Thanh Hóa có thực lực rất mạnh nhưng bất ngờ dừng bước sau vòng bảng AFC Cup. Ảnh: AFC. |
Việc Thanh Hóa bị loại sớm ở AFC Cup 2018 một lần nữa phản ánh thực tế: các đội bóng Việt Nam chưa bao giờ quá mặn mà với sân chơi châu lục.
Vinh quang châu Á, những chiến thắng trước các đối thủ Nhật, Hàn, khoản tiền thưởng đáng kể từ Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Những thứ đó có phải đều vô nghĩa? Các CLB có phải chỉ quan tâm tới V.League? Tại sao họ lạnh nhạt, thậm chí sợ hãi việc phải thi đấu ở giải châu Á? Điều gì thực sự ngăn cản các CLB Việt Nam hội nhập với châu lục?
Zing.vn sẽ cung cấp cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh về bóng đá Việt Nam ở đấu trường châu lục và lý giải nguyên nhân các đội bóng Việt Nam “sợ” phải bước ra sân chơi này.
Tại sao ai cũng sợ đá giải châu Á?
Trong quá khứ, nhiều CLB Việt Nam đã từ chối quyền tham dự AFC Champions League và AFC Cup. Nhiều đội tham gia cho có, nhiều đội chủ động xin bỏ giải. Những trường hợp mang đội hình dự bị (như SLNA tại vòng 4 trước Persija Jakarta) hay thi đấu hời hợi (Thanh Hóa để thua 2 bàn trong 10 phút trước Global Cebu) không hề hiếm gặp. Lựa chọn của bóng đá Việt Nam đi ngược lại logic thông thường. Bởi tại châu Á, AFC Champions League và AFC Cup lẽ ra phải là những giải đấu quan trọng nhất, phải là ưu tiên hàng đầu của từng CLB.
Muốn hiểu rõ bức tranh bóng đá Việt Nam ở đấu trường châu lục, ta phải hiểu về hệ thống thi đấu của AFC. Đây chắc chắn là một trong những hệ thống bóng đá phức tạp bậc nhất thế giới.
Do khoảng cách địa lý và trình độ bóng đá chênh lệch nhau, các đội bóng tham dự AFC Cup 2018 được chia thành 5 nhóm tương đương 5 vùng địa lý trên lục địa. Ảnh: Wikipedia. |
Lãnh thổ châu Á rộng 44 triệu km2 với hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Châu lục này trải dài trên 10 múi giờ, thời gian di chuyển giữa Tokyo (Nhật Bản) tới Jerusalem (Palestine) kéo dài hơn 16 giờ bay. Khoảng cách địa lý quá lớn ấy khiến AFC không thể thiết lập một hệ thống thi đấu đồng nhất cho mọi vùng lãnh thổ. Họ buộc phải chia châu Á thành các vùng địa lý khác nhau dựa trên sự phát triển bóng đá từng khu vực.
Trong trường hợp của AFC Cup 2018, giải đấu được chia thành 5 khu vực (ZONE) với 9 bảng đấu. Các CLB Đông Nam Á trong đó có Việt Nam thuộc “ASEAN ZONE”.
Do thứ hạng FIFA thấp hơn, các đội Đông Nam Á gặp bất lợi hơn cả khi phải thi đấu nhiều nhất. Nếu SLNA muốn giành ngôi vô địch AFC Cup, đội bóng của Phan Văn Đức sẽ phải chơi tổng cộng 15 trận. Con số tương tự của một CLB đến từ Iraq hoặc UAE (vùng Tây Á) chỉ là 11 trận. Trong trường hợp này, khái niệm “vùng trũng bóng đá” không chỉ là một nỗi đau tinh thần. Nó đã hiển hiện trở thành những tổn thất thực sự về vật chất.
Các CLB Đông Nam Á phải thi đấu nhiều nhất AFC Cup. Ngoài các vòng loại khác, họ phải dự thêm một vòng loại nội bộ dành cho Đông Nam Á. Đồ họa: Minh Phúc. |
Do bị AFC xếp hạng thấp nhất, các CLB Đông Nam Á sẽ phải thi đấu nhiều nhất, di chuyển nhiều nhất, hao tổn sức lực nặng nề nhất. Từ vạch xuất phát, cơ hội của họ đã thấp hơn đối thủ.
