trên sân, các cầu thủ của đội tuyển quốc gia tập luyện dưới điều kiện thiếu an toàn và cơ sở vật chất cũng rất nghèo nàn. Thế nhưng thành tích của họ lại khiến nhiều đội tuyển giàu có khác ghen tỵ. Năm 2007, Iraq giành chức vô địch Asian Cup và hạng 4 tại giải Asian Cup 2015.
Khi đội tuyển quốc gia thi đấu, dù chơi trên sân trung lập đi nữa, cả đất nước Iraq dõi theo họ qua màn ảnh TV. Những nỗi lo hay các câu chuyện đánh bom khủng bố và những cuộc tấn công nổi dậy chìm vào quên lãng để nhường chỗ cho không khí cuồng nhiệt của tình yêu bóng đá. Người hâm mộ la hét điên cuồng sau những bàn thắng, các pha phạm lỗi và phạt đền.
Tình yêu bóng đá ở Iraq là như vậy. Nghịch cảnh không làm người dân mất đi sự lạc quan và niềm tin vào đội tuyển quốc gia. Với họ, từng tấc đất đều có thể biến thành sân bóng. Mặc cho sỏi đá trải đầy trên mặt sân, người ta vẫn dễ dàng nhìn thấy rất nhiều cậu bé tập luyện hằng ngày với ước mơ trở thành ngôi sao bóng đá.
Đội tuyển bóng đá Iraq là một trong những tên tuổi lớn của châu Á. Ảnh: AFP. |
Ở Iraq cũng có lò đào tạo trẻ. Đó là trường dạy bóng đá Ammo Baba. Tuy nhiên, điều kiện vật chất và cơ sở đây rất kém. Mặt sân được dùng làm nơi luyện tập của các cầu thủ toàn phủ đầy cát và rất tệ. Vậy mà điều đó không ngăn được sự nhiệt huyết của bọn trẻ khi khi hằng ngày vẫn có rất nhiều học viên tham gia luyện tập.
Có thời điểm thể thao Iraq sẽ chìm vào bóng đen khi hàng loạt những vụ bắt cóc, mưu sát, đánh bom liều chết liên tục diễn ra. Theo cây bút Hassanin Mubarak của Goal, các vận động viên thể thao ban đầu không phải mục tiêu của những kẻ cực đoan tới khi 15 vận động viên của đội taekwondo Iraq bị bắt làm con tin vào năm 2006.
Tiếp đó, HLV đội quần vợt Iraq và hai tay vợt khác bị bắn ở quận Saidiya chỉ vì chọn trang phục là những chiếc quần ngắn. Theo thời gian, những cái chết trở thành chuyện diễn ra hằng ngày. Với người hâm mộ bóng đá, không ai quên được thảm kịch xảy ra với những cầu thủ trẻ như Ghanim Khudhair, Manar Mudhafar và Ehab Karim.
Người Iraq rất máu với bóng đá. Ảnh: AFP. |
Tại Iraq, không có bất kỳ ngoại lệ trong những vụ bắt cóc, mưu sát và đánh bom liều chết. Ngay cả huyền thoại Ammo Baba, từng góp công xây dựng hệ thống đào tạo trẻ quê nhà khi mở trường dạy bóng đá, cũng từng bị trói, bịt mắt và đánh đập bởi nhiều tay súng có vũ trang trong vụ cướp xảy ra ở Zayouna, trung tâm của thủ đô Baghdad (Iraq).
Từ những thảm kịch đó, người ta nên dành một sự ngưỡng mộ cho thể thao Iraq nói chung và bóng đá của quốc gia này nói riêng. Trong điều kiện khó khăn về mọi mặt, đồng thời đất nước bị tàn phá bởi các cuộc chiến, tuyển Iraq vẫn gặt hái được những thành công vang dội. Điều này khác với Malaysia hay Indonesia và những quốc gia lân cận khác ở Đông Nam Á.
Malaysia có cơ sở vật chất phục vụ bóng đá rất tốt, các học viện hiện đại, thế nhưng, các nhà điều hành lại không có kế hoạch phát triển cụ thể để nâng tầm chất lượng bóng đá nước nhà. Các cầu thủ ở nhiều nước tại Đông Nam Á cũng được tạo đầy đủ điều kiện để phát triển sự nghiệp, song, chưa có nhiều những tài năng xuất chúng làm rạng danh quê hương.
Hôm nay (29/3), Iraq sẽ chạm trán Việt Nam trong trận đấu quyết định cho số phận của họ ở vòng loại World Cup 2018. Kết quả ra sao chưa biết, tuy nhiên, thầy trò Nguyễn Hữu Thắng và bóng đá Việt Nam nên học từ tinh thần vươn lên nghịch cảnh của đội bạn. Với tuyển Iraq, chặng đường tới World Cup của họ còn rất xa, nhưng những gì đạt được lúc này rất đáng tự hào.
Iraq, đội bóng đáng gờm: Hơn 10 năm qua, bóng đá Iraq gặp khốn khó vì chiến tranh, khủng bố nhưng họ vẫn đạt được những thành tích đáng nể, với đỉnh cao là chức vô địch Asian Cup 2007. Họ cũng liên tục tham dự VCK giải đấu này từ năm 1996 đến nay và càng thuyết phục hơn khi lần nào cũng vào đến ít nhất tứ kết.
- Từ tháng 5/2007 đến nay, Iraq đã 16 lần thay đổi HLV. Tình trạng chính trị bất ổn, nạn tham nhũng ở IFA... là nguyên nhân chính khiến có ít nhà cầm quân ở lại với đội bóng này. Trong số những HLV từng dẫn dắt Iraq có những người rất nổi tiếng như Zico (Brazil), Bora Milutinovic (Serbia)... Họ từng có những liên hệ để Maradona đến làm việc nhưng cuối cùng không thành.
- Iraq (9 điểm) đang xếp thứ 5 trong 8 đội hạng nhì các bảng ở vòng loại thứ 2 World Cup 2018. Nếu đánh bại Việt Nam, họ hoàn toàn có cơ hội vượt qua các đội Syria (12 điểm), UAE, Jordan và CHDCND Triều Tiên (đang có cùng 10 điểm) để lọt vào top 4 đội nhì có thành tích tốt nhất - điều kiện để tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2018, đồng thời đoạt vé dự VCK Asian Cup 2019.