Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

Vì sao U23 Việt Nam và cả châu Á khát thắng trên đất Thái Lan?

Khác với giải đấu 2 năm trước, U23 châu Á 2020 đồng thời là vòng loại Olympic Tokyo. Với U23 Việt Nam, chiến thắng tại đây vinh quang hơn nhưng khó khăn và khốc liệt gấp bội.

Khác với giải đấu 2 năm trước, U23 châu Á 2020 đồng thời là vòng loại Olympic Tokyo. Với U23 Việt Nam, chiến thắng tại đây vinh quang hơn nhưng khó khăn và khốc liệt gấp bội.

Năm 2018

Ngày 11/1, U23 Việt Nam thua trước Hàn Quốc.

Ngày 14/1, U23 Việt Nam vượt qua đối thủ Australia.

Ngày 17/1, U23 Việt Nam đã có mặt tại tứ kết.

Ngày 20/1, Việt Nam thắng kịch tính Iraq, giành quyền chơi ở bán kết.

Ngày 22/1, cả Đông Nam Á đứng phía sau Việt Nam trước thách thức mang tên Qatar.

Ngày 23/1, Việt Nam thắng Qatar trên chấm luân lưu sau trận cầu kinh điển, giành quyền vào chung kết.

Ngày 27/1, U23 Việt Nam có thể ngẩng cao đầu. Những cầu thủ rất trẻ của họ đã trải qua hành trình kỳ diệu. Với họ, tương lai của bóng đá Việt Nam thật rạng rỡ.

Đó là 7 đoạn viết đã xuất hiện trên trang thể thao FOX Sport phiên bản châu Á đúng thời điểm này 2 năm về trước. Từ ngắn tới dài, miêu tả đơn thuần tới đong đầy cảm xúc, nghi ngại ban đầu tới vỡ òa chiến thắng. Đó mãi mãi là giải đấu kỳ diệu, hành trình đầu tiên và có thể là vĩ đại nhất dưới triều đại Park Hang-seo nói riêng, là nơi thay đổi cả nền bóng đá Việt Nam.

Hai năm sau ngày U23 Việt Nam “chiến đấu hết mình nên không việc gì phải cúi đầu” như miêu tả của HLV Park Hang-seo, chúng ta có đủ thời gian và trải nghiệm để đánh giá đầy đủ hơn về chiến công vĩ đại ấy, nơi khởi nguồn cho “Thế hệ vàng” hiện tại.

U23 Viet Nam tro lai chau A,  U23 Viet Nam,  Park Hang-seo,  Quang Hai,  Olympic Tokyo anh 1

Những trận đấu trong tuyết ở U23 châu Á 2020 là chiến công lịch sử, ký ức không thể nào quên của bóng đá Việt Nam. Ảnh: AFC.

Đó là giải đấu bắt đầu trong những hoài nghi, diễn ra ở thời điểm chạm đáy hậu SEA Games 29. Đội U23 khi ấy vừa thảm bại ở khu vực, được dẫn dắt bởi một HLV vài tháng trước còn vật lộn tại hạng Ba Hàn Quốc. Không ai dám tin U23 Việt Nam sẽ làm nên điều kỳ diệu lúc ấy. Những người lạc quan nhất cũng chỉ dám nghĩ tới việc giành được điểm.

Những dự báo sớm về giải đấu thất bại được phản ánh qua số lượng phóng viên và CĐV Việt Nam theo đội tuyển. Tại vòng bảng, khoảng 10 phóng viên của vài cơ quan báo chí. Con số này tăng dần sau mỗi chiến thắng của đội tuyển. Số chiến thắng của đội tuyển tăng dần tỷ lệ thuận với những lần hủy vé, đặt vé, gia hạn visa, đổi khách sạn... của giới truyền thông.

Đêm 26/1, một ngày trước chung kết, hàng chục phóng viên mới đặt chân xuống Thường Châu sau chuyến bay vội vã. Trong cái lạnh dưới 0 độ, họ đổ về trung tâm báo chí để đăng ký thẻ, khiến người của ban tổ chức giải phải ngạc nhiên.

U23 Việt Nam năm ấy đưa người hâm mộ đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, khiến tất cả ngỡ ngàng. Thậm chí chính các cầu thủ có lẽ cũng không tin họ đã thành công.

Vị trí á quân U23 châu Á, chiến công đột phá cực hạn của họ đã tạo ra những thay đổi chưa từng có suốt 2 năm qua.

U23 Viet Nam tro lai chau A,  U23 Viet Nam,  Park Hang-seo,  Quang Hai,  Olympic Tokyo anh 2

2 năm lột xác sau kỳ tích Thường Châu

Chiến thắng đầu tiên của U23 Việt Nam đã mở ra thời kỳ đẹp nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Thời kỳ này kéo dài suốt 2 năm, ổn định ở cả cấp độ khu vực như AFF Cup, SEA Games và châu lục như Asian Games, Asian Cup và vòng loại World Cup 2022. Đặc biệt, thời kỳ này chứng kiến các chiến thắng liên tiếp trước nền bóng đá hàng đầu khu vực Thái Lan ở cả cấp độ U23 và tuyển quốc gia. Hai năm kể từ khi U23 Việt Nam chinh phục Thường Châu, tuyển Việt Nam từ hạng 113 FIFA hồi năm 2018, leo gần 20 bậc tới hạng 94 (tháng 12/2019).

Giai đoạn chiến thắng kéo dài ấy từng bước thay đổi tâm lý cầu thủ Việt Nam. Niềm tin Việt Nam có thể đánh bại mọi đối thủ không chỉ hiện hữu nơi “Thế hệ Thường Châu” mà lan sang cả nền bóng đá. Kết quả là các chiến thắng liên tiếp trước những đội tuyển mạnh như Nhật Bản, Thái Lan, UAE.

Ở cấp độ CLB, đội Hà Nội với phần lớn đội hình là các tuyển thủ U23 Việt Nam đi tới trận chung kết liên khu vực AFC Cup và chỉ dừng bước vì luật bàn thắng sân khách. Bình Dương cũng đi tới chung kết vùng ASEAN. Chỉ trong một năm, họ xô đổ thành tích tốt nhất của bóng đá Việt Nam ở đấu trường khu vực.

V.League hưởng lợi lớn nhờ hiệu ứng U23 Việt Nam. Mùa giải 2019 có trung bình 7.265 CĐV tới sân mỗi trận. Con số tương tự của giải Thái Lan chỉ là 5.699 người.

Thành công của giai đoạn này cũng thúc đẩy xu thế cầu thủ Việt Nam xuất ngoại với các hợp đồng mới cho 4 ngôi sao Đặng Văn Lâm, Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng và Đoàn Văn Hậu. Tiền vệ Nguyễn Quang Hải được đề cử Cầu thủ hay nhất châu Á, giành giải Cầu thủ hay nhất Đông Nam Á, được các đội bóng ở Liga Tây Ban Nha ngỏ lời mời.

Hai năm sau kỳ tích Thường Châu, ánh sáng từ nó chiếu rọi mọi ngóc ngách, thay đổi mọi mặt đời sống bóng đá Việt Nam.

Trở lại giải U23 châu Á 2020, hãy tưởng tượng chúng ta có thể thu được nhiều hơn bao nhiêu nếu U23 Việt Nam tiếp tục chinh phục châu lục?

U23 Viet Nam tro lai chau A,  U23 Viet Nam,  Park Hang-seo,  Quang Hai,  Olympic Tokyo anh 3

U23 châu Á đồng thời là vòng loại cho Olympic Tokyo 2020 tổ chức vào mùa hè. Ảnh: Shutterstock.

Vinh quang nhưng cũng khốc liệt hơn

Giải U23 châu Á ra đời hồi năm 2013 với tên gọi cũ là U22 châu Á. Bắt đầu từ năm 2016, Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) xem đây là vòng loại châu Á cho Olympic. Từ đó trở đi, vai trò của giải đấu trở nên quan trọng hơn hẳn, nhất là trong những năm diễn ra Thế vận hội.

Giải đấu năm 2013 có Oman và Thái Lan xin đăng cai. Giải đấu năm 2018, nơi U23 Việt Nam giành vị trí á quân, gần như chỉ có Trung Quốc hào hứng.

Tuy nhiên, trong hai kỳ tổ chức 2016 và 2020 trùng với vòng loại Olympic, số quốc gia xin đăng cai đều tăng vọt. Năm 2016, Qatar đánh bại Uzbekistan, Saudi Arabia và Iran. Năm 2020, Thái Lan cũng phải vượt qua Australia, Malaysia và Việt Nam để giành quyền tổ chức.

Các quốc gia châu Á đều hiểu quyền đăng cai sẽ tạo cơ hội cực lớn cho đội tuyển của họ vươn ra thế giới. Dẫn chứng rõ ràng là tấm vé đi World Cup trẻ năm 2014 của U20 Myanmar hay việc Qatar suýt dự Olympic khi vào tới bán kết U23 châu Á 2016.

Tính chất khác nhau của mỗi kỳ tổ chức cũng thể hiện qua quyết tâm của các đội tuyển tham dự. Trên đất Trung Quốc 2 năm trước, nhiều đội mang tới giải đội hình trẻ. Tuổi trung bình của tuyển Nhật Bản năm đó là 19,5, đủ tuổi để dự các giải U20. Con số tương tự của Qatar là 20,2. Hai đội tuyển vào tới chung kết đều có độ tuổi trung bình cao với 20,9 cho U23 Uzbekistan và 20,7 cho U23 Việt Nam.

Thông điệp hiện lên rất rõ ràng? Ý đồ của các nền bóng đá lớn là biến các kỳ tổ chức không trùng vòng loại Olympic thành sàn đấu tập dượt cho những cầu thủ trẻ, sau đó sẽ dồn toàn lực cho giải đấu diễn ra sau đấy 2 năm. Đấy là lựa chọn của Qatar, đội thua U23 Việt Nam tại bán kết. Cũng với cách làm đó, Olympic Nhật Bản thua Việt Nam ở Asian Games.

U23 Viet Nam tro lai chau A,  U23 Viet Nam,  Park Hang-seo,  Quang Hai,  Olympic Tokyo anh 4

Đó cũng là lựa chọn của nhiều quốc gia khác trong các tình huống tương tự. Cựu HLV trưởng U23 Malaysia Ong Kim Swee từng đề nghị cử đội U21 tới Asian Games 2018 Ở Indonesia. Ông tự tin cho rằng sự hy sinh ấy sẽ “tạo ra một đội tuyển đủ mạnh” để tranh vé tới Olympic 2020.

Ở chiều ngược lại, độ tuổi trung bình cao của U23 Việt Nam thuộc hàng cao nhất, 20,7 ở năm 2018 và 21 năm 2020. Nghĩa là HLV Park Hang-seo luôn mang lực lượng mạnh nhất tới giải, vét sạch những gì tinh túy nhất của bóng đá Việt Nam.

Một thông số khác cũng nói lên nhiều điều ấy là số cầu thủ đủ tuổi dự giải kế tiếp. Năm 2018, cả đội hình U23 Nhật Bản đủ tuổi dự giải tiếp theo nhưng năm 2020, con số này chỉ còn 5 người. Thay đổi ấy phù hợp với mục tiêu lớn nhất của bóng đá Nhật Bản là giành huy chương Olympic diễn ra ngay mùa hè này.

Khác với Nhật Bản, con số tương tự của Qatar là 11 người năm 2018 và 12 người năm 2020. Chính sách ưu tiên tài năng trẻ ấy cũng phục vụ cho World Cup 2022, giải đấu sẽ diễn ra sau 2 năm nữa mà Qatar là chủ nhà.

Nhìn vào U23 Việt Nam, ta thấy điều ngược lại. Năm nay, ông Park chỉ còn 6 cầu thủ đủ tuổi dự giải 2022. Những thông số trẻ hóa hạn chế giúp chúng ta có lực lượng giàu kinh nghiệm, dày dạn khi vào giải nhưng nó cũng cho thấy hạn chế lực lượng nơi bóng đá Việt Nam. Đương nhiên, các thống kê ấy không có nghĩa là chúng ta phải “xét lại” chiến công của U23 Việt Nam. Nó chỉ giúp chúng ta có một cái nhìn thực tế hơn, giúp ta hiểu mình đứng đâu trên bản đồ châu lục và dự báo trước khó khăn sẽ tới ở U23 châu Á 2020, giải đấu mà cả châu lục sẽ quyết tâm cao độ.

U23 Viet Nam tro lai chau A,  U23 Viet Nam,  Park Hang-seo,  Quang Hai,  Olympic Tokyo anh 5

Mục tiêu của ông Park và đội ngũ là tấm vé tham dự Olympic mùa Hè 2020, nghĩa là U23 Việt Nam phải vào tới tối thiểu bán kết. Ảnh: Minh Chiến.

Lợi thế của U23 Việt Nam

Đương nhiên, phải hiểu hoàn cảnh và điều kiện của bóng đá Việt Nam khác xa Nhật Bản, Qatar hay các cường quốc châu lục. Chúng ta và họ khác nhau, không đặt mục tiêu như nhau và không cần hành động giống nhau.

Với U23 Việt Nam và HLV Park Hang-seo, mục tiêu lớn nhất là tấm vé dự Olympic. Chúng ta cũng có những lợi thế riêng và sẽ tận dụng tối đa để chiến thắng.

Với bóng đá trẻ, chênh lệch nhỏ về độ tuổi cũng mang tới khác biệt lớn về kinh nghiệm. So với các đội ở bảng D nói riêng và trong giải nói chung, kinh nghiệm của Quang Hải và đồng đội dày dạn hơn hẳn. U23 Việt Nam có tỷ lệ lớn tuyển thủ quốc gia trong đội hình với phân nửa quân số (10 người) từng ra sân ở các giải châu lục và U20 World Cup.

Nhiều người đang có suất đá chính ở đội tuyển quốc gia như Quang Hải, Đình Trọng, Tiến Linh... Nhiều cầu thủ U23 Việt Nam góp mặt trong trận tuyển Việt Nam thắng Jordan tại Asian Cup, Việt Nam thắng UAE tại vòng loại World Cup. Bóng đá Việt Nam có thể chưa đạt tới đẳng cấp của UAE, nhưng U23 Việt Nam là đội cửa trên so với đối thủ.

U23 Viet Nam tro lai chau A,  U23 Viet Nam,  Park Hang-seo,  Quang Hai,  Olympic Tokyo anh 6

Nhiều tuyển thủ U23 Việt Nam quen thuộc với vùng Buriram và sân Chang Arena trong vài năm qua. Ảnh: Minh Chiến.

Do chính sách hướng về V.League, do độ tuổi trung bình cao, gần như toàn bộ đội hình chính U23 Việt Nam đang đá chính ở giải quốc nội. Họ được ra sân đều đặn, được cọ xát hàng tuần. Với các cầu thủ trẻ, lợi thế ấy là rất nhiều.

U23 châu Á 2020 cũng là lần thứ 3 dưới triều đại Park Hang-seo, các đội tuyển Việt Nam hành quân tới Buriram. Chúng ta quen thuộc và am hiểu vùng đất này, đặc điểm khí hậu, điều kiện sân bãi, ăn uống. Đây cũng là nơi đã chứng kiến các chiến thắng lớn của ông Park, thắng U23 Thái Lan, giành HCĐ M-150 Cup, thắng tiếp tuyển Thái Lan, giành vị trí á quân King’s Cup.

Thế hệ Quang Hải thi đấu ở Buriam còn nhiều hơn đá tại TP.HCM. Trận gần nhất của tuyển Việt Nam với Thái Lan ở King’s Cup, hơn 2.000 CĐV Việt Nam đã ngồi kín một góc khán đài. Màu đỏ cuồng nhiệt ấy sẽ tiếp tục hiện diện ở Chang Arena ít ngày tới. Chiều ngược lại, U23 UAE, Jordan và cả CHDCND Triều Tiên sẽ thi đấu mà gần như không có CĐV. Cách biệt quá lớn về địa lý, chưa am hiểu thổ nhưỡng là những khó khăn của đối thủ mà U23 Việt Nam không hề gặp phải.

4 năm trước, trong giải đấu cuối cùng ở tuổi U19, Quang Hải và lứa 1997 đã đưa Việt Nam tới World Cup trẻ. Cuối năm ngoái, trong kỳ SEA Games cuối cùng, lứa Quang Hải tiếp tục mang về tấm HCV lịch sử. Lần này, trong giải đấu có thể là cuối cùng ở cấp độ U23, một kỳ tích nữa đang chờ họ lập nên.

Đây có thể chưa phải lần cuối cùng của Quang Hải ở sân chơi U23.

U23 Viet Nam tro lai chau A,  U23 Viet Nam,  Park Hang-seo,  Quang Hai,  Olympic Tokyo anh 7

U23 Việt Nam vs UAE - thử thách đầu tiên cho giấc mơ Olympic

Không có hàng loạt trụ cột ở hàng thủ và đối đầu U23 UAE của chiến lược gia giàu kinh nghiệm Maciej Skorza, U23 Việt Nam vẫn phải chiến thắng vì giấc mơ Olympic.

Thanh Hà (từ Thái Lan)

Đồ họa: Minh Phúc

Bạn có thể quan tâm