AFC Cup là của người Tây Á?
Nếu không ngại lịch thi đấu ấy dày đặc ấy, bóng đá Việt Nam sẽ phải đối diện một thử thách khác. Thử thách mới mang tên: Tây Á.
14 năm kể từ ngày AFC Cup ra đời, người Tây Á chỉ 2 lần để mất ngôi vô địch. Lần đầu tiên đến vào năm 2011 trước FC Nasaf (Uzbekistan). Lần thứ 2 đến hồi 2015. Năm ấy, 2 CLB Kuwait bất ngờ bị loại ở bán kết vì án phạt của FIFA, tạo điều kiện cho Johor Darul Ta'zim (Malaysia) đăng quang. Tính rộng ra, các đội tuyển ngoài Tây Á mới 5 lần góp mặt ở các trận chung kết AFC Cup.
Bình Dương là đại diện duy nhất của bóng đá Việt Nam từng vào tới bán kết một kỳ AFC Cup trước khi bị Al-Karamah (Syria) đè bẹp với tỷ số 2-4. CLB Hà Nội và Ninh Bình đều chưa thể tiến xa hơn tứ kết. 3 năm gần nhất, không đội bóng Việt Nam nào vượt qua vòng bảng.
Al-Quwa Al-Jawiya (Iraq) đã vô địch AFC Cup hai lần gần nhất. Họ là điển hình cho sức mạnh Tây Á ở giải đấu này. Ảnh: AFC. |
Ngay cả khi qua được vòng bảng, thậm chí vô địch khu vực Đông Nam Á, cơ hội của bóng đá Việt Nam cũng là rất thấp. Bởi những đối thủ ở Tây Á thực sự là thử thách quá tầm với hầu hết đại diện Việt Nam. Hãy lấy Al-Quwa Al-Jawiya (Iraq) làm ví dụ. Đội bóng này đã vô địch 2 kỳ AFC Cup gần nhất, sở hữu trong đội hình 6 tuyển thủ quốc gia Iraq.
Cơ hội chiến thắng của các đại diện Việt Nam tiếp tục thu hẹp lại vì đạo luật hạn chế cầu thủ ngoại. VFF quy định mỗi CLB V.League chỉ được đăng ký 2 ngoại binh và 1 cầu thủ nhập tịch. Trong khi ấy, các đội dự AFC Cup được dùng tới 4 ngoại binh (1 người gốc Á). Các đội bóng không thể đăng ký thêm 2 ngoại binh chỉ để đá hơn chục trận châu Á rồi phải trả lương suốt cả mùa bóng.
20.000 USD mỗi chuyến làm khách, nhiều hay ít?
Bỏ qua những vấn đề chuyên môn, Thanh Hóa hay SLNA còn phải đối mặt với 2 bài toán khác: kinh phí và thời gian.
Khác với AFC Champions League có tiền thưởng cho mỗi chiến thắng, AFC Cup không có chế độ thưởng theo trận. Ban tổ chức chỉ hỗ trợ 20.000 USD (hơn 450 triệu) cho mỗi chuyến làm khách. Với số tiền đó, các đội bóng phải lo mọi chi phí vé máy bay, ăn ở, tập luyện. Ngược lại, họ cũng phải chi cho giám sát, trọng tài và các quan chức AFC trong những trận sân nhà.
HLV Nguyễn Thanh Sơn - người từng nhiều năm chinh chiến ở châu Á với Bình Dương, khẳng định: “Chi phí cho mỗi trận đấu rất nhiều. Mấy chục nghìn USD của AFC chả là gì cả. Mình qua nước khác được họ lo ăn nghỉ nhưng khi về Việt Nam, mình phải lo lại cho người ta là hòa. Càng thi đấu tốt, chi phí càng phát sinh. Gặp những đội ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Tây Á, chi phí ấy đội lên rất nhiều”.
Bình Dương (áo đỏ) là đội bóng Việt Nam hiếm hoi tạo được ấn tượng ở AFC Champions League. Trong ảnh, Đặng Văn Robert (Bình Dương) đang đối đầu với tiền vệ nổi tiếng Ramires của Jiangsu Suning. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Ông Sơn kể có những chuyến đi sang Tây Á, đội bóng phải quá cảnh tới 3 lần mới đến nơi. Mới đây nhất, tuyển quốc gia Việt Nam cũng mất hơn 16 tiếng di chuyển tới Amman trong chuyến làm khách tại Jordan.
Việc phải làm khách tại Tây Á không chỉ khiến các đội bóng mất nhiều thời gian di chuyển. Những đội như SLNA hay Thanh Hóa đều phải đổi lịch V.League, phải thi đấu liên tục, phải làm quen với tần suất 3 trận/1 tuần. Hôm 5/4 vừa qua, Thanh Hóa, Sông Lam mới đá bù trận đấu mà lẽ ra họ được chơi từ ngày 10/3.
Căng sức liên tục như vậy, các đội bóng khó lòng duy trì thể lực. Họ buộc phải liên tục xoay tua, buộc phải có 2 đội hình với sức mạnh tương đương cho 2 đấu trường. Đòi hỏi ấy nằm ngoài khả năng của tất cả các CLB V.League hiện nay.
Ông Sơn phân tích: “Giải châu Á khó vô cùng. Các CLB hiện nay đều nghĩ là đá chơi thôi chứ không đi sâu. Bởi không phải chỉ đá cúp châu Á xong là xong, các đội bóng trở về còn phải đá V.League, đá Cúp quốc gia và đủ thứ sự kiện khác. Các đội sẽ phải tính toán kỹ để xen kẽ đội hình. Căng ra đá, gần bị loại rồi mà đưa đội hình chính vào, nhỡ chấn thương thì sao? Mà không đá hết mình thì bị fan la mắng. Trong khi ấy, phần lớn CLB Việt Nam quan tâm nhất vẫn là V.League”.
Càng sợ hãi, càng tụt hậu
Những khó khăn khách quan ấy khiến bóng đá Việt Nam chưa thể bay cao ở sân chơi lục địa. Khó khăn càng lớn, các CLB càng sợ hãi. Họ càng sợ hãi, Việt Nam càng tụt hậu. 3 năm gần đây, Việt Nam không còn đại diện nào vượt qua vòng bảng. Thành tích tốt nhất của bóng đá Việt Nam ở châu lục chỉ là bán kết AFC Cup.
Ngay trong Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam đã tụt lại rất xa so với đối thủ.
Người Thái tự hào khi Thai Farmers Bank 2 lần nâng cúp ở AFC Champions League danh giá. Bóng đá Thái Lan giờ có 1 suất chính thức và 2 vé play-off Champions League. Malaysia cũng từng đăng quang AFC Cup năm 2015, trong khi Indonesia đã 2 lần giành HCĐ Champions League. Với họ, đấu trường châu Á không còn là nơi để học hỏi. Đó là nơi để chiến đấu và chinh phục.
5 năm trở lại đây, thành tích bóng đá Việt Nam tại AFC Cup có xu hướng thụt lùi. Đồ họa: Minh Phúc. |
Bóng đá Việt Nam không nghĩ như vậy. “Chúng tôi tới đây để học hỏi” vẫn là câu cửa miệng của các chiến lược gia trong nước. Mục tiêu của họ sau bao nhiêu năm vẫn là “chiến đấu từng trận một”. Tâm lý tự ti ấy khiến các CLB Việt Nam mãi quanh quẩn trong sân nhà.
Càng lùi lại, bóng đá Việt Nam càng mất nhiều. Năm 2004, AFC cho Việt Nam 2 suất dự Champions League. Đến năm 2015, chúng ta chỉ còn 1,5 suất và hiện là 0,5 suất (play-off). Từ đấu trường đỉnh cao Champions League, các CLB Việt Nam phải làm quen với sân chơi hạng hai AFC Cup.
Thành tích của các CLB Việt Nam mâu thuẫn sâu sắc với thành tích của các đội tuyển quốc gia. 5 năm trở lại đây, từ U16 tới U19, từ U23 tới tuyển quốc gia, bóng đá Việt Nam liên tục thăng tiến và chinh phục các cột mốc mới tại châu lục. Những Công Phượng, Xuân Trường, Tiến Dũng đã dự trận chung kết U23 châu Á nhưng chưa từng vượt qua vòng bảng ở cấp CLB. Tình trạng ấy để lâu sẽ không tốt cho bóng đá Việt Nam. Bởi động lực của nền bóng đá phải xuất phát từ các CLB.
Đã đến lúc, bóng đá Việt Nam phải hướng về châu lục